Chào bán chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Tạo điều kiện nhưng phải thận trọng
Quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của DN khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nội dung quan trọng tại dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này.
Có ý kiến đồng ý đưa quy định này vào luật và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng này trong luật để đảm bảo công bằng với các loại hàng hóa khác và hạn chế rủi ro cho NĐT.
Là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với những quốc gia khởi nghiệp khi đi công tác Phần Lan sau đó là Israel, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết đoàn công tác đã mang về rất nhiều tài liệu và sau đó đề nghị biến nó thành đại phong trào khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông cũng thành thực cho rằng, chúng ta đừng quá hy vọng vào nó vì để gắn được với một phong trào khởi nghiệp tầm cỡ như Phần Lan, Hàn Quốc, Israel… phải có một nền tảng khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, văn hóa và trí tuệ tầm cỡ. Trong khi kiểm chứng lại, chúng ta chưa có được điều này.
“Với nền tảng như vậy, việc chào bán chứng khoán của DN khởi nghiệp sáng tạo chúng ta phải được xem xét và thực hiện thận trọng và chắt lọc, không thể hô hào xông lên rồi cuối cùng đổ một đống rác vào sàn chứng khoán là rất rủi ro”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Kinh nghiệm từ Ireland là Chính phủ luôn hỗ trợ DN khởi nghiệp và luôn chiếm khoảng 70% vốn trong DN. Mặc dù rất khuyến khích khởi nghiệp nhưng khi muốn rút vốn khỏi các DN này, Chính phủ phải thực hiện các thủ tục để niêm yết DN trên TTCK và phải tuân thủ đúng chuẩn mực của sàn GDCK chứ không phải muốn là cứ đưa bừa lên sàn.
Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Kim Liên - nguyên Phó chủ tịch UBCKNN cho rằng, không nên đưa ra những điều kiện riêng với loại DN này vì “cực kỳ rủi ro”, nhưng chúng ta cũng nên tạo điều kiện để loại DN này được giao dịch trên thị trường thứ cấp.
“Vừa rồi Trung Quốc mới thành lập sàn theo mô hình Nasdaq dành cho các DN khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ. Có chăng chúng ta nên tạo điều kiện dễ dàng cho nó hơn trong việc giao dịch thứ cấp, còn việc phát hành thì không nên. Vì các nước, chỉ có các quỹ mạo hiểm hoặc các NĐT chiến lược, NĐT lớn mới đầu tư vào loại DN này. Nếu chúng ta quy định thì chúng ta phải giám sát và quản lý trong khi đây là việc rất khó”, bà Liên khuyến cáo.
Cùng chia sẻ với nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề này, ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch UBCKNN thừa nhận, để các DN khởi nghiệp sáng tạo lên sàn khi “chưa có gì” mà huy động vốn ra công chúng là rất rủi ro. Vì khi mới thành lập, chỉ có Nhà nước hoặc những quỹ thiên thần hoặc một số DN thấy ý tưởng tốt thì mới tài trợ để DN phát triển ý tưởng.
“Sau khi hoạt động và nhìn thấy hiệu quả thì giai đoạn 2 mới đến các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia, đến giai đoạn 3, nếu DN phát triển tốt mới được phát hành ra công chúng. Nguyên tắc của nước ngoài là như thế để đảm bảo an toàn”, ông Bằng chia sẻ kinh nghiệm và cho biết: hiện nay phong trào khởi nghiệp, nhất là DN công nghệ có nhu cầu vốn rất lớn với nhiều ý tưởng rất độc đáo nên các nước có mở ra thị trường thứ cấp để các DN giao dịch.
“Chúng ta có quy định này là để giúp cho các Sở giao dịch mở ra khu vực giao dịch khởi nghiệp. Giao dịch chứ không phải phát hành ra đại chúng vì phát hành ra công chúng, DN phải đáp ứng được các yêu cầu rất chặt chẽ”, ông Bằng nhấn mạnh.
Giải trình thêm về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, để phản ánh xu thế mới của quốc tế cũng như của Việt Nam, tạo điều kiện cho huy động vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tiếp cận vốn từ giai đoạn ý tưởng, tạo điều kiện chuyển dịch, giao dịch vốn của các DN khởi nghiệp sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm yếu tố bình đẳng giữa các DN, Bộ Tài chính đề nghị giữ như quy định tại dự thảo luật để có cơ sở pháp lý cho hoạt động chào bán chứng khoán của DN khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán của DN khởi nghiệp sáng tạo.
“Do đây là vấn đề quá mới, phức tạp nên rất khó quy định chi tiết trong luật các nguyên tắc, điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo. Việc này nên giao Chính phủ quy định trên cơ sở đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo với Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; đảm bảo tính linh hoạt để có thể triển khai thí điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi đưa vào luật”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận