Chặn ngay 'vay ngang hàng' núp bóng tín dụng đen
Sự tràn vào của hình thức 'vay ngang hàng' (P2P lending) và sự bùng nổ của app cho vay qua mạng đang dấy lên lo ngại biến tướng của hình thức tín dụng đen với lãi suất 'cắt cổ'.
Sự tràn vào của hình thức 'vay ngang hàng' (P2P lending) và sự bùng nổ của app cho vay qua mạng đang dấy lên lo ngại biến tướng của hình thức tín dụng đen với lãi suất 'cắt cổ'.
Chúng tôi vừa có bài viết cảnh báo về việc hình thức Cho vay ngang hàng của Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Đáng chú ý, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Nga, Singapore, Indonesia... và nhiều nhất là Trung Quốc - nơi mà chính phủ nước này bắt đầu siết mạnh hình thức P2P lending từ hơn 3 năm trước và hình thức này tại Trung Quốc gần như biến mất... P2P lending là một mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối các nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Và thật trùng hợp, khi đã có ý kiến cảnh báo về P2P lending tràn vào Việt Nam thì cũng là lúc mà nhiều “ông chủ” đứng sau các app cho vay qua mạng bị lực lượng chức năng điều tra.
Những app mang tên, như: vaytocdo, Moreloan, VD online... đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, mà thông qua hệ thống phản hồi của Báo Thanh Niên điện tử, rất nhiều người tự nhận là nạn nhân cầu cứu nhờ báo vào cuộc.
Mỗi người dân cảnh giác, để khỏi mắc bẫy
Theo bạn đọc (BĐ) Dương Văn Tuấn, hình thức kinh doanh P2P lending đang nở rộ nhưng không khó để ngăn chặn và phải triệt để dẹp bỏ chúng.
“Chúng như “vòi bạch tuộc” của hình thức cho “vay nóng” kiểu xã hội đen. Mong người dân cảnh giác khỏi mắc bẫy kẻo mang lụy vào thân”, BĐ Tuấn cảnh báo. Đồng quan điểm, BĐ Lưu Văn Bảo viết: “Như vấn đề đa cấp bất chính, làm mạnh tay vào, thì sẽ giảm bớt; cộng với tuyên truyền người dân hiệu quả. Ở trên đời này chẳng ai cho không nhau cái gì cả, chẳng có ai đem ô tô vài tỉ để tặng bạn, cũng chẳng có ai hằng tháng ngồi không lãnh mấy chục triệu...”.
Nhiều BĐ cũng chỉ ra rằng cần phải xem xét từ góc độ người vay: Vì sao lại chấp nhận vay “nóng”? Do thiếu hiểu biết hay “không chịu hiểu” hoặc hiểu nhưng vẫn chấp nhận vay?... “Cắt cổ như thế nhưng nhiều người vẫn vay để rồi bỏ xứ mà đi hoặc bán nhà cửa để trả. Đề nghị các báo, đài cần loan tin nhiều hơn nữa để mọi người dân được biết. Song song đó, các ngân hàng ở Việt Nam cũng nên vào cuộc cho người dân vay, có như vậy mới mong tránh được cảnh nhiều gia đình tán gia, bại sản”, BĐ Hà Văn Sáu viết.
Nhanh chóng hoàn thiện pháp lý
Cũng liên quan đến tình trạng cho vay qua app với lãi suất “cắt cổ”, hôm 7.12, trong buổi họp báo thông tin về kết quả công tác công an năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, đánh giá dù tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế nhưng vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet.
Còn thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cảnh báo các đối tượng cho vay qua app rất tinh vi, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cả nước...
Theo BĐ VTH, giải pháp cho vấn nạn nêu trên là cần nhanh chóng hoàn thiện về pháp lý cho các loại hình kinh doanh qua mạng. “Các bộ ngành cũng cần đưa ra các biện pháp nghiệp vụ quyết liệt, hiệu quả, nhanh chóng hơn nữa để đấu tranh, trấn áp các vấn đề tiêu cực liên quan đến các app cho vay nặng lãi qua mạng”, BĐ này viết.
“Cần tuyên truyền rộng rãi và liên tục để nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời mạnh tay truy quét và dẹp bỏ loại hình cho vay vô cùng nguy hiểm này. Loại hình này có thể gây bất ổn và phá hoại trật tự an toàn xã hội”, BĐ Nguyễn Đức Hoàng kiến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận