24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chậm trễ cải tạo chung cư cũ nát ở Hà Nội

Trong những khu tập thể đổ nát, xuống cấp nghiêm trọng giữa lòng thủ đô Hà Nội, nhiều phận đời dường như “mắc kẹt” khi không biết rõ đến bao giờ có thể di dời hay được sinh sống trong một căn nhà an toàn đúng nghĩa. Nhưng hiện nay, việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm qua.

Đi không nỡ, ở không xong

42 năm sống tại chung cư cũ B5 Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình), bà Nguyễn Thị Chung (76 tuổi) cho biết, một căn hộ với đầy đủ tiện nghi được quy hoạch đồng bộ là mong ước của bà cũng như khoảng 60 hộ dân đang sinh sống tại đây. Đến nay, những căn hộ chung cư này đã trong tình trạng xuống cấp, cũ nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Những người phải bám trụ lại đa phần là người già, những người có hoàn cảnh khó khăn chưa biết chuyển đi đâu.

Về nỗi khổ khi sống trong căn chung cư cũ, bà Chung cho biết, mỗi khi trời mưa, các hộ dân đều phải chịu chung cảnh thấm dột, nhất là tầng 5 - vị trí cao nhất của khu nhà này. Cư dân không thể khắc phục hết tình trạng nước mưa ngấm qua khe tường gây ẩm mốc và lở tường. “Nước dột lâu ngày đóng cặn, bám chặt vào từng mảng tường đang bong tróc. Cuộc sống của cư dân giữa Thủ đô nhưng lại khổ hơn cả nông thôn. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có dự án triển khai xây dựng khu tập thể này để cư dân có thể sống trong môi trường an toàn và tiện nghi hơn. Khi có dự án được triển khai mang tính khả thi và có lộ trình rõ ràng, người dân sẵn sàng dời đi theo đúng yêu cầu, quy định từ thành phố” - bà Chung nói.

Không chỉ ở Giảng Võ, mà khu vực phố Nguyên Hồng, đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) cũng tồn tại hàng chục dãy nhà tập thể cũ, xập xệ và xuống cấp. Cuộc sống của người dân nơi đây rất bí bách, diện tích các căn hộ tập thể thông thường từ 33-45m2/căn, người dân phải tận dụng khoảng không trước các dãy nhà để cố cơi nới, xây dựng “chuồng cọp”, khiến dãy nhà chính lộ rõ những vết rạn nứt.

Ông Trương Ngọc Hùng (58 tuổi, trú tại chung cư số 51, đường Huỳnh Thúc Kháng) phản ánh, hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, phần lan can cũng đã bị hỏng. Trong khu tập thể có tổng cộng 19 hộ dân, trong đó 15 hộ đã được di dời, chỉ còn lại 4 hộ vẫn bám trụ ở đây.

Theo ông Hùng, thực trạng trên không chỉ tồn tại ở chung cư 51 mà còn ở rất nhiều khu tập thể cũ trong khu vực. Việc cơi nới thêm “chuồng cọp”, làm vách kính, lan can… khiến cho các chung cư cũ ngày càng xuống cấp, mất an toàn. Dù đã muốn chuyển đi từ lâu, nhưng ông Hùng cùng số cư dân còn lại tại khu nhà số 51 vẫn cố gắng bám trụ, trông ngóng về một kế hoạch cụ thể, chi tiết từ thành phố để yên tâm di dời.

Chỉ khoảng 1% chung cư được cải tạo suốt 20 năm

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ đã được Hà Nội triển khai từ lâu, song đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn khi chỉ 1% trong tổng số 1.500 chung cư, tập thể cũ được cải tạo sau 20 năm thực hiện kế hoạch. Trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn phải đối mặt với những mối nguy hiểm ngay trong chính nơi ở của mình.

Ghi nhận của PV Lao Động tại một số nhà chung cư cũ ở khu vực Huỳnh Thúc Kháng, Giảng Võ, Thành Công... cho thấy tình trạng xuống cấp tại đây ngày càng cao. Một thực tế, dù chung cư đã được cảnh báo nhưng nhiều hộ dân vẫn đang cố “bám” trụ với nhiều lý do khác nhau.

Nói về những vướng mắc tồn tại, đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, trước đây, khi quy định về việc chỉ cần 2/3 cư dân đồng ý là có thể thu hồi mặt bằng nhưng với quy định mới (Nghị định số 101/2015/NĐ-CP và khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014) thì tất cả đều dựa vào sự hợp tác và đồng ý của người dân.

“Việc này gây khó khăn cho việc triển khai. Số lượng chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lớn; ngân sách nhà nước hạn chế nên phương thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư là phương án khả thi. Tuy nhiên, khu vực nội đô công trình bị giới hạn chiều cao, số tầng nên khi tiếp cận, các nhà đầu tư nhận thấy khó cân đối tài chính. Ngoài ra, nơi ở tái định cư cũng như phương án đền bù khó nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân”, đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết.

Cũng liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội - cho biết: Vấn đề cải tạo chung cư cũ, nát ở thành phố Hà Nội là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Thành phố cũng rất quan tâm về vấn đề này trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, nát. Một số nội dung liên quan tới việc này cũng đã được thành phố Hà Nội báo cáo Trung ương, Chính phủ. Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn.

“Một số vấn đề liên quan trong việc này, đó là việc quy định về cải tạo toàn khu tập thể hay khu chung cư cũ cần phải có được quy hoạch để tạo ra không gian mới cho các khu tập thể. Tiếp đến là vấn đề chiều cao của các công trình, các cơ chế chính sách về hệ số đền bù cho người dân…” - ông Quân nói và cho biết tới đây, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cho ý kiến về vấn đề cải tạo chung cư cũ nát.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả