menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

Chi phí tăng cao, lợi nhuận sản xuất lúa giảm mạnh

Sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại 19 tỉnh, thành Nam Bộ diễn ra trong bối cảnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Diện tích, sảm lượng lúa đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, lợi nhuận của người trồng lúa giảm mạnh…

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại 19 tỉnh/thành Nam Bộ diễn ra trong một bối cảnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Có 3 yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến sản xuất gồm: đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản trong toàn vùng; giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng cao; diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo rất sớm từ tháng 8 - 9/2021, tổ chức nhiều diễn đàn nhằm tháo gỡ khó khăn, chủ động các giải pháp kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất, tập trung chủ yếu cho ngành hàng lúa gạo.

Theo ông Tùng, sự nỗ lực của địa phương và tinh thần vượt khó của doanh nghiệp (DN) và nông dân rất đáng khích lệ và là điểm sáng quan trọng của nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022. Dù không ít khó khăn nhưng toàn ngành đã vượt qua và đảm bảo duy trì sản xuất, góp phần vào tăng trưởng của địa phương và quan trọng hơn là ổn định đời sống và thu nhập cho nông dân…

“Tuy vậy, những diễn biến gần đây của thế giới về lương thực và năng lượng, khó khăn và thách thức vẫn còn ở phía trước, cần rút ra những bài học để chuẩn bị ứng phó phù hợp với những diễn biến có thể bất lợi cho sản xuất trong thời gian tới…” – ông Tùng nói.

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn vùng Nam Bộ xuống giống hơn 1,57 triệu ha (hiện đã thu hoạch khoảng 50%), giảm hơn 18 nghìn ha; năng suất gần 72 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 11,3 triệu tấn, giảm 87 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân 2020 - 2021.

Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 15 nghìn ha; năng suất ước đạt 72,5 tạ/ha, tăng 0,22 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 10,9 triệu tấn, giảm 75 nghìn tấn. Vùng Đông Nam Bộ xuống giống 75 nghìn ha, giảm 3 nghìn ha; năng suất ước đạt 59,7 tạ/ha, tăng 1,06 tạ/ha; sản lượng ước đạt 446 nghìn tấn, giảm 12 nghìn tấn.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho hay, với giá lúa các loại dao động từ 5.500-6.000 đồng/kg, lợi nhuận vụ Đông Xuân năm nay mang lại từ 12 - 20 triệu đồng/ha (lúa thường 10 - 15 triệu đồng, lúa chất lượng cao 20 triệu đồng), giảm gần một nửa so với vụ Đông Xuân 2020 - 2021.

Theo ông Liêm, nguyên nhân là do giá vật tư, phân bón, xăng dầu tăng rất cao. Cụ thể như, phân DAP (tại đại lý) lên tới 1,33 triệu đồng/bao, tới tay người nông dân là khoảng 1,4 triệu đồng/bao, tăng 3 lần so với cùng kỳ… dẫn đến sản xuất không có lãi, thậm chí có người bỏ đất không làm.

Chi phí tăng cao, lợi nhuận sản xuất lúa giảm mạnh
Giá vật tư lên cao làm tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận của nông dân giảm mạnh. Ảnh: Giang Lam

Ông Liêm kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành có sự quản lý về giá vật tư, vì có thể có tình trạng găm hàng; mặt khác có thể có hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào. Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các gói kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, sử dụng phân hữu cơ…

Bên cạnh đó, vừa qua Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT có ban hành danh mục cấm một số hoạt chất BVTV độc hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. “Chúng tôi rất đồng tình. Tuy nhiên, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia lại không cấm, hiện nay trên thị trường những sản phẩm này (hàng lậu) vào nước ta rất nhiều, giá họ bán rẻ hơn nhưng chất lượng không đảm bảo được, cần có chỉ đạo quản lý.” – ông Liêm nói.

Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV, thời gian qua giá phân bón liên tục tăng và hiện vẫn neo ở mức cao. Năm ngoái, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã họp với các DN kinh doanh sản xuất phân bón, đưa ra nhiều giải pháp.

“Chúng tôi yêu cầu các DN cam kết ngay là tối đa hóa công suất sản xuất; minh bạch hóa nguồn phân phối cụ thể, tránh găm hàng, dự trữ để thổi giá. Việc này đã làm được. Việc thứ hai là các DN tạm dừng các hợp đồng xuất khẩu đã ký để ưu tiên cho trong nước” – ông Trung nói.

Cũng theo Cục trưởng Cục BVTV, hiện nay cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón, đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, các loại phân bón cơ bản đều sản xuất được.

Đối với ảnh hưởng từ chiến sự Nga – Ucraine, ông Trung cho biết, hiện Việt Nam nhập phân Kali khoảng 15% (200 nghìn tấn) từ Nga, con số này không lớn lắm và có thể thay thế được…

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, lợi nhuận vụ Đông Xuân 2021 - 2022 của 11 tỉnh/thành vùng ĐBSCL bình quân đạt 18,2 triệu đồng/ha, trong khi vụ Đông Xuân 2020 - 2021 là 29,1 triệu đồng/ha. Tỉnh có lợi nhuận cao nhất là An Giang với 39,8 triệu đồng/ha; thấp nhất là Trà Vinh với 4,4 triệu đồng/ha.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả