Chính phủ và người dân đều cần thị trường chứng khoán phát triển
“Đã có 20 năm để thị trường đi từ số 0 đến có, nhưng tương lai sẽ càng thú vị hơn vì cả Chính phủ và người dân đều cần thị trường chứng khoán phát triển”.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital chia sẻ nhân dấu mốc TTCK Việt Nam tròn 20 tuổi.
Là một trong số ít người chứng kiến TTCK Việt Nam hoạt động ngay từ thời điểm thị trường còn trong thời kỳ thai nghén, ông đánh giá như thế nào sau 20 năm vận hành thị trường, đâu là thành tựu nổi bật nhất?
Tôi nhớ thời điểm đó những người có nhiệm vụ xây dựng TTCK Việt Nam đi gặp, làm việc với các bộ ngành khác thì người ta chưa hiểu thị trường chứng khoán là gì. Còn bây giờ giá trị thị trường vốn gồm 3 sàn và thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp đã ngang bằng thị trường ngân hàng.
Ở một số nước như Ðức thì thị trường ngân hàng lớn hơn thị trường vốn, nhưng ở nước châu Á như Hàn Quốc thì thị trường vốn lớn hơn ngân hàng nhiều. Nhìn vào tương lai thì quy mô thị trường vốn Việt Nam sẽ đi theo xu thế như Hàn Quốc.
Tiến trình xây dựng và phát triển thị trường trong 20 năm qua được ghi nhận bằng những thành tựu về quy mô, chỉ số, tốc độ tăng trưởng, số doanh nghiệp niêm yết, số nhà đầu tư số vốn thu hút…
Nhưng còn một góc nhìn để đánh giá thị trường, đó là những mức độ chịu đựng, đối phó vượt qua các cuộc khủng hoảng để tồn tại, khắc phục những khó khăn để tiếp tục phát triển. Tôi đã chứng kiến thị trường trải qua nhiều cuộc khùng hoảng.
Vừa ra đời năm 2000 bị ảnh hưởng bởi bong bóng dot-com tại Mỹ, sau đó là dịch SARS, đến 2008 khủng hoảng toàn cầu, khủng hoảng nợ ở châu Âu, sau đó là khủng hoảng giá dầu, khủng hoảng do Trung Quốc, và bây giờ là khủng hoảng do đại dịch Covid gây nên.
Mỗi khủng hoảng đều có rủi ro vỡ hệ thống, mức độ tín nhiệm suy giảm. Nhưng thị trường vốn vẫn tồn tại được và sau đó phát triển mạnh hơn. Những người cầm lái thị trường có quyền tự hào về thành tựu này. Ðó là cách nhìn của tôi để mô tả về 20 năm thị trường.
Ðược biết, Dragon Capital gửi 70 trang văn bản đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để đề xuất các vấn đề quan trọng nhằm phát triển thị trường, đó là những vấn đề gì thưa ông?
TTCK như một thanh niên trẻ tuổi, đã có thể tự lập nhưng vẫn cần hỗ trợ, tiếp sức để trưởng thành.
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết như nhóm vấn đề về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ sở hữu, chứng chỉ có quyền biểu quyết, định nghĩa thế nào là công ty của nhà đầu tư nước ngoài và công ty có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại); nhóm vấn đề liên quan đến giao dịch như phải có tiền, có chứng khoán trong tài khoản trước khi mua bán, nới biên độ; nhóm vấn đề liên quan nhà đầu tư có tổ chức, công ty quản lý quỹ, quỹ hưu trí..; định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư đại chúng, các bên có liên quan, thế nào là thông tin nội bộ; vai trò của chứng khoán trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán so với các vi phạm trong lĩnh vực khác…
Những nhóm vấn đề này không mới, nhưng cũng còn phải học hỏi nhiều, đổi mới nhiều hơn theo thời gian. Cơ hội quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển là triển khai Luật Chứng khoán với hàng loạt nghị định và thông tư hướng dẫn được dự thảo và ban hành.
Tôi thấy là còn phải làm nhiều việc để thúc đẩy thị trường tăng trưởng về quy mô.
Giảm khí thải nhà kính, giảm sự gia tăng của biến đổi khí hậu thông qua chương trình Chung tay trồng rừng tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Captital và VFM đồng tổ chức.
Với những gì đang triển khai ông kỳ vọng gì về sự phát triển của TTCK trong chặng đường 10 năm hay xa hơn là 20 năm nữa?
Rất khó để hình dung về một con số nào đó, nhưng tôi nhìn thấy tương lai của TTCK rất thú vị bởi Chính phủ và người dân đều cần đến, đều mong muốn sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Chính phủ đã có chủ trương về nhu cầu tài trợ vốn phát triển trung và dài hạn của Nhà nước, của ngân sách, của các doanh nghiệp là phải tiếp cận tới thị trường vốn chứ không phải thị trường nào khác. TTCK gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng.
Mặt khác, tôi nhìn thấy thực tế là Việt Nam sẽ đi qua giai đoạn dân số vàng. Giống như nhiều nước trên thế giới, số người già, người quá tuổi lao động sẽ tăng lên trong khi ngân sách nhà nước thì có hạn, khủng hoảng kinh tế làm giảm đi cơ hội có việc làm.
Ở nhiều nước ngày càng có nhiều người già không có đủ tích luỹ tài chính để lo cho bản thân mình phải trông đợi trợ cấp rất ít ỏi của nhà nước.
Ðể chuẩn bị cho giai đoạn này, người dân cần tự nhận thức về tư duy tự chịu trách nhiệm, tích luỹ tài chính, đầu tư để có nguồn thu nhập thụ động khi hết tuổi lao động thay vì nghĩ rằng, ngân sách nhà nước sẽ lo.
Ở các nước phát triển, hầu hết người tự lo được cho mình đều có các khoản đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ hưu trí.
Ở Việt Nam, người dân chủ yếu đầu tư vào bất động sản và mua bảo hiểm nhân thọ nhưng rồi sẽ phải đa dạng hoá kênh đầu tư. Ðầu tư vào TTCK là một lựa chọn. Nguyên tắc đầu tư ở đây là đầu tư vào sức lao động sáng tạo của con người trên nguyên tắc ngày mai tốt hơn ngày hôm qua để một công ty tăng trưởng, phát triển.
Mỗi thành viên thị trường có lẽ đều có nhiệm vụ để người dân hiểu điều này và để số người tham gia đầu tư thị trường nhiều hơn nữa.
Vì lẽ đó nhìn về tương lai của thị trường sẽ rất thú vị khi sự phát triển thị trường chứng khoán nhiều hơn nữa là một nhu cầu của nền kinh tế.
Là một thành viên thị trường năng động, vận động không ngừng nghỉ trong suốt 20 năm qua, năm nay, Dragon Capital có ra mắt sản phẩm mới nào không thưa ông?
Chúng tôi có một quỹ mới có chọn lọc trong thu hút vốn ở nước ngoài. Bây giờ thì để ra mắt một quỹ mới có khi mất cả năm chứ không huy động ào ào như trước. Còn ở trong nước, thông qua thành viên có vốn góp của Dragon là Công ty Quản lý quỹ VFM, chúng tôi triển khai quỹ chỉ số khá là thành công.
Với triển vọng thị trường như vậy, có thể kỳ vọng gì về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK trong thời gian tới, thưa ông?
Trước mắt thì không, nhưng sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn lại Việt Nam. Cách Việt Nam hành động để chống dịch, ổn định kinh tế là khá ấn tượng. Việt Nam có thể là nước có mức độ rủi ro thấp hơn trong chiến lược đa dạng hoá nguồn cung cấp hàng hoá sang các nước ngoài Trung Quốc. Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao thị trường vốn Việt Nam hơn so với trước đây. Tôi thì vẫn luôn cho rằng, Việt Nam là thị trường hấp dẫn, xứng đáng để tìm đến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận