Câu lạc bộ nhà đầu tư 'chân ướt chân ráo' lớn mạnh giữa lúc toàn cầu bị phong tỏa
Thị trường chứng khoán liên tục lao dốc trong tháng 3, và đó cũng là lúc những lời bàn tán về cơ hội ngàn năm có một để mua cổ phiếu bắt đầu xuất hiện.
Trước cơn sóng giảm giá mạnh trên thị trường cổ phiếu tại cuối tháng 3, anh B.C.T - một nhân viên tại một ngân hàng lớn tại Việt Nam, đánh hơi được cơ hội từ thị trường này. Dò hỏi và nghe ngóng thông tin từ những người bạn trong ngành, anh quyết định mở tài khoản giao dịch chứng khoán để kiếm thêm thu nhập giữa lúc bị kìm chân tại nhà.
Hay ở một trường hợp khác, L.A.H, một nhân viên của hãng công nghệ, làm việc tại Q7, cho biết anh và nhiều bạn bè đồng nghiệp bắt đầu mở tài khoản và mua cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua. Đến nay tất cả đều có lời. Nhưng anh cũng thừa nhận thật sự không biết nhiều về những cổ phiếu mà mình đã mua.
Trong khi đó, L.Y.N - nữ nhân viên ngân hàng 25 tuổi thì tỏ ra thận trọng hơn, cô gửi tiền nhờ một người bạn đầu tư giúp, vì e ngại mình không hiểu gì về lĩnh vực này. Cô chỉ đơn giản thấy mọi thứ xuống quá thấp và nghĩ rằng có lẽ mình cũng nên mua một ít cổ phiếu.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), tới cuối tháng 4/2020, số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam đạt mức 2,439,409 tài khoản. Trong tháng 4, có hơn 36,800 tài khoản được mở mới, tăng gần 15% so với tháng 3.
Anh T, anh H và chị N cũng gia nhập vào câu lạc bộ trader mới trên toàn thế giới – những người “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường chứng khoán ngay khi các biện pháp cách ly xã hội ghìm chân họ ở nhà. Trong bối cảnh giá tài sản rủi ro rơi xuống đáy nhiều năm trong tháng 3/2020 vì đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ trên toàn cầu xem đây là cơ hội mua vào và đổ xô rót tiền vào cổ phiếu.
Một xu hướng toàn cầu
Tại Ấn Độ, hàng triệu trader mới cũng được sản sinh ra nhờ lệnh phong tỏa. Khoảng 1.2 triệu tài khoản mới được mở ra trong tháng 3-4, tăng từ mức 900,000 trong 2 tháng đầu năm, dựa trên dữ liệu từ Dịch vụ Lưu ký Trung tâm Ấn Độ.
“Tôi đã nghĩ về chuyện này trong vài tháng qua, nhưng lại quá bận rộn”, ông Raunaq Singh (27 tuổi), chủ cửa hàng quần áo tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, cho hay. “Chưa có dịp nào tốt hơn lúc này để mở một tài khoản giao dịch”. Trong tháng qua, anh đã bỏ số tiền 160,000 Rupee (tương đương 2,117 USD) vào sàn chứng khoán.
Thậm chí ngay khi phục hồi mạnh, chỉ số S&P BSE Sensex của Ấn Độ vẫn còn cách mức đỉnh tháng 1/2020 khoảng 26%. Mức định giá đã trở nên rẻ hơn, cách mức trung bình 3 năm khoảng 25%.
“Làm việc tại nhà đã mở ra cơ hội để người dân làm những thứ chưa từng làm, và đà giảm nhanh chóng của giá cổ phiếu khiến nhiều người tin rằng chúng đang có sẵn với mức giá rẻ”, Nithin Kamath, Giám đốc điều hành tại Zerodha Broking – công ty môi giới trực tuyến lớn nhất của Ấn Độ với 1.6 triệu khách hàng, nhận định.
Zerodha nhận thấy số lượng tài khoản mới mở hàng tháng tăng gấp đôi kể từ tháng 2/2020, trong đó 20% đến từ những nhà đầu tư “chân ướt chân ráo”, phần lớn đều dưới 30 tuổi, ông nó.
Còn tại, Phillipines, nhiều người ở Philippines tham gia vào giao dịch cổ phiếu lần đầu tiên khi các quy định giãn cách xã hội giữ chân họ ở nhà. Không hề bối rối trước đà giảm 27% của chỉ số chứng khoán chuẩn Philippines (là một trong những chỉ số có thành quả tệ nhất thế giới trong năm 2020), các nhà đầu tư trong nước đã nhảy vào với hy vọng sẽ bắt trúng cơn sóng hồi phục, ngay cả khi dòng vốn nước ngoài tháo chạy. Mức định giá đã trở nên rẻ hơn, thấp hơn 25% so với mức trung bình 5 năm.
Conrado Bate, Giám đốc điều hành (CEO) của COL Financial – một trong những nền tảng môi giới trực tuyến phổ biến nhất của Philippines, cho biết ông nhận thấy một lượng lớn tài khoản mới mở đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Người dân đang mắc kẹt ở nhà và thị trường chứng khoán là một trong vài thứ vẫn còn mở cửa”, Cabangon cho biết. “Khi nghe thị trường chứng khoán đang giảm, họ cảm thấy tò mò. Đây là cơ hội mà nhiều người đang mong chờ”.
Sự gia tăng về số tài khoản chứng khoán đến từ những trader giao dịch trực tuyến – vốn đã tăng 61% trong năm 2018, theo dữ liệu mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán Philippines. Với chỉ 1% dân số Philippines đầu tư vào thị trường nội địa, các nhà điều hành nước này từ lâu đã tìm cách cải thiện kiến thức đầu tư của người dân Philippines để giúp củng cố thị trường tài chính.
Xu hướng này cũng đang diễn ra ở nhiều thị trường khác. Tại Mỹ, E*Trade Financial Corp., TD Ameritrade Holding Corp., và Charles Schwab đều chứng kiến số lượng tài khoản mới đăng ký tăng kỷ lục trong quý đầu năm, phần lớn đến từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nhà đầu tư cá nhân hồ hỡi, trong khi huyền thoại quan ngại
Những nhà đầu tư mới rõ ràng là lực đẩy của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, tại nước Mỹ, huyền thoại đầu tư Warren Buffett tỏ ra rất dè dặt và có vẻ như đang bán những khoản đầu tư của mình. Đương nhiên, môi trường đầu tư tại mỗi nơi mỗi khác nhau. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, bỏ qua vấn đề khác biệt, thì những nhà đầu tư dày dạn hơn vẫn có những nghi ngại nhất định vì đã trải qua nhiều lần lên xuống của thị trường và hiểu rõ những cơn đau nhói khi mất tiền. Những nhà đầu tư trẻ thì khác, họ hồ hởi khi thị trường giảm, tức là chỉ cần biết rằng họ đã được mua rẻ hơn trước đây rất nhiều lần, việc phân tích trở thành thứ yếu khi so với giá cả.
Kết quả cuối cùng vẫn ở thì tương lai, đương nhiên, chẳng ai có thể dám chắc điều gì, dù là những nhà phân tích dày dặn nhất. Còn đến nay, những người nhảy vào thị trường kể từ cuối tháng 3 đã rủng rỉnh những khoản lời béo bở.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận