Chênh lệch giá mua - bán vàng giảm nhanh
Cuối giờ chiều 7/9, khoảng cách giá vàng SJC mua vào và bán ra đã thu hẹp, giảm mạnh xuống khoảng dưới 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó cách đây gần 1 tháng, có thời điểm giá mua và bán ra vênh nhau tới 2 - 3 triệu đồng/lượng, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư “ôm vàng”.
Cụ thể: Lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/9, giá vàng Doji mua vào và bán ra là 55,88 – 56,40 triệu đồng/lượng, giảm 120.000 đồng/lượng mua vào và 300.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước đó. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC mua vào và bán ra là 55,95 – 56,40 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng mua vào và 300.000 đồng/lượng bán ra so với phiên ngày 6/9. Tại Phú Quý, vàng SJC giao dịch là 55,95 – 56,45 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước đó.
Nếu tính khoảng cách giá vàng mua vào và bán ra tại 3 hệ thống cửa hàng trên là: Doji, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý, khoảng cách giá vàng giữa mua và bán đã giảm mạnh, chỉ từ 450.000 – 520.000 đồng/lượng.
Ở hệ thống SJC Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, giá SJC mua vào đều giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên trước; giá bán ra giảm 200.000 đồng/lượng so với phiên 6/9 với giao dịch là 55,65 – 56,52 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giá mua vào và bán ra là 870.000 đồng/lượng.
Tại cửa hàng PNJ ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, giá vàng SJC mua vào – bán ra là 53,90 – 54,40 triệu đồng/lượng, giảm 180.000 đồng/lượng cả mua vào và bán ra so với phiên trước. Khoảng cách giá mua vào và bán ra là 500.000 đồng/lượng
Trước đó sáng 7/9, giá vàng miếng SJC tại Công ty SJC ở ngưỡng 55,85 - 56,75 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào - bán gần 900.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm này, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội tăng 100.000 đồng/lượng mua vào so với phiên trước với mức giao dịch quanh ngưỡng 56 - 56,70 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra là 700.000 đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường đẩy rủi ro về phía khách hàng bằng cách nới rộng chênh lệch giá mua vào và bán ra, có khi lên đến hơn 3 triệu đồng/lượng. Vì vậy nếu vội vã mua vàng trong khi “sốt giá”, không ít khách hàng sẽ phải gánh ngay khoản lỗ cả triệu đồng/lượng nếu bán ra ngay.
“Để giảm thiểu thiệt hại trong thời điểm giá vàng biến động, các cơ sở kinh doanh vàng luôn nới rộng chênh lệch mua - bán rất xa, do đó dù giá tăng hay giảm thì họ vẫn luôn là bên thắng. Chỉ có người tiêu dùng, đầu tư ‘lướt sóng’ là thiệt hại nặng nề. Thực tế, các công ty vàng luôn đưa ra giá mua bán đảm bảo họ luôn có lãi”, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia nói.
Đứng về mặt luật pháp, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Basico cho hay, hiện không có quy định nào liên quan tới chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hay chênh lệch giá mua - bán vàng. "Vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thuộc mặt hàng cần bình ổn giá. Nếu cần can thiệp, cơ quan quản lý có thể sử dụng các biện pháp gián tiếp như bình ổn tâm lý nhà đầu tư, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng không thể quyết định giá vàng. Việc vàng tăng giá gấp 3 hay xuống 1 nửa, chênh lệch ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường", ông Trương Thanh Đức nói.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia ngân hàng, giá vàng chênh từ 300.00 – 500.000 đồng là hợp lý, còn vượt quá thì rất rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và lúc này người được hưởng lợi chỉ có các công ty vàng đứng ở giữa mua - bán. Độ chênh lệch mua bán đôi khi cũng phụ thuộc vào nhu cầu mua - bán của người dân. Khi nhu cầu mua quá lớn sẽ đẩy giá vàng bán ra tăng cao lên và nhu cầu bán của người dân cao thì đẩy giá mua vào hạ xuống. Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo khi đầu tư vào vàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận