menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Diệu Thu

Chiến lược 'chân vạc' ở Sao Ta

Nuôi tôm, chế biến tôm và chế biến nông sản là "thế chân vạc" trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh và đã giúp Sao Ta phát triển bền vững, vượt qua những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta từ lâu luôn coi trọng bán những gì mình có. Đây là hỉnh thức marketing cũ kỹ, nhưng đối với Sao Ta khi ở giai đoạn khởi nghiệp vốn mỏng ngưởi thưa, không thể có điều kiện để đáp ứng ngay những gì thị trường cần mà mình chưa có. Ở thời điểm này, cái Sao Ta đang có là thế mạnh địa phương (một tỉnh nuôi tôm, trồng lúa và rau củ quả).

Trong giai đoạn đầu phát triển của Sao Ta, năng lực chế biến tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng rất thấp, khoảng hơn chục triệu USD mỗi năm, trong khi tiềm năng nuôi tôm rất lớn. Chính vì vậy, ngay hai năm sau hoạt động chế biến tôm, Sao Ta xây nhà xưởng chế biến nông sản nhằm tận dụng thế mạnh của tỉnh. Giữa năm 1998, bỗng có luồng khách lớn bên Nhật Bản tìm đến đồng bằng mua tôm, Sao Ta quyết định chuyển xưởng làm nông sản qua chế biến tôm.

Việc chỉnh sửa cấp tốc chỉ mất 6 tháng và còn 3 tháng cuối năm để xưởng này phát huy hết công suất chế biến hàng cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản, theo hướng dẫn của chuyên gia nước này. Sản lượng sản xuất 3 tháng đó đã đủ lợi nhuận hoàn vốn cho cả xưởng vừa hình thành. Đây là nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của Sao Ta 10 năm sau đó.

Năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, Sao Ta đã có vốn dự trữ, hình thành nhà máy chuyên chế biến nông sản, lấy Nhật Bản làm thị trưởng chính. Khách hàng không ai xa lạ, chủ yếu là những khách hàng đang mua tôm.

Trong bối cảnh xu hướng người tiêu dùng ngày càng cao, thậm chí khắt khe, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thêm nữa, khi ấy việc nuôi tôm trong dân rất nhỏ lẻ, một lô hàng phải thu tôm từ hàng chục ao nuôi. Việc thuyết phục người tiêu dùng về truy xuất có khó khăn. Vả lại, nuôi nhỏ lẻ khó có thể tổ chức nuôi có kiểm soát theo chuẩn quốc tế đã khá phổ biến như ASC, BAP. Xu hướng này đòi hỏi Sao Ta phải thay đổi chiến lược hoạt động, thay vì chỉ lo chế biến, theo phương châm “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

Do vậy, năm 2012, Sao Ta quyết định lao vào nuôi tôm. Phải nói là “lao vào” bởi giai đoạn 2010-2015, ngành nuôi tôm trong nước bị chao đảo vì dịch bệnh tràn lan, gây thiệt hại cho ngưởi nuôi rất lớn. Nhưng bù lại, việc tìm trang trại nuôi thuận lợi, giá rất thấp vì người dân đang ngao ngán nuôi tôm. Dù là tay ngang, nhưng với sự nhạy bén của ban lãnh đạo, trang trại tôm Sao Ta đã trúng vụ ngay năm đầu tiên, trong sự ngỡ ngàng của biết bao chủ trang trại khác đang phải vật lộn với sự khó khăn của ngành.

Từ đó, diện tích nuôi tôm của Sao Ta tăng trưởng hàng năm. Năm 2012 là 5ha, năm 2013 khoảng 30ha, năm 2022 tăng lên trên 320ha. Đến nay, Sao Ta là doanh nghiệp có diện tích thả nuôi cùng lúc nhiều nhất và sản lượng thu hoạch cao nhất nước.

Ý nghĩa của việc doanh nghiệp chế biến tham gia nuôi tôm là rất lớn, nhiều lợi ích và lợi thế. Các hệ thống phân phối lớn và cấp cao rất coi trọng nguồn gốc sản phẩm và nhất là có xác nhận tiêu chuẩn. Thêm nữa, giá tiêu thụ cũng sẽ tốt hơn. Trang trại nuôi tôm Sao Ta đạt chuẩn đầy đủ và gần như được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Doanh nghiệp chế biến nào có trang trại nuôi mới thuận lợi thuyết phục những khách hàng lớn hợp tác bền vững với mình. Khi nuôi tôm có kết quả khả quan, giá thành sản phẩm được giảm, tỷ suất lợi nhuận tăng lên, tạo ưu thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp. Qua đúng chục năm nuôi tôm, quy trình nuôi tôm của Sao Ta được hoàn thiện dần và được cập nhật hàng năm.

Hàng ngày, trang trại nuôi Sao Ta tự sản xuất 4.000-8.000 lít lợi khuẩn để xử lý chất bẩn đáy ao nhằm giảm thiểu khí độc và giảm mức ô nhiễm. Việc nhân sinh khối này đòi hỏi chuyên môn và tài chánh nên các trại nuôi nhỏ khó học hỏi. Bên cạnh đó, trại nuôi Sao Ta còn tự sản xuất lợi khuẩn kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho tôm.

Vấn đề an toàn sinh học khu nuôi được Sao Ta coi trọng suốt tiến trình nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh từ mọi nguồn từ con người, phương tiện, nước, chim chóc, động vật giáp sát… Vụ nuôi đầu năm nay, ao nuôi bị virus đốm trắng và vi bào tử trùng tấn công khá, trang trại tôm Sao Ta cũng bị thiệt hại nhưng trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, nhà máy chế biến nông sản thuộc Sao Ta có hợp tác các vùng trồng. Vùng trồng trọt có quy mô trang trại lớn, dễ kiểm soát nhưng vùng nuôi tôm thì đại đa số nhỏ lẻ. Từ tình hình này và từ phân tích cũng như lợi thế quy trình nuôi đang có, Sao Ta quyết định mở rộng vùng nuôi của mình nhằm tăng lợi thế, lợi ích nêu trên. Thời điểm này, Sao Ta cơ bản hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cổ phần một trại nuôi có diện tích 203ha, lớn nhất tỉnh Sóc Trăng.

Riêng vùng nuôi Sao Ta đang có trên 320ha là tích hợp của 4 dự án nuôi tôm. Đây là trang trại có tổ chức nuôi khá quy củ. Cái thiếu của trại là vốn và cơ may. Giai đoạn 2010-2015 dịch bệnh trên tôm bào mòn ngân quỹ trại, nay phải chuyển nhượng vì nợ còn tồn đọng. Điểm mạnh trại này là sát đê biển, có hai cống lấy nước hai đầu trại, rất chủ động. Điểm mạnh nữa là trại đang hoạt động và có chứng chỉ nuôi ASC, BAP rất sớm.

Với việc coi trọng và mở rộng vùng nuôi, Sao Ta hướng tới củng cố thế chân vạc của mình là nuôi tôm, chế biến tôm, chế biến nông sản có phối chế tôm. Khách hàng nước ngoài mua tôm có thể mua nông sản chế biến và ngược lại. Tôm thương phẩm sản xuất ra tạo thế chủ động cho bên chế biến về nguyên liệu có kiểm soát, thêm sức thuyết phục khách hàng. Thế chân vạc còn tạo ra sự cân bằng hiệu quả. Thí dụ tôm thương phẩm trên thị trường cao, chế biến không hiệu quả như ý thì tôm tự nuôi sẽ cân bằng lại kết quả này. Sao Ta dự kiến mùa khô cuối năm nay sẽ làm ao cho phân nửa trại mới, còn lại cho năm kế tiếp. Nguyên nhân là nhân lực quản trị có hạn và khả năng về cơ giới ở địa phương không cao.

Dù biết là doanh nghiệp chế biến có vùng nuôi sẽ thuận lợi trong tiêu thụ hàng. Nhưng không nhiều doanh nghiệp chế biến có vùng nuôi thực thụ. Rất ít doanh nghiệp có vùng nuôi có hoạt động nuôi, một số doanh nghiệp có vùng nuôi nhưng chỉ để đó. Số đông doanh nghiệp truy xuất sản phẩm qua ao nuôi của dân, rất phức tạp và đầy khó khăn. Tình trạng này ngoài nguyên nhân tài chính có hạn còn nguyên nhân căn bản hơn là nuôi tôm là lĩnh vực cực kỳ rủi ro, lành ít dữ nhiều, lao vào chỉ có thiệt hại.

Sao Ta đã và đang trở thành lá cờ tiên phong vượt qua chướng ngại "đá tảng" này, tự tin với đội ngũ kỹ thuật và quy trình nuôi đang có, sẽ phát triển vững vàng. Một tương lai sáng sủa phía trước khi Sao Ta định hình thế kinh doanh chân vạc đầy ưu thế cho mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

49.00

+0.10 (+0.20%)

Biểu đồ mã FMC
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại