menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Chậm giải ngân đầu tư công: Lên kế hoạch để năm sau không lặp lại

Chỉ còn hơn 1 tháng rưỡi nữa là hết năm 2021, như vậy kế hoạch để hoàn thiện giải ngân vốn đầu tư công cho một số Bộ ngành, địa phương rất gấp rút. Dù có quyết tâm đẩy mạnh đến đâu đi chăng nữa thì khoảng thời gian này là quá ngắn để hoàn tất nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Do đó, đã đến lúc cần bàn kế hoạch đầu tư công 2022, không để năm sau lặp lại như năm trước.

Nguy cơ... vỡ kế hoạch

Bộ Tài chính thông tin, ước đến hết tháng 10.2021, cả nước đã giải ngân 257.387 tỉ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tức còn 44,2% nữa trong kế hoạch chưa thể hoàn tất.

Tại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, vị Bộ trưởng này cho biết, vấn đề đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỉ lệ giải ngân vẫn thấp. Trong năm nay, tỉ lệ giải ngân thấp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo Bộ trưởng KHĐT, lý do chính khiến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ là phương pháp chuẩn bị phương án kém, chất lượng không cao, chủ yếu việc chuẩn bị phương án đầu tư chỉ mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ chương đầu tư thì các chủ đầu tư mới thực hiện một cách thực tế, lúc này lại mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh lại dự án.

Bên cạnh đó, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng vẫn gây khó khăn và chưa thể giải quyết ngay. Bộ trưởng cho rằng, nếu các quy định, vướng mắc trong Luật Đất đai không được giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ không thể giải quyết nhanh. Các phát sinh chủ yếu là giá đền bù đất, tranh chấp khi bàn giao, khiếu kiện, ý thức người dân…

Riêng năm 2021, Bộ trưởng KHĐT cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nhiều tháng. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, chi phí đối ứng tăng cao…

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng trong những tháng đầu năm, quý I/2021, giải ngân đầu tư rất chậm mặc dù dịch bệnh khi đó chưa căng thẳng ở nhiều địa phương. Hơn thế, ngay cả trong giai đoạn dịch thứ 4 bùng phát thì không phải tất cả các địa phương đều phải áp dụng giãn cách xã hội kéo dài.

Có lẽ giải ngân vốn đầu tư công chậm được đưa ra rất nhiều nguyên nhân mà còn có cả "nằm ở tổ chức thực hiện". Ngoài ra, chính người đứng đầu Bộ KHĐT thừa nhận còn do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.

Chỉ còn 1 tháng rưỡi nữa để thực hiện 44,2% trong kế hoạch, dù có quyết tâm đẩy mạnh đến đâu đi chăng nữa, theo các chuyên gia kinh tế, rất khó để hoàn thành.

Tính trước chuyện đội vốn

Năm 2021 là năm đầu tư thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025; năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy cũng còn một nguyên nhân chỉ ra là chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022, dẫn đến chậm tiến độ.

Trao đổi với Lao Động PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, sự “bỡ ngỡ” khởi động giai đoạn 5 năm chắc chắn sẽ không thể lặp lại ở năm thứ 2. Còn 1 yếu tố đã xuất hiện 2021 và có cảnh báo sẽ tiếp tục năm sau, tác động trực tiếp đến các dự án đầu tư 2022, đó là sự tăng giá nguyên vật liệu hàng hóa. Mặc dù tại Việt Nam, lạm phát đang là vấn đề dường như “hơi xa” do nền kinh tế vẫn đang kiểm soát tích cực các biến số vĩ mô, song trên toàn cầu, bóng ma lạm phát đang ngày càng đe dọa nghiêm trọng.

Theo ông Thịnh, hiện nay không chỉ Việt Nam mới đặt trọng tâm thúc đẩy đầu tư công để kích thích nền kinh tế, mà nhiều quốc gia cũng chọn hướng đi này do đó, sự khan hiếm nguyên vật liệu sẽ còn được đẩy lên. Tình trạng đình đốn nền kinh tế, sản xuất khi lạm phát tăng cao được cho sẽ là vấn đề chung mà thế giới phải đối mặt và Việt Nam, trong bối cảnh còn rất nhiều mặt hàng phụ thuộc nhập khẩu bên ngoài cho cả các dự án hạ tầng cơ sở lẫn sản xuất của khu vực tư doanh, dân doanh, cũng sẽ phải tính đến ứng phó giá cả leo thang.

“Làm thế nào để tính toán cho vốn trung chuyển của các dự án, đã được hạch toán từ những năm trước, “bao” được mức tăng giá đột biến mới để các dự án không đội vốn quá mức cho phép, khiến lại phải tính toán trình duyệt… như kịch bản chậm tiến độ của các dự án đầu tư công trước đây, là bài toán mà các Bộ ngành địa phương ngay khi tiếp nhận kế hoạch giao vốn, cần tính”, vị chuyên gia này nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại