24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Huy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Á có thể chịu đựng mức lãi suất cao của FED?

Các nền kinh tế châu Á đã vững mạnh hơn trước các biến động lãi suất của FED.

Theo nhiều chuyên gia, các nền kinh tế châu Á có nhiều động lực để không bị ảnh hưởng mạnh bởi chính sách lãi suất cứng rắn của FED trong thời gian dài.

Tác động lan tỏa của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất trong nhiều tháng qua đã được cảm nhận rõ ràng ở châu Á. Việc FED duy trì lãi suất cao đang hút tiền từ phần còn lại của thế giới vào Mỹ. Theo IMF, quốc gia này hiện chiếm tới 1/3 dòng vốn toàn cầu.

Châu Á là nơi đang chứng kiến điều đó. Chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index đã suy yếu 13% trong ba năm qua khi dòng vốn chảy ra, làm giảm giá trị đồng tiền của khu vực. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, rủi ro từ việc dòng vốn chảy đi khỏi các thị trường mới nổi này dường như không quá lo ngại.

Thứ nhất, khác với những đợt bán tháo xảy ra khi khủng hoảng trong quá khứ, các nền kinh tế châu Á được cho là đã kiên cường hơn nhiều, với dự trữ ngoại hối lớn hơn và có sự giám sát pháp lý chặt chẽ hơn đối với nợ ngoại tệ.

Ông Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Asia Decoded ở Singapore, nhận xét những yếu tố này đã góp phần vào việc giảm giá có kiểm soát của hầu hết các loại tiền tệ châu Á vào thời điểm này, với những tác động tối thiểu cho đến nay đối với nền kinh tế nói chung.

Thứ hai, chính sách tiền tệ ở châu Á hiện nay đã phù hợp hơn với các rủi ro tài chính và bên ngoài. Trong khi các yếu tố cơ bản trong nước là động lực chính dẫn đến các quyết định tăng lãi suất vào năm 2022 và 2023, thì ngày nay FED đang là tâm điểm chú ý khi các ngân hàng trung ương châu Á muốn điều chỉnh lãi suất.

Theo đó, các nền kinh tế châu Á dù mạnh mẽ nhưng cũng cảnh giác trước những tổn thất đáng kể về tài chính tiền tệ nếu đi ngược dòng FED. Việc liên kết với chính sách lãi suất của FED về lâu dài như cách mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã làm, có thể giúp giảm thiểu rủi ro dòng vốn chảy ra.

Bà Kishore khẳng định phải thừa nhận rằng điều kiện ở châu Á có thể khiến phương pháp này trở nên khó khăn. Theo bà, dù lạm phát đã trở nên phức tạp ở nhiều nền kinh tế châu Á làm lu mờ triển vọng ngắn hạn, thách thức lạm phát dài hạn của khu vực châu Á có thể nhỏ hơn so với Mỹ.

Châu Á có thể chịu đựng mức lãi suất cao của FED?

Chính sách lãi suất cao kéo dài của FED vẫn sẽ tác động đáng kể tới Châu Á

Bà Kishore cho rằng nếu khoảng cách về lãi suất chính sách thực tế giữa châu Á và Mỹ, tính đến lạm phát, ngày càng lớn, sẽ khiến tài sản châu Á trở nên hấp dẫn hơn. Điều này sẽ xoa dịu những lo ngại về tình trạng tháo chạy vốn, giả sử thị trường nhìn xa hơn sự khác biệt về lãi suất cơ bản.

Xét cho cùng, giá vốn không phải là yếu tố duy nhất cho các quyết định phân bổ vốn. Chênh lệch lãi suất rất quan trọng đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy như các quỹ phòng hộ. Nhưng lợi nhuận của các nhà đầu tư tổ chức, những người có tầm nhìn dài hạn hơn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm triển vọng tăng trưởng, lạm phát và chế độ tỷ giá hối đoái, chất lượng thể chế, khung chính sách, xếp hạng tín nhiệm và rủi ro chính trị.

Đối với những nhà đầu tư như vậy, châu Á vẫn là một lựa chọn hấp dẫn, với một số thị trường lớn được xếp hạng ở mức đầu tư, môi trường lạm phát tương đối thuận lợi; khả năng phục hồi đã được chứng minh trước những cú sốc bên ngoài; triển vọng chính trị ổn định; khung chính sách đáng tin cậy và triển vọng chuỗi cung ứng đầy hứa hẹn.

Mặc dù các nhà đầu tư tổ chức lớn gần đây đã tăng phân bổ danh mục đầu tư của họ cho thị trường châu Á, mức độ đầu tư như vậy thường chỉ chiếm 7% đến 8% tài sản được quản lý. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội để rót thêm vốn vào khu vực này. Động thái tương tự cũng có thể xảy ra với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cuối cùng, dòng vốn dài hạn được duy trì sẽ giúp thúc đẩy một chu kỳ tăng trưởng, đầu tư và khả năng phục hồi bên ngoài tự củng cố ở châu Á. Điều này không chỉ tích cực cho triển vọng kinh tế dài hạn của khu vực mà còn nâng cao hơn nữa khả năng vượt qua những căng thẳng tài chính có thể phát sinh khi thế giới điều chỉnh theo môi trường lãi suất mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả