Chân dung các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài - Bài 1: Nhìn lại những quỹ ‘ngoại’ đời đầu
Các quỹ đầu tư “ngoại” là định chế quan trọng trong việc thu hút nguồn tiền đầu tư nước ngoài cho nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán Việt nói riêng.
Quỹ đầu tư là định chế tài chính thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ nhiều nguồn nhằm mục đích đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu và nhiều loại bất động sản khác, dưới sự giám sát và quản lý của tổ chức quản lý quỹ, các cơ quan có thẩm quyền.
Với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng, quỹ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài.
Gia nhập sớm nhất thị trường tài chính Việt Nam là Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital (Dragon Capital – DC). DC thành lập vào năm 1994, từ thời điểm khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam còn chưa ra đời (ngày 26/11/1996).
Việc thành lập sớm tại Việt Nam cho thấy niềm tin của DC vào một nền kinh tế non trẻ, năng động, và vào thời điềm đó đang từng bước chuyển mình hội nhập với toàn cầu. Niềm tin đó được thể hiện qua 20 năm quỹ này gắn bó với TTCK Việt Nam. Khởi sự vào năm 1994 với tổng tài sản là 16 triệu USD, cho đến nay DC đang là quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản là 2,9 tỷ USD (con số tính đến tháng 12/2019, chưa kiểm toán).
Với giới đầu tư, DC nổi danh “chuyên” nắm các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh ổn định, như VNM, VCB,… Bởi vậy, mỗi động thái mua – bán của DC sẽ nhận được nhiều sự chú ý của thị trường.
Theo giới thiệu từ website, DC bao gồm 4 quỹ thành viên là Vietnam Enterprise Investments Limited, Vietnam Equity (Ucits) Fund, Vietnam Debt Fund SPC và Segregated Managed Accounts.
Đáng chú ý nhất trong số này là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL). Đây là quỹ đóng, được thành lập tại quần đảo Cayman và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán London.
Ra đời vào năm 1995, VEIL là quỹ hoạt động lâu nhất tại Việt Nam và là một trong những quỹ lớn nhất của DC đầu tư vào các công ty niêm yết và các công ty trước thềm IPO tại Việt Nam. Tính đến thời điểm ngày 21/8/2020, tổng tài sản VEIL đạt 1,337 tỷ USD, với danh mục gồm các mã:
Chưa dừng lại ở đó, DC còn ghi dấu ấn khi vào tháng 7/2003 đã cùng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín thành lập công ty quản lý quỹ nội địa đầu tiên tại Việt Nam, đó là CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
Tại BCTC bán niên 2020, VFM có tổng tài sản đạt 306,4 tỷ đồng, vốn cổ phần phổ thông gần 215 tỷ đồng, các cổ đông lớn là DC Investment Management Limited (39,42%), DC Europe Limited (23,90%) và DC Management (HK) Limited (14,96%). Cũng theo BCTC, sau 6 tháng đầu năm 2020, VFM đạt 38,6 tỷ doanh thu (giảm 19%) và 3,4 tỷ lợi nhuận sau thuế (giảm 39%).
Một cái tên nổi bật khác là VinaCapital. Được thành lập từ năm 2003, cho đến nay, VinaCapital đang quản lý một số quỹ, gồm: Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF), Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), Quỹ Đầu tư Cân bằng Tuệ sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), Quỹ ETF VinaCapital VN100 và VinaCapital (VCFM), DFJ VinaCapital, đáng chú ý nhất phải kể đến Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ đóng niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán London.
VOF là cái tên quen thuộc với giới đầu tư Việt. Hoạt động đầu tư của VOF khá đa dạng, bao gồm cả cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu OTC, công ty tư nhân, bất động sản và chứng chỉ quỹ niêm yết tại nước ngoài.
Trải qua 17 năm hoạt động, tới thời điểm hiện tại (cụ thể là 31/7/2020), quy mô danh mục VOF đạt 853,6 triệu USD, trong đó tỷ trọng cổ phiếu niêm yết và UPCom là 70,9%. Trong đó, HPG tiếp tục là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 12,6%. Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục VOF trong tháng 7 có sự hiện diện của VHM với tỷ trọng 2,2%, cái tên bị loại khỏi top 10 là CTD.
Bên cạnh danh mục cổ phiếu, VOF cũng gia tăng tỷ trọng đầu tư vào công ty tư nhân (Private Equity) khi tỷ trọng tăng từ 23,2% trong tháng 6 lên 24% trong tháng 7.
Như Nhadautu.vn đưa tin, VOF đã thoái hết vốn tại CTCP Sữa Quốc tế (IDP) vào ngày 9/7 và 6/8. Cùng với đối tác Daiwa PI Partners, VOF đã thoái toàn bộ khoản đầu tư vào IDP cho CTCP Blue Point, nhà đầu tư tài chính và chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh FMCG.
Việc thoái vốn này mang về khoản lợi nhuận gấp 1,5 lần so với vốn đầu tư ban đầu của VOF. Được biết, toàn bộ số tiền này đã được VOF sử dụng để đầu tư vào Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc (TCI, công bố đầu tư ngày 10/8), một bệnh viên tư nhân hàng đầu tại Hà Nội.
Theo đó, VOF đã đầu tư 26,7 triệu USD vào Thu Cúc và có vị trí trong HĐQT bệnh viện này. Khoản đầu tư vào Thu Cúc đã đưa tỷ trọng danh mục VOF trong lĩnh vực y tế, dược phẩm lên hơn 8% NAV.
Ngoài các quỹ kể trên, VinaCapital cũng từng đầu tư bất động sản thông qua Quỹ đầu tư bất động sản VinaLand. Được thành lập từ năm 2006, chiến lược ban đầu của VinaLand là tập trung vào phân khúc tăng trưởng trong thị trường bất động sản mới nổi của Việt Nam, bao gồm các dự án nhà ở, văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và giải trí,….
Dù vậy, chiến lược này đã khiến VinaLand tổn thất lớn trong giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2011. Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào tháng 11/2012, các cổ đông của quỹ đã chấp thuận đề xuất không đầu tư mới và xử lý một phần các khoản đầu tư một cách có kiểm soát.
Vào tháng 7/2019, VinaLand đã hủy niêm yết chứng chỉ quỹ trên Sàn Giao dịch Chứng khoán London và chính thức đóng quỹ vào tháng 3/2020.
Một cái tên khác quen thuộc không kém với giới đầu tư là Vietnam Holding (VNH), quỹ đóng niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán London. Thành lập vào năm 2006, VNH tập trung chiến lược đầu tư vào các công ty tăng trưởng cao ở Việt Nam.
Tính đến ngày 30/7/2020, tổng tài sản của VNH đạt 114,9 triệu USD. Tỷ trọng đầu tư tập trung vào nhóm hàng hóa và dịch vụ công nghiệp (23%), bất động sản (17%), ngân hàng (16%), viễn thông (12%),…
Top 10 cổ phiếu trong danh mục đầu tư của VNH:
Thành lập vào năm 2001, ra đời sau DC 7 năm, Mekong Capital (MC) là công ty tư vấn quản lý quỹ chuyên đầu tư vào các công ty vốn cổ phần chưa niêm yết.
Nhắc đến Mekong Capital, giới đầu tư không thể không đề cập những thương vụ với tỷ suất sinh lời rất lớn. Đó là khoản đầu tư vào CTCP Thế giới Di động (HOSE: MWG) từ tháng 5/2007 đến tháng 1/2018 với tỷ suất sinh lời 57 lần; Khoản đầu tư vào Golden Gate năm 2008 và thoái vốn vào năm 2014, thu lời gấp 9 lần sau 6 năm rưỡi; Khoản đầu tư vào CTCP Traphaco (HOSE: TRA)) năm 2007, thoái vốn năm 2017 cũng cho lợi nhuận gấp 6,3 lần.
Ngoài ra, MC cũng lãi gấp đôi với khoản đầu tư vào CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) năm 2007, thoái vốn năm 2016. Tuy nhiên, sau khi MC thoái vốn, giá cổ phiếu PNJ đã tăng gấp 3 lần.
Hiện Mekong Capital đang ghi nhận khoản đầu tư vào hệ thống nhà thuốc Pharmacity và chuỗi cửa hàng cầm đồ F88.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận