Châu Á năm 2020: Những nhân vật và sự kiện đáng chú ý
Với xu hướng tăng trưởng giảm tốc, một loạt cuộc bầu cử, ngành công nghệ đứng trước nhiều bước ngoặt quyết định, 2020 được dự báo sẽ là một năm đầy những điều bất ngờ với khu vực châu Á.
Dưới đây là những công ty, nhân vật và sự kiện đáng chú ý tại châu Á trong năm 2019 do tờ Nikkei Asian Review tổng hợp.
Điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng
Tháng 7/2019, căng thẳng chính trị leo thang với Hàn Quốc, Nhật Bản ra lệnh hạn chế xuất khẩu 3 loại nguyên liệu sang Hàn Quốc, đều là chất quan trọng trong sản xuất con chíp. Và với việc Nhật Bản kiểm soát tới 90% thị trường của hai trong số ba nguyên liệu này, động thái trên khiến các nhà sản xuất chíp lớn như Samsung Electronics và SK Hynix gặp rắc rối lớn với chuỗi cung ứng của mình.
Vấn đề lan rộng ra cả ngành công nghệ toàn cầu. Các công ty Mỹ như KLA và Lam Research là nhà cung cấp thiết bị bán dẫn và công cụ thiết kế chíp cho các nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới (trong đó có Samsung của Hàn Quốc). Trong khi đó, những nhà sản xuất màn hình Trung Quốc, như BOE Technology Group, lại phụ thuộc vào các nhà cung ứng Mỹ như Applied Materials và Corning.
Việc nhiều nước sử dụng thuế quan và lệnh cấm thương mại như một công cụ chính trị cho thấy nguy cơ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng trước những biến động. Một lệnh cấm xuất khẩu công nghệ bất ngờ từ Mỹ đối với một loạt công ty Trung Quốc cũng khiến các công ty lớn nhất nước này chật vật để tìm nguồn cung ứng mới.
Do đó, theo Nikkei, năm 2020 sẽ tập trung vào việc giải quyết những nguy cơ tổn thương này, khi các công ty trên khắp thế giới đang tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung của các nguyên vật liệu và linh kiện mang tính chiến lược của mình.
"Ở các bộ phận của chuỗi cung ứng như thiết bị bán dẫn, các vật liệu quan trọng, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn khi giảm phụ thuộc vào những công ty hàng đầu của Mỹ, Nhật và châu Âu", Arisa Liu, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định. "Họ sẽ muốn phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình, nhưng để làm vậy đòi hỏi lỗ lực và đầu tư trong dài hạn".
Ẩn số mang tên SoftBank
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, SoftBank Group và quỹ Vision Fund 97 tỷ USD của tập đoàn này đã nổi lên trở thành nhà đầu tư quan trọng nhất ngành công nghệ toàn cầu, khi rót vốn vào hàng loạt công ty đình đám như Uber, Grab và WeWork.
Tuy nhiên, cách tiếp cận theo kiểu "kẻ thắng hưởng tất cả" của quỹ Vision Fund - rót vốn "khủng" vào các công ty để chiếm lĩnh thị trường và đề cao tăng trưởng hơn lợi nhuận bền vững - giờ đây đang được xem là thiếu tầm nhìn, sau vài vụ niêm yết bất thành.
Trong quý 3/2019, SoftBank đã lỗ 6,5 tỷ USD. Công ty này đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho một quỹ Vision Fund thứ hai sau những "bom xịt" kiểu WeWork, giới công nghệ toàn cầu đã bắt đầu tỉnh ngộ. Sau tất cả, câu hỏi đặt ra là đường hướng tiếp theo của SoftBank liệu có thay đổi hay không và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghệ toàn cầu thời gian tới.
Tăng trưởng giảm tốc
Sự suy giảm trong dòng chảy thương mại và sản xuất, do những đòn trả đũa thuế quan cùng những bất ổn kéo dài, được dự báo sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống chỉ còn 3% trong năm 2019, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF cũng dự báo tốc độ suy giảm tăng trưởng sẽ chỉ được cải thiện đôi chút trong năm 2020. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, được dự báo sẽ chỉ đạt dưới 6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới khắp châu Á, cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Dù vậy, theo Rajiv Biswas, nhà kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Markit, nhận định tăng trưởng của khu vực này sẽ vẫn "vững vàng" ở mức 4,2% trong năm 2020.
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới xuất khẩu của nhiều quốc gia châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia ASEAN", Biswas nhận định. "Kể cả khi thoả thuận thương mại giai đoạn một của Mỹ và Trung Quốc được ký kết, hầu hết thuế quan của Mỹ áp lên hàng hoá Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn giữ nguyên, tới khi có một thoả thuận toàn diện hơn".
Bùng nổ xe tự lái
Các hãng công nghệ khổng lồ cũng như startup của Trung Quốc đều đang vươn lên phía trước trong cuộc đua ra mắt taxi tự lái hoàn toàn, với nhiều cuộc thử nghiệm dự kiến được thực hiện tại một số thành phố của nước này trong năm tới. Baidu, WeRide.ai và Pony.ai đều đang mở rộng mạng lưới phương tiện của mình, còn startup AutoX, có trụ sở tại Hồng Kông và startup gọi xe Didi Chuxing được dự báo sẽ ra mắt taxi tự lái trong vài tháng tới.
Các nhà sản xuất ôtô truyền thống cũng đang gấp rút chạy đua với việc thành lập các bộ phận chuyên môn và ký kết thoả thuận hợp tác với các hãng công nghệ. Giới nhà phân tích dự báo, thời gian tới, tính năng tự lái sẽ ngày càng phổ biến trong các dòng xe mới. Đây là bước đầu hướng tới xe tự lái hoàn toàn.
Modinomics "lâm nguy"
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái đắc cử hồi tháng 5/2019 với cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ông hứa sẽ biến Ấn Độ từ nền kinh tế 2.700 tỷ USD thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD với thêm nhiều cải tổ - được gọi Modinomics (chính sách kinh tế của Modi)
Để đạt được mục tiêu này trong nhiệm kỳ 5 năm của ông Modi và đảm bảo tạo đủ việc làm cho hàng triệu người bước vào lực lượng lao động, tăng trưởng GDP của Ấn Độ cần phải đạt trên 8%. Trong khi đó, GDP quý 3 của Ấn Độ ở mức thấp nhất trong hơn 6 năm và IMF dự báo tăng trưởng năm 2019 của nước này chỉ đạt hơn 6%. Nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, bất động sản cho tới ôtô của Ấn Độ đang chịu áp lực lớn.
Ông Modi đang thúc giục quốc hội Ấn Độ thông qua luật cải cách lao động. Chính phủ cũng đã giảm thuế doanh nghiệp, bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, nới lỏng các quy định trong đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đảo ngược xu hướng giảm tốc của nền kinh tế không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
"Giấc mơ về tăng trưởng vượt 8% gần như khó có thể thành hiện thực trong 3 - 4 năm", Sunil Kumar Sinha, nhà kinh tế trưởng của India Ratings & Research, thuộc Fitch Group, nhận định.
Chiến tranh thương mại
Trong suốt năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump với các biện pháp thuế quan đã gây xáo động lớn trong thương mại toàn cầu, chia rẽ chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các mặt hàng tiêu dùng, công nghệ và thực phẩm. Nhiều chuỗi cung ứng trong số này có đầu nguồn tại châu Á, nơi một số quốc gia chắc chắn được hưởng lợi ích trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, những cải tổ trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sang khu vực Đông Nam Á sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực này. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã làm đổi hướng của thoả thuận này, trong đó châu Á trở thành khu vực dẫn đầu. Trong khi đó, 15 nước châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu Vực (RCEP).
"Điều này đã bắt đầu từ trước, nhưng chính chiến tranh thương mại đã làm đẩy nhanh mọi thứ, và giờ đây ta có cả TPP và RCEP", Parag Khanna, giám đốc công ty tư vấn FutureMap, cho biết. "Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến tranh thương mại đã làm đẩy nhanh quá trình 'châu Á hoá'".
Các cuộc biểu tình
Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng tại Hồng Kông đã phát triển thành bạo lực, vượt ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát. Thời gian qua, các cuộc biểu tình theo kiểu tương tự ở Hồng Kông cũng xuất hiện trên khắp thế giới, từ Catalonia tới Chile, Lebanon.
Dù có nguồn gốc khác nhau, các cuộc biểu tình này hầu hết đều khởi nguồn từ một "phát súng ban đầu" - ví dụ luật dẫn độ trong trường hợp của Hồng Kông hay việc tăng cước tàu điện ngầm ở Chile - và nhanh chóng lan rộng trở thành biểu tình yêu cầu những thay đổi mang tính hệ thống.
"Một điểm chung nữa là các cuộc biểu tình này đều được thúc đẩy bởi công nghệ", Carne Ross, tác giả cuốn sách "The Leaderless Revolution" (Tạm dịch: Biểu tình không có lãnh đạo), nói về hiện tượng trên. "Họ sẽ không thể làm vậy nếu không có những nền tảng công nghệ như Telegram, Signal hoặc WhatsApp, cho phép họ lan truyền kế hoạch, chiến lược và thông tin cho nhau. Công nghệ cũng khiến các nhà chức trách khó tìm được những người lãnh đạo biểu tình".
Các nhà chức trách Bắc Kinh quan ngại rằng biểu tình ở Hồng Kông có thể khơi mào cho những cuộc nổi dậy tương tự ở Trung Quốc đại lục. Còn các nhà chức trách khắp châu Á có thể sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn về những vấn đề trong cơ chế của mình nhằm kiểm soát mâu thuẫn. Tuy nhiên, Ross cảnh báo rằng tại các quốc gia theo chế độ chuyên quyền, công nghệ có thể hỗ trợ nhưng cũng có thể chuyển sang cản trở các cuộc biểu tình".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận