24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phú Đô
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chiêu trò gian dối của Út "trọc trong vụ mua quyền thu phí cao tốc

Được ông Đinh La Thăng giới thiệu, dù không đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, tuy nhiên Út 'trọc' Đinh Ngọc Hệ đã dùng chiêu trò 'biến hóa' 2 công ty của mình từ lỗ thành lãi.

Ông Đinh La Thăng giới thiệu đơn vị không đủ năng lực tài chính

Trong vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan, nhà chức trách xác định Đinh Ngọc Hệ - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Q.P) đã có hành vi gian dối, làm giả hồ sơ năng lực để đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Cụ thể, thông qua mối quan hệ quen biết, sau khi được Đinh La Thăng – cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giới thiệu với Dương Tuấn Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cửu Long, Đinh Ngọc Hệ cùng Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc 4 công ty cổ phần do Hệ lập ra) đã 2 lần đến phòng làm việc của Minh để trao đổi.

Qua tiếp cận đề án, xem quy chế bán đấu giá quyền thu phí, Hệ biết quy định bắt buộc để được tham gia đấu giá là người tham gia đấu giá đáp ứng các điều kiện: Tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh 2 năm liên tiếp (2011, 2012) không lỗ.

Chiêu trò gian dối của Út "trọc trong vụ  mua quyền thu phí cao tốc

Cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng do quen biết với Đinh Ngọc Hệ nên đã gọi điện, giới thiệu trực tiếp Đinh Ngọc Hệ với Tổng Giám đốc Công ty Cửu Long, đề nghị Tổng Giám đốc Công ty này sắp xếp thời gian làm việc với Hệ để hỗ trợ các công việc liên quan, trong đó có đề nghị cho Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Thực tế năm 2011, 2012, Công ty Yên Khánh (được Hệ thành lập năm 2005, nhờ cháu ruột là Vũ Thị Hoan đứng tên làm Giám đốc, Tô Phước hùng làm Kế toán trưởng), Công ty Khánh An (được Hệ thành lập năm 2010) kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện để tham gia đấu giá, không có năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá.

Vì vậy, trong cuộc họp tại trụ sở Công ty Yên Khánh, có Diệt tham gia, Hệ trực tiếp chỉ đạo nhân viên trong công ty thực hiện hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ tham gia đấu giá. Giao Tô Phước Hùng sửa chữa số liệu báo cáo tài chính của Công ty Yên Khánh để Hoan ký, đóng dấu.

Giao Phạm Tấn Hoàng – Phó phòng Kế toán Công ty Yên Khánh kiêm Kế toán trưởng Công ty Khánh An sửa chữa số liệu báo cáo tài chính của Công ty Khánh An để giám đốc công ty này ký, đóng dấu.

Sau khi thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Hệ, báo cáo tài chính được chuyển cho bộ phận pháp chế Công ty Yên Khánh, phô tô làm giả 4 bản báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011, 2012 của 3 Công ty kiểm toán (Công ty Yên Khánh 2 báo cáo, Công ty Khánh An 2 báo cáo), rồi cho nhân viên mang hồ sơ sang UBND phường 2, quận 4 (TP.HCM) sao y chứng thực.

Hồ sơ Công ty Yên Khánh tham gia đấu giá, có báo cáo tài chính mà số liệu đã được sửa chữa, cùng báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C được làm giả, thể hiện năm 2011, Công ty Yên Khánh lãi hơn 68 tỷ; báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán VNASC được làm giả, thể hiện năm 2012 lãi hơn 73 tỷ đồng.

Trong hồ sơ còn có đơn đăng ký tham gia đấu giá quyền thu phí do Phạm Văn Diệt ký nháy, Vũ Thị Hoan ký, đóng dấu Công ty Yên Khánh.

Ở hồ sơ của Công ty Khánh An tham gia đấu giá, có báo cáo tài chính mà số liệu đã được sửa chữa và báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán FAC được làm giả, thể hiện năm 2011 lãi hơn 1,7 tỷ đồng, năm 2012 lãi hơn 2,8 tỷ đồng.

Thanh toán hợp đồng bằng tiền đi vay và tiền thu phí

Đến 15h ngày 15/11/2013, thời điểm tổ chức buổi đấu giá, chỉ có Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An có hồ sơ tham gia đấu giá. Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Công ty Yên Khánh nộp bảo lãnh của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô số tiền đặt trước 21 tỷ đồng để đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Công ty Khánh an không nộp khoản tiền đặt trước và không tham gia đấu giá.

Tại phiên đấu giá, Phạm Văn Diệt là người đại diện cho Công ty Yên Khánh theo ủy quyền thực hiện việc bỏ phiếu trả giá bằng giá khởi điểm, nộp văn bản chấp thuận mua quyền thu phí với giá hơn 2 nghìn tỷ đã được chuẩn bị trước có ký nháy của Diệt, chữ ký của Hoan, đóng dấu Công ty Yên Khánh.

Kết quả, Công ty Yên Khánh trúng đấu giá đúng bằng giá khởi điểm.

Chiêu trò gian dối của Út "trọc trong vụ  mua quyền thu phí cao tốc

Nhà chức trách xác định, công ty của Đinh Ngọc Hệ sử dụng tiền để thanh toán hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương bằng tiền đi vay của BIDV và chính bằng tiền thu phí trên tuyến cao tốc này.

Ngày 9/12/2013, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Diệt và Hoan tổ chức hộ hội đồng thành viên Công ty Yên Khánh, ký đơn đề nghị bảo lãnh, liên hệ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô để xin phát hành chứng thư bảo lãnh số tiền hơn 100 tỷ đồng cho Công ty Yên Khánh.

Số tiền này dùng để đảm bảo cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Thời hạn bão lãnh kể từ ngày 20/12/2013 đến khi Công ty Yên Khánh hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, tối đa đến ngày 31/1/2019.

Ngày 30/12/2013, Dương Tuấn Minh đại diện Công ty Cửu Long ký hợp đồng mua bán quyền thu phí với Vũ Thị Hoan – Giám đốc Công ty Yên Khánh.

Ngay sau khi ký được hợp đồng, do không có khả năng tài chính để thanh toán tiền theo hợp đồng, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo dùng chính hợp đồng mua bán đó và tài sản của bên thứ 3 là quyền sử dụng thửa đất số 29 (hơn 3,5 nghìn m2) được cấp cho Công ty Yên Khánh Hải Thành để thế chấp tại BIDV chi nhánh Thành Đô, vay hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian từ 27/1/2014 đến ngày 7/3/2017, Công ty Yên Khánh đã đề nghị BIDV chi nhánh Thành Đô giải ngân cho Công ty này vay 9 lần, bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tổng Công ty Cửu Long để thanh toán tiền trúng đấu giá.

Số tiền còn thiếu, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Diệt, Hùng lấy từ nguồn thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương để trả cho Tổng Công ty Cửu Long.

Như vậy, toàn bộ số tiền Công ty Yên Khánh sử dụng để thanh toán hợp đồng mua quyền thu phí đường cao tốc là tiền đi vay của BIDV chi nhánh Thành Đô và 1 phần tiền có được từ việc thu phí tuyến đường cao tốc trên.

Điều đó thể hiện Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ không đủ năng lực tài chính để thanh toán.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả