CEO VGG: “Khi đã chủ động được nguồn vải, Công ty sẽ định hướng thị trường”
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Tổng Giám đốc Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) – ông Bùi Văn Tiến cho biết trong thời gian tới, Công ty đang hướng đến tập trung vào đầu tư phát triển và đổi mới mô hình kinh doanh nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Lãi quý 1 đạt 20 - 21 tỷ đồng
Ban lãnh đạo VGG nhận định năm 2021 vẫn tiếp tục là một năm khó khăn với ngành dệt may khi các bạn hàng thường xuyên nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam vẫn đang trong quý trình chống chọi với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội mới khi các hiệp định như EVFTA và RCEP đã được ký kết, mở ra kỳ vọng gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu và một số quốc gia khác.
Tại đại hội, ông Bùi Văn Tiến – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT cho biết, trong năm nay, khi đã thực hiện được các đơn hàng ODM, mục tiêu của Công ty là hướng đến thị trường châu Âu chứ không còn phụ thuộc vào Đài Loan hay Hồng Kông như trước.
Trên cơ sở đó, VGG đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 8,090 tỷ đồng và 180 tỷ đồng, tăng 14% và 5% so với mức thực hiện trong năm 2020.
Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch HĐQT VGG, Công ty đã lãi 20-21 tỷ đồng trong quý 1/2021. Như vậy, VGG đã thực hiện được hơn 11% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2021.
Kế hoạch năm 2021 của VGG:
“Không chủ động được nguồn nguyên liệu thì không thể độc quyền”
Xét về mặt con số, các chỉ tiêu kế hoạch 2021 tuy tăng trưởng hơn so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức thực hiện của năm 2019. Nguyên nhân được ông Bùi Văn Tiến chia sẻ là do tình hình Covid-19 còn phức tạp và khó lường. Tỷ giá ngoại tệ hiện tại đang có lợi cho nhập khẩu chứ không có lợi cho xuất khẩu.
Cùng với đó là vấn đề lao động, ông Tiến nhận định nguồn lực lao động của VGG đang yếu và thiếu. Sắp tới, Công ty sẽ có đơn hàng chuyển về từ Myanmar trong quý 2 và 3 cùng kế hoạch phân phối sản phẩm Nike trong năm nay nhưng hiện vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân công, gây tình trạng có hàng nhưng không có người, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đứng trước vấn đề trên, Tổng Giám đốc Công ty cho biết Công ty đang chủ trương tăng năng suất lao động bằng cách tự động hóa, số hóa quy trình sản xuất, thay thế sức người. Đồng thời, tập trung đầu tư R&D để chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như mẫu mã sản phẩm, phục vụ sản xuất các đơn hàng ODM.
Ông Bùi Văn Tiến nhấn mạnh, ”Việt Tiến không chủ động được nguồn nguyên liệu thì không thể độc quyền. Hiện, Công ty đang bán thứ thị trường cần nhưng khi đã chủ động được nguồn vải,Công ty sẽ định hướng thị trường”.
Doanh nghiệp ngành vải phải đổi mới phát triển
Phát biểu tại đại hội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (UPCoM: VGT) - Đơn vị nắm hơn 30% vốn tại VGG nhận định “ngành dệt may không có tượng đài nào là mãi mãi. Hiện nay, nhu cầu sản phẩm dệt may vẫn tồn tại nhưng các doanh nghiệp đang không bán được hàng. Vì vậy, các doanh nhiệp trong ngành không còn con đường nào khác ngoài đổi mới phát triển”.
Ngoài ra, ông Tường đánh giá cổ phiếu và mức chi cổ tức hiện tại của VGG đang ở mức tốt. Trong thời gian tới, dù đặt mục tiêu lợi nhuận tăng nhưng Công ty nên cân nhắc chính sách cổ tức để tạo ngân sách đầu tư phát triển.
Về phân phối lợi nhuận năm 2020, VGG sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20% với thời gian chi trả dự kiến vào đầu tháng 6/2021. Tổng cộng, Công ty sẽ chi 88.2 tỷ đồng cho lần chia cổ tức này.
Tình hình kinh doanh các năm gần đây của VGG. Đvt: Tỷ đồng
VGG dự kiến sẽ chi 300 tỷ đồng cho công tác đầu tư trong năm 2021, gấp gần 5 lần mức thực hiện trong năm 2020. Trong đó, đầu tư máy móc thiết bị hết 30 tỷ đồng; xây dựng cơ bản hết 140 tỷ đồng bao gồm 30 tỷ đồng xây dựng văn phòng tại Hà Nội, 80 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng tại KCN Bình An và 30 tỷ đồng cải tạo văn phòng, nhà xưởng tại Việt Long và Ô Môn.
Ngoài ra, Công ty sẽ chi 20 tỷ đồng để thành lập nhà máy mới ở Cần Thơ (tạm gọi là nhà máy Việt Thơ) và 100 tỷ đồng để góp vốn thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech.
Trả lời ý kiến cổ đông về dự án Việt Thơ và Việt Thái Tech, ông Vũ Đức Giang cho biết Công ty Việt Thơ dự kiến sẽ thành lập vào tháng 6/2021 và đây sẽ là đơn vị tập trung sản xuất đơn hàng cho khách hàng lớn South Island.
Còn với Công ty TNHH Việt Thái Tech, quá trình thành lập hiện đang bị chậm tiến độ do VGG vẫn chưa thể gặp mặt đối tác trực tiếp để thương thảo các điều khoản hợp đồng vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Tuy đã có trao đổi thông qua các phương thức trực tuyến nhưng vẫn chưa đủ để thể hiện rõ ý muốn của cả hai bên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận