Châu Âu lấy lại quy mô kinh tế trước đại dịch COVID-19
Các số liệu kinh tế năm 2021 được công bố trong vài ngày qua cho thấy, nền kinh tế các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, đã tăng trưởng mạnh trở lại và đạt quy mô như cuối năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra đại dịch COVID-19.
Tăng trưởng bình quân của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt mức 5,2% trong năm 2021. Đây là con số được đưa ra sau khi lần lượt các quốc gia thành viên Eurozone công bố số liệu kinh tế năm 2021.
Dẫn đầu về tăng trưởng của khu vực Eurozone nói riêng và châu Âu nói chung là Pháp, với tỷ lệ tăng trưởng đạt mức 7% trong năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất mà nước Pháp đạt được trong suốt 52 năm qua. Trong số các nền kinh tế lớn khác của châu Âu, Italia xếp thứ hai về tốc độ tăng trưởng trong năm 2021 với 6,3%, Tây Ban Nha đạt mức 5%.
Đáng chú ý, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức chỉ đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 2,8%, tức chỉ hơn một nửa so với mức tăng trung bình của khu vực, với nguyên nhân chính là do các tác động của đại dịch COVID-19 đến thói quen tiêu dùng của người dân cũng như sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ảnh hưởng tiêu cực đến một nền kinh tế mạnh về xuất khẩu như Đức.
Với các mức tăng trưởng ấn tượng này, GDP ước tính của toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2021 đạt mức trên 14.000 tỷ euro, tương đương 16.7000 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, các số liệu tăng trưởng trên chỉ được xem là tầm quan trọng tương đối, do trong năm 2020, hầu như tất cả các nền kinh tế châu Âu đều sụt giảm lịch sử do đại dịch COVID-19, như Tây Ban Nha tăng trưởng âm 10,8%, Pháp âm 8%, Italy âm 8,9%, Đức âm 4,9%. Do đó, mức tăng trưởng của năm 2021 chỉ được xem như là sự phục hồi quy mô kinh tế như trước đại dịch COVID-19.
Dự báo trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng của các nước châu Âu cũng sẽ chậm lại, sau khi đà phục hồi được thiết lập ổn định. Theo dự báo của Ngân hàng trung ương châu Âu, tăng trưởng 2022 của khu vực Eurozone dự kiến vào khoảng 4,3%, trong đó, Tây Ban Nha đặt mục tiêu tăng cao nhất là 7%, Italia dự kiến tăng 5% trong khi Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, chỉ đặt mục tiêu tăng GDP 2022 từ 3,6 đến 4%.
Các nguy cơ chính đối với tăng trưởng châu Âu trong năm 2022 vẫn sẽ là đại dịch COVID-19, với việc biến thể Omicron vẫn chưa được kiểm soát, cũng như các rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận