Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang làm gì với kho dự trữ Bitcoin bí mật?
VietTimes – Chính phủ Hoa Kỳ đang nắm giữ một lượng lớn Bitcoin thu giữ được từ những vụ án công nghệ cao. Vậy số tiền này sẽ đi đâu và được dùng để làm gì?
Chính phủ Mỹ đã từng bán 500 Bitcoin cho Riot Blockchain vào năm 2018 với giá khoảng 5 triệu USD. Số Bitcoin này hiện trị giá khoảng 23 triệu USD. Một ví dụ khác là 30.000 Bitcoin đã đến tay tỉ phú đầu tư mạo hiểm Tim Draper với giá 19 triệu USD vào năm 2014, con số đã đã lên tới 1,3 tỉ USD ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả lượng Bitcoin khổng lồ trên đều được chính phủ Mỹ thu giữ từ các hoạt động tội phạm cấp cao. Sau đó, bán giảm giá theo kiểu tương tự thông qua hình thức đấu giá. Một trong những vụ thu giữ tiếp theo là lượng tiền mã hoá trị giá 56 triệu USD - một phần của vụ án Ponzi liên quan đến chương trình cho vay tiền mã hoá ra nước ngoài BitConnect.
Không giống như các cuộc đấu giá thông thường, số tiền thu được được sẽ phân phối lại cho các cơ quan chính phủ khác nhau.
Hoạt động thu giữ và mua bán tiền mã hoá của chính phủ Mỹ đang phát triển nhanh đến mức họ cần sự giúp đỡ của các công ty tư nhân để quản lý việc lưu trữ và bán các mã token tích trữ của mình.
Thu giữ Bitcoin
Chính phủ Mỹ phần lớn đã dùng công cụ chống tội phạm cũ để đối phó với việc theo dõi và thu giữ các mã token, vốn được thiết kế để trốn tránh cơ quan thực thi pháp luật.
Jud Welle, một cựu công tố viên tội phạm mạng Liên bang cho biết: “Chính phủ thường đi sau bọn tội phạm vài bước trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ. Đây không phải là điều xuất hiện trong quá trình đào tạo cơ bản". Tuy nhiên, ông dự đoán trong 3 - 5 năm nữa, “sẽ có hướng dẫn được chỉnh sửa và cập nhật”.
Hiện có ba lỗ hổng chính trong dòng chảy của Bitcoin và các loại tiền mã hoá khác thông qua hệ thống tư pháp hình sự ở Hoa Kỳ.
Giai đoạn đầu là khám xét và thu giữ. Thứ hai là việc thanh lý tiền mã hoá và thứ ba là triển khai số tiền thu được từ việc bán tiền mã hoá đó.
Theo ông Jarod Koopman, Giám đốc đơn vị tội phạm mạng của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), giai đoạn đầu tiên là nỗ lực của cả nhóm. Ông cho biết nhóm của ông thường có các cuộc điều tra chung với các cơ quan chính phủ khác. Đó có thể là Cục Điều tra Liên bang, An ninh Nội địa, Cơ quan Mật vụ, Cơ quan Thực thi Ma túy hoặc Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ...
"Rất nhiều trường hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực mạng, công nghệ thường trở thành các cuộc điều tra chung, bởi vì không một cơ quan nào có thể thực hiện những vụ án này một mình", Koopman chia sẻ.
Koopman cho biết bộ phận của ông tại IRS thường xử lý theo dõi tiền mã hoá và thông tin tình báo nguồn mở, bao gồm điều tra hành vi trốn thuế, khai thuế sai và rửa tiền. Đội của ông bao gồm các nhân viên thực thi pháp luật đã tuyên thệ, những người mang theo vũ khí và những người thực hiện lệnh khám xét, bắt giữ, thu giữ. Các cơ quan khác có nhiều tiền và nguồn lực hơn tập trung vào các vụ án công nghệ cao.
“Sau đó, tất cả chúng tôi cùng phối hợp khi đến lúc phải thực hiện bất kỳ hình thức cưỡng chế nào, cho dù đó là bắt giữ, tạm giữ hay lệnh khám xét, có thể là trên phạm vi quốc gia hoặc toàn cầu”, ông nói.
Trong quá trình thu giữ, nhiều đặc vụ được tham gia để thiết lập ví phần cứng cần thiết nhằm bảo vệ số tiền mã hoá bị thu giữ.
Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã thu giữ được một lượng tiền kỷ lục.
“Trong năm 2019, chúng tôi đã có khoảng 700.000 USD tiền mã hoá. Năm 2020, con số này lên tới 137 triệu USD và cho đến nay vào năm 2021, chúng tôi đã đạt 1,2 tỉ USD”, ông Koopman chia sẻ với CNBC vào tháng 8.
Khi tội phạm mạng tăng lên dự kiến kho tiền mã hóa của chính phủ Mỹ sẽ còn phình to hơn nữa.
Đấu giá tiền mã hoá
Sau khi các vụ án kết thúc, Sở cảnh sát Hoa Kỳ là cơ quan chính chịu trách nhiệm bán đấu giá các khoản tiền mã hoá của chính phủ. Cho đến nay, cơ quan này đã thu giữ và bán đấu giá hơn 185.000 Bitcoin. Giá trị các đồng tiền hiện có khoảng 8,6 tỉ USD, mặc dù nhiều đồng tiền đã được bán với giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá thị trường hiện nay.
Vào tháng 7, sau một cuộc tìm kiếm kéo dài hơn một năm, Bộ Tư pháp đã thuê Anchorage Digital có trụ sở tại San Francisco để làm người giám sát đối với số tiền mã hoá bị thu giữ hoặc tiêu hủy trong các vụ án hình sự. Anchorage sẽ giúp chính phủ lưu trữ và thanh lý tài sản kỹ thuật số này.
Theo Koopman, quy trình bán đấu giá tiền mã hoá sẽ đảm bảo không làm đảo lộn trị thị trường.
“Về cơ bản, chúng tôi phải sắp xếp thời gian phù hợp cho việc bán đấu giá. Chúng tôi không bao giờ muốn tràn ngập thị trường với số lượng lớn tiền bị tuôn ra với mức giá thấp, điều này có thể ảnh hưởng đến giá thị trường của đồng Bitcoin".
Vào tháng 11 năm 2020, chính phủ đã thu giữ số Bitcoin trị giá 1 tỉ USD liên quan đến Silk Road. Vì vụ việc vẫn đang chờ xử lý, nên những Bitcoin đó không hoạt động trong ví tiền điện tử.
Tiền sẽ đi đâu?
Sau khi một vụ án được đóng lại và tiền mã hoá đã được trao đổi thành tiền định danh (fiat), các liên bang sau đó sẽ chia "chiến lợi phẩm". Số tiền bán được thường gửi vào một trong hai quỹ: Quỹ Tài sản Kho bạc hoặc Quỹ Tài sản của Bộ Tư pháp. “Cơ quan điều tra cơ bản sẽ xác định số tiền được chuyển vào quỹ nào,” Levin nói.
Sau khi được chuyển vào một trong hai quỹ này, tiền mã hoá được thanh lý sau đó có thể được đưa vào nhiều mục khác nhau. Ví dụ, Quốc hội có thể hủy bỏ số tiền và trao tiền mặt cho các dự án khác.
Koopman cho biết: “Các cơ quan có thể đưa ra yêu cầu để được tiếp cận với số tiền đó như khoản tài trợ cho các hoạt động. Ví dụ, họ có thể đưa ra yêu cầu và nói: Chúng tôi đang tìm kiếm giấy phép bổ sung hoặc thiết bị bổ sung. Điều này sau đó sẽ được Văn phòng Điều hành Ngân khố xem xét".
Theo Alex Lakatos, đối tác của công ty luật Mayer Brown ở Washington D.C, người việc tịch thu và theo dõi tiền mã hoá đi đâu không phải là một quá trình đơn giản.
Được biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã tổ chức danh sách Forfeiture.gov, để làm sáng tỏ về một số hoạt động thu giữ hiện tại. Ví dụ, tài liệu này phác thảo một trường hợp từ tháng 5.2021, trong đó 1,04430259 Bitcoin được lấy từ ví phần cứng của một cá nhân ở bang Kansas.
“Tôi không tin có bất kỳ nơi nào có tất cả tiền điện tử mà Cảnh sát Tư pháp Mỹ (USMS) đang nắm giữ. Tôi thậm chí còn không biết liệu có ai đó trong chính phủ muốn hiểu biết đầy đủ về nó hay không, và họ sẽ thực hiện nó như thế nào”, ông Lakatos nói.
Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp nói với CNBC rằng anh ấy “khá chắc chắn” hiện không có cơ sở dữ liệu trung tâm nào về các vụ tịch thu tiền mã hoá.
Nhưng điều rõ ràng là có nhiều trường hợp thu giữ tiền mã hoá đang được công khai, như trường hợp FBI xâm nhập vào ví Bitcoin do các tin tặc Colonial Pipeline nắm giữ vào đầu năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận