Châu Âu đang diễn biến tích cực trong cuộc chiến khí đốt với Nga
Với các kho trữ khí đốt đã được lấp đầy và vẫn còn nhiều tàu chở khí đốt hóa lỏng (LNG) đang sẵn sàng dỡ hàng ở các cảng, châu Âu dường như đang tạm thời thắng trong cuộc chiến khí đốt với Nga.
Tuy nhiên, bất ổn vẫn còn phía trước vì vẫn chưa rõ thời tiết mùa đông sắp tới lạnh đến mức độ nào và thách thức tiếp theo là các nước châu Âu phải bước vào cuộc chạy đua mới sau mùa đông để lấp đầy lại các kho trữ khí đốt giữa lúc Nga đang bóp nghẹt nguồn cung.
Giá khí đốt ở châu Âu giảm gần 65% kể từ khi đạt mức cao nhất trong lịch sử vào hồi tháng 8. Các kho trữ khí đốt trên khắp lục địa này đã được lấp đầy đến mức sẵn sàng cung cấp cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp trong mùa đông này.
Ngay cả các tàu chở LNG, mà các khách hàng châu Âu đã cạnh tranh giành giật chúng rời khỏi châu Á, hiện đang rất dồi dào đến mức gây ra tình trạng tắc ùn ứ bên ngoài khơi các bờ biển châu Âu, nơi có các kho cảng chờ dỡ hàng từ chúng.
Sau nhiều tháng lo sợ về một mùa đông thiếu hụt khí đốt do Nga bóp nghẹt nguồn cung, hầu hết các thương nhân thận trọng thừa nhận tình trạng đã được cải thiện. Thời tiết ấm hơn bình thường trong vài tuần qua đã làm trì hoãn thời điểm bắt đầu mùa sưởi ấm, để dành lại một lượng khí đốt lớn hơn cho những tháng mùa đông. Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu đang cắt giảm tiêu thụ khí đốt mạnh mẽ. Tuy nhiên, các bất ổn vẫn có thể xảy ra trong những tháng tới.
Giá khí đốt vẫn cao ngất ngưởng, đặc biệt là đối với những lô hàng giao đầu năm tới. Khi thời tiết lạnh giá cuối cùng sẽ ập đến, có thể khiến châu Âu nhanh chóng tiêu thụ hết lượng dự trữ khí đốt, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung sau dịp lễ Giáng sinh.
Giá khí đốt hiện nay ở châu Âu khoảng 115 euro/MWh, tương đương với 180 đô la/thùng nếu tính theo giá dầu. Các hợp đồng giao khí đốt trong tháng 12-2022 và tháng 1-2023 đang mức trên 230 đô la/thùng.
Alex Tuckett, trưởng bộ phận kinh tế tại Công ty tư vấn hàng hóa CRU Group, cho biết: “Bức tranh chung ở châu Âu là mọi người đang hơi tự mãn. Giá khí đốt giảm trong tuần này và các kho chứa đã đầy, nhưng còn quá sớm để nói rằng tình hình sẽ ổn. Bạn không biết mùa đông sẽ lạnh như thế nào. Biến số lớn là thời tiết ”.
Những người khác lạc quan hơn một chút. Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách bộ phận năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Công ty tư vấn địa chính trị của Eurasia Group, cho rằng châu Âu có thể tự tin hơn một chút khi lấp đầy thành công các kho trữ khí đốt của mình ở mức đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt khoảng hai tháng dù phải mua nhiên liệu này với giá cao ngất ngưởng trong mùa hè qua.
Gloystein nói: “Các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy, khiến cho việc tiết kiệm tiêu thụ năng lượng quá mức vào mùa đông hoặc thậm chí là cắt điện ít có khả năng xảy ra hơn, đồng thời có khả năng giảm bớt rủi ro kinh tế suy thoái như dự kiến”.
Nhưng ông không sẵn sàng nói rằng điều tồi tệ nhất chắc chắn đã qua vì sự chi phối của thời tiết đối với thị trường khí đốt. Nếu mùa đông lạnh ở mức bình thường, thì Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể kết thúc mùa sưởi ấm với các cơ sở lưu trữ khí đốt chỉ vơi gần một nửa, Gloystein nhận định.
Nhưng ngay cả khi châu Âu có thể vượt qua mùa đông này, thì tình hình mùa đông năm tới có thể còn tồi tệ hơn. Khi nhu cầu sưởi ấm giảm xuống, các nước châu Âu lại phải bước vào cuộc đua để nạp đầy lại các kho lưu trữ để chuẩn bị cho mùa đông tiếp theo.
Nhưng không giống như sáu tháng đầu năm 2022, khi nguồn cung khí đốt của Nga vẫn chủ yếu chảy vào châu Âu, năm sau, Nga có thể vẫn chưa nối lại nguồn cung cho khu vực này. Vì vậy, châu Âu có thể đối mặt với một trận chiến cam go để bảo đảm nguồn cung khí đốt cho mùa đông năm 2023.
Châu Âu đã khai thác hầu hết mọi nguồn khí đốt sẵn có, từ việc tăng nhập khẩu LNG đến việc yêu cầu Na Uy tối đa hóa sản lượng khí đốt trong nhiều tháng. Có rất ít cách thức bổ sung nguồn cung khí đốt trên toàn cầu cho đến giữa thập niên này. Và nếu không có khí đốt của Nga, EU sẽ cần nhiều LNG hơn nữa trong 12 tháng tới.
Thị trường kỳ hạn đang phản ánh những lo ngại này, với các hợp đồng giao dịch khí đốt có giá tương đương hơn 200 đô la/thùng dầu ngay cả đối với các lô hàng giao trong quí đầu tiên của năm 2024.
Các lãnh đạo ngành năng lượng ở châu Âu cho rằng vẫn chưa rõ mức độ tàn phá nhu cầu khí đốt do giá cao vì một số công ty vẫn được bảo vệ bằng các hợp đồng mua khí đốt dài hạn với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Khi các hợp đồng này được giao trong những những tháng tới, giá khí đốt sẽ bắt đầu tăng mạnh trở lại và sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, dễ tổn thương trước các cú sốc giá năng lượng, sẽ phải đóng cửa . Đó là cách hạ thấp nhu cầu cổ điển của thị trường. Nhưng khó kỳ vọng giá khí đốt có thể rẻ hơn đáng kể.
Nếu Pháp có thể bảo dưỡng kịp thời các nhà máy điện hạt nhân của nước này để thúc đẩy xuất khẩu điện thì điều này sẽ tạo ra tác động tích cực hơn. Lúc đó, châu Âu sẽ sử dụng khí đốt hơn để sản xuất điện.
Nhưng kết quả có thể xảy ra nhất vẫn là các chính phủ châu Âu tiếp tục hỗ trợ đáng kể chi phí năng lượng cho các hộ gia đình trong 18 tháng tới. Việc thắt chặt ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình cũng có khả năng gây thêm áp lực kinh tế ở các nước châu Âu.
Vậy châu Âu có đang thực sự chiến thắng trong cuộc chiến khí đốt với Nga? Câu trả lời là về dài hạn, các nền kinh tế thị trường của châu Âu có thể tìm ra cách để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng trong ngắn hạn, họ vẫn đối mặt rất nhiều tổn thương do nguồn cung khí đốt thiếu hụt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận