24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chỉ số ROA là gì? Cách tính và ý nghĩa của ROA trong đầu tư chứng khoán

ROA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thước đo chính xác về sự hiệu quả của việc chuyển hóa vốn đầu tư thành lợi nhuận của doanh nghiệp. Chỉ số này giúp nhà đầu tư nhận định về sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn nhất. Vậy thực chất chỉ số ROA là gì, cách tính và ý nghĩa của nó ra sao? Hãy cùng 24hMoney tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

1. Chỉ số ROA là gì?

ROA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Return On Asset”, nghĩa là lợi nhuận trên tổng tài sản. Chỉ số này đánh giá mức độ sinh lợi của một công ty so với tổng tài sản của nó, qua đó xem xét hiệu quả của ban quản lý doanh nghiệp trong việc sử dụng tài sản của mình để tạo thu nhập.

2. Công thức tính chỉ số ROA

Chỉ số ROA được tính như sau:

Chỉ số ROA là gì? Cách tính và ý nghĩa của ROA trong đầu tư chứng khoán

Trong đó:

  • Lợi nhuận sau thuế: Hay còn gọi là lợi nhuận ròng, lãi ròng, là phần còn lại mà doanh nghiệp nhận về sau khi lấy doanh thu trừ đi tất cả các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
  • Tổng tài sản: Là tất cả các nguồn lực mà một doanh nghiệp đang có, được biểu hiện dưới hình thái vật chất (hữu hình) như: Máy móc, nhà xưởng, vật tư hàng hóa, thiết bị…hay vô hình như: bằng sáng chế, bản quyền…Bạn có thể xem chỉ tiêu này trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Cụ thể:

Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn = Vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả

Tổng tài sản bình quân = (Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ) / 2

Ví dụ:

  • Công ty A có lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 110.000 tỷ đồng.
  • Tổng tài sản đầu kỳ của A là 200.000 tỷ đồng.
  • Tổng tài sản cuối kỳ của A là 240.000 tỷ đồng.
  • Tổng tài sản bình quân = (200.000 + 240.000)/2 = 220.000 tỷ đồng.

Như vậy, ROA = (110.000 / 220.000) X 100% = 50%.

3. Ý nghĩa của chỉ số ROA

Chỉ số ROA là gì? Cách tính và ý nghĩa của ROA trong đầu tư chứng khoán
Chỉ số ROA có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với lãnh đạo doanh nghiệp mà còn đối với nhà đầu tư.

Chỉ số ROA có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với lãnh đạo doanh nghiệp mà còn đối với nhà đầu tư, bao gồm:

  • Đánh giá khả năng quản lý tài sản của công ty

Chỉ số ROA cho nhà đầu tư biết được mức độ hiệu quả quản lý tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể: Với một đồng tài sản đầu tư ban đầu, doanh nghiệp có thể tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. ROA cao và ổn định trong một thời gian dài cho thấy công ty sử dụng tài sản ngày càng hiệu quả cũng như tối ưu mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trở lại với ví dụ phía trên, ROA của doanh nghiệp đạt 50% nghĩa là: Với 1 đồng tài sản bỏ ra, mỗi năm công ty A sẽ tạo ra 0,5 đồng lợi nhuận sau thuế.

  • Đánh giá bộ máy vận hành, chiến lược kinh doanh của công ty

ROA là một trong các chỉ số phản ánh bức tranh tài chính của doanh nghiệp bao gồm khả năng quản lý hiệu hệ thống tài sản. Nếu ROA cao thì đó là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp sử dụng nguồn lực hợp lý, chiến lược kinh doanh đang đi đúng hướng.

Ngược lại, nếu ROA thấp, các lãnh đạo doanh nghiệp cần xem xét lại đường hướng, cách thức sử dụng nguồn lực tài sản trong doanh nghiệp sao cho tối ưu nhất.

  • Giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm lực của doanh nghiệp, đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn

ROA giúp các nhà đầu tư nhận biết doanh nghiệp có tiềm năng phát triển trong tương lai so với các đối thủ khác trong ngành. Trong cùng điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp nào có ROA cao hơn sẽ thu hút các nhà đầu tư hơn. Ví dụ, công ty A có ROA kỳ này là 15%, cao hơn ROA trung bình của toàn ngành là 5%. Điều này cho thấy rằng doanh nghiệp A đang sản xuất, kinh doanh tốt, có tiềm lực phát triển và lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực đó.

4. Sử dụng chỉ số ROA trong đầu tư

Chỉ số ROA là gì? Cách tính và ý nghĩa của ROA trong đầu tư chứng khoán
Nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ số ROA để đánh giá doanh nghiệp trước khi ra quyết định mua cổ phiếu của công ty đó.

Nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ số ROA để đánh giá doanh nghiệp trước khi ra quyết định mua cổ phiếu của công ty đó. Tuy nhiên, không có con số tuyệt đối rằng ROA của doanh nghiệp bao nhiêu là tốt. Việc đánh giá chỉ số này phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp

Cơ cấu tài sản của các ngành khác nhau sẽ khác nhau.

Những công ty trong ngành công nghiệp nặng như: thép, xi măng, nhựa…sẽ cần nhiều tài sản cố định giá trị lớn. Vì vậy, ROA thường thấp.

Những công ty trong ngành dịch vụ, công nghệ thông tin… không yêu cầu quá nhiều tài sản cố định thì ROA sẽ thường cao hơn.

Vì vậy, việc so sánh ROA thường diễn ra giữa các công ty tương đồng hoặc hoạt động trong cùng ngành để tiến hành so sánh, đối chiếu và đánh giá.

  • ROA trung bình của ngành

Nếu doanh nghiệp có ROA lớn hơn trung bình ngành tức là doanh nghiệp đang sử dụng tài sản khá hiệu quả so với các đối thủ.

  • ROA của chính doanh nghiệp đó trong quá khứ

Việc so sánh ROA của công ty so với trung bình ngành là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên so sánh với ROA của chính doanh nghiệp đó trong quá khứ.

Trong nhiều trường hợp, hệ số ROA của doanh nghiệp tốt hơn trung bình ngành nhưng lại đang đi xuống so với quá khứ. Như vậy, việc đầu tư của bạn vào doanh nghiệp này có thể gặp rủi ro.

Nếu chỉ số ROA tăng trưởng qua các năm và cao hơn so với trung bình ngành thì đó chính là tiêu chí quan trọng để nhà đầu tư có thể lựa chọn ra những cổ phiếu tuyệt vời.

Tuy nhiên, giống như các chỉ số tài chính khác, ROA cũng không hoàn hảo. Bạn nên sử dụng ROA kết hợp với những chỉ số khác để có cái nhìn tổng quát về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

5. Mối quan hệ giữa chỉ số ROA và ROE

Chỉ số ROA là gì? Cách tính và ý nghĩa của ROA trong đầu tư chứng khoán
ROA và ROE là 1 bộ đôi chỉ số tuyệt vời để bổ sung cho nhau.

ROA là một trong hai thước đo chính mà các nhà quản lý và nhà đầu tư sử dụng để phân tích mức sinh lời của một công ty (thước đo thứ hai chính là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - ROE). Cả hai đều cung cấp một cái nhìn về mức độ hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng số tiền được đưa vào để tạo ra thu nhập.

Chỉ số ROA và ROE có mối tương quan với nhau qua mô hình Dupont như sau:

ROE = ROA x Đòn bẩy tài chính

= ROA x Tổng tài sản/VCSH

= ROA x (1+Tổng nợ/VCSH)

Hay

ROA = ROE/Đòn bẩy tài chính

= ROE x VCSH/Tổng tài sản

= ROE/ (1+Tổng nợ/VCSH)

Có thể nói, ROA và ROE là 1 bộ đôi tuyệt vời để bổ sung cho nhau.

Quay trở lại công thức tính ROE, ta có:

ROE = Lợi nhuận sau thuế / VCSH bình quân

Như vậy, ROE không xem xét tới cơ cấu tài chính của doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp, ROE của doanh nghiệp cao nhưng không nó xuất phát từ việc công ty sử dụng đòn bẩy tài chính thay vì nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, ROA lại xét đến cả vốn chủ sở hữu và nợ vay nên sẽ khắc phục được hạn chế của ROE.

6. Ưu - nhược điểm của chỉ số ROA

Khi sử dụng ROA vào phân tích tài chính của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nắm rõ ưu điểm và hạn chế của chỉ số này.

Ưu điểm

  • Cách tính đơn giản, dễ sử dụng: Chỉ số ROA có cách tính khá đơn giản, dễ sử dụng, thường được các nhà đầu tư mới áp dụng khi phân tích thị trường.
  • Giúp nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như bộ máy vận hành của doanh nghiệp có tốt hay không.

Nhược điểm

  • Chỉ số ROA không hoàn hảo, chỉ phản ánh một khía cạnh mà không thể bao trùm tổng thể bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Khi ra quyết định đầu tư, bạn cần kết hợp chỉ số ROA với các yếu tố khác để có cái nhìn tổng quát, đúng đắn nhất.
  • Sẽ không có ý nghĩa nếu so sánh ROA của các công ty khác ngành. Một số lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, tài chính hay bảo hiểm thì ROA trên 2% đã được tính là hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số ngành công nghiệp nặng, ROA phải trên 10% mới được đánh giá là tốt.
  • ROA tính trong thời gian ngắn sẽ không có hiệu quả vì lợi nhuận thường xuyên biến động. Vì vậy, nhà đầu tư cần đánh giá ROA trong một thời gian dài.
  • ROA có thể bị bóp méo vì ảnh hưởng bởi lợi nhuận. Do lợi nhuận là chỉ tiêu mà doanh nghiệp có thể dùng các phương pháp kế toán để thổi phồng hoặc cắt giảm nhằm phục vụ lợi ích riêng.

7. Kết luận

Như vậy, 24hMoney đã gửi tới bạn những thông tin chi tiết, đầy đủ nhất về khái niệm ROA là gì cũng như cách tính, ý nghĩa của chỉ số này trong đầu tư. Hy vọng rằng các kiến thức mà bài viết cung cấp sẽ giúp ích cho bạn khi ra quyết định lựa chọn cổ phiếu hiệu quả nhất. Nếu bạn còn bất kỳ điều gì thắc mắc, hãy để lại bình luận ngay dưới đây để chuyên gia của 24hMoney giải đáp nhanh chóng nhất có thể nhé!

Đừng quên tải app 24hMoney và đăng ký tài khoản hoàn toàn miễn phí để cập nhật những kiến thức hữu ích nhất, mới nhất về thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản…nói chung nhé!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả