Chấn chỉnh trong cho vay cầm cố sổ tiết kiệm: Sự nhắc nhở cần thiết
Việc sở hữu trong tay sổ tiết kiệm hay giấy tờ có giá sẽ giúp khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhắc nhở các hoạt động cho vay cầm cố sổ tiết kiệm đang đặt ra yêu cầu cho các ngân hàng về việc tuân thủ an toàn hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng các phương án bền vững.
Ngăn dòng vốn chạy lòng vòng không mục đích
Một trong những nhiệm vụ trong tâm của NHNN trong năm 2019 là Sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng thương mại. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố sổ tiết kiệm (CCSTK)…
Trong báo cáo Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm toàn ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chỉ đạo cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức tín dụng tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là các ngân hàng CCSTK không có mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích sử dụng vốn không hợp pháp.
Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, việc cảnh báo của NHNN là có tác động phần nào tới tình hình kinh doanh của ngân hàng. Nhưng điều này là cần thiết và phù hợp dưới góc độ quản lý nhà nước. Hình thức cho vay CCSTK như là một hình thức ngân hàng cấp tín dụng. Nên khi cho vay đòi hỏi người vay phải có tài sản thế chấp, quy trình sử dụng vốn vay phải đúng quy định và rõ ràng về mục đích sử dụng vốn.
“Vì vậy, dưới góc độ quản lý nhà nước thì đây là điều hiển nhiên để tránh cho dòng vốn chạy lòng vòng không hiệu quả gây tăng trưởng tín dụng ảo. Đó là việc các ngân hàng thương mại phải lựa chọn phương án tăng trưởng tín dụng an toàn hơn hoặc tuân thủ quy định,” ông Tín cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhìn nhận vấn đề tiền gửi, lãi suất và kỳ hạn là vấn đề chuẩn mực trong kinh doanh tiền tệ của ngân hàng. Người gửi kỳ hạn dài thì được lãi suất cao và không được rút trước hạn. Do đó, người gửi phải tính toán dòng tiền họ có nhu cầu. Ngược lại, vay vốn là điều kiện cần được nhìn nhân từ phía khách hàng, ngoài vay tín chấp thì có cả vay thế chấp bằng các tài sản đảm bảo và sổ tiết kiệm là một trong những tài sản đó.
“Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây cách tư vấn của một số chuyên viên, nhân viên ngân hàng đang làm cho khách hàng hiểu rằng mình có sổ tiết kiệm ở ngân hàng là được vay mà không cần lý do. Cần tách bạch rõ các vấn đề này, quy trình thực hiện hợp đồng vay cần có tài sản thế chấp và sổ tiết kiệm đang là một tài sản thế chấp tốt. Đương nhiên, khoản vay nào cũng phải đảm bảo tính hợp lý của hồ sơ về mục đích sử dụng vốn.”
Việc NHNN chấn chỉnh có lý do là hạn chế rủi ro dòng vốn cho toàn hệ thống, vấn đề là chỉ nhắc nhở các ngân hàng thương mại tuân thủ. Nếu đảm bảo được các tiêu chí của thông tư 39 thì hoạt động vay vốn cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Điều quan trọng vẫn là sự lựa chọn của các ngân hàng.
Về bản chất các ngân hàng sử dụng hình thức cho vay CCSTK trước mắt là để phục vụ nhu cầu của khách hàng, tiêp đó là tăng lợi nhuận và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong kỳ tiếp theo. Nhưng trên hết bản thân các ngân hàng phải tuân thủ quy định của nhà nước ngoài mục tiêu lợi nhuận.
“Vấn đề đặt ra là cơ quan thanh tra giám sát làm thế nào để kiểm tra kiểm soát và xử phạt nghiêm chỉnh vấn đề này. Dưới góc độ kinh doanh thì ngân hàng có nhiều ách để lách, cụ thể như tư vấn khách hàng hợp thức hóa hồ sơ, mục đích vay vốn… Cần phải có phương thức kiểm soát để tránh biến tướng sau lời nhắc nhở của NHNN về vấn đề này trong thời gian qua,” ông Bùi Quang Tín nhận định.
Có ảnh hưởng nhưng không đáng ngại
Đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng việc nhắc nhở của NHNN về hoạt động cho vay CCSTK không gây tác động đến tình hình kinh doanh. Đây là biện pháp cảnh báo giúp ngân hàng tuân thủ quy định chứ không phải là động thái siết lại hoạt động này.
Trên thực tế, việc hạn chế cho vay trên thị trường 1, thị trường 2 vẫn hoạt động bình thường. Các ngân hàng hết room tín dụng có thể hoạt động kinh doanh tại thị trường liên ngân hàng, đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác, kinh doanh ngoại hối, tăng phí dịch vụ để bù đắp cho phần hụt từ thu nhập cho vay. Thậm chí, các ngân hàng sẽ thu hồi nợ thật nhanh để tạo room cho tín dụng.
Một vị đại diện của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, động thái nhắc nhở về cho vay CCSTK chỉ xoay quanh việc yêu cầu chứng minh mục đích sử dụng vốn rõ ràng. Điều này tuỳ vào mỗi ngân hàng và mỗi đối tượng vay vốn sẽ có mục đích riêng và ngân hàng sẽ tư vấn cụ thể đối với từng khách hàng cụ thể. Tuân thủ đúng các quy định cũng không phải là vấn đề phức tạp đối với ngân hàng.
“Nhìn nhận khách quan thì mô hình tín dụng CCSTK có sự đóng góp tích cực cả về mặt huy động vốn lẫn cho vay vốn. Đối với CCSTK không nhiều rủi ro vì tài sản đảm bảo là "tiền tươi thóc thật", margin thấp nhưng an toàn. Tỷ lệ cho vay tương đối cao lên tới 98% và CCSTK thường đóng góp khoảng 20-30% cơ cấu tăng trưởng. Nhưng tỷ lệ này cũng tuỳ thuộc chính sách của mỗi ngân hàng, với những ngân hàng có lãi suất huy động thấp thì tỷ lệ này không cao”, vị đại diện của OCB cho biết.
Theo các ngân hàng, việc triển khai cho vay CCSTK thường áp dụng với khách doanh nghiệp hơn là cá nhân vì các chứng từ chứng minh phương án sử dụng vốn thường đầy đủ.
Như vậy, việc NHNN đưa ra lời cảnh báo là có lý do để ngăn ngừa tình trạng biến tướng về các hình thức cấp vốn ở ngân hàng thương mại. Dù rằng động thái này có thể gây ảnh hưởng đến tình hình khinh doanh của ngân hàng trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng tăng trưởng tín dụng cao chưa chắc là một chỉ tiêu tốt của ngân hàng mà là điều quan trọng hơn cả là chất lượng tín dụng tốt. Đó mới là yếu tố quan trọng và thực chất khi các ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận