Câu chuyện thất bại khi khởi nghiệp: Bài học từ sự kiêu căng và chủ quan
Năm 2003, sau khi bán lại 80% công ty cho Đại Gia từ Liên Xô, mình nghỉ ngơi, tiêu tiền. Mua biệt thự ở ngoại ô thành phố với sân tennis, bể bơi, vườn cây ăn quả, ao cá… Trong nhà thuê lái xe, phục vụ, làm vườn, bảo vệ,…Và thấy đó không phải là mục đích cuộc sống của mình.
Trong khi đó, công ty cũ hoạt động không được tốt, kết quả kinh doanh giảm 1/2. Sau 1 năm hoạt động, bên chủ đầu tư mới đề nghị mình quay lại để vực dậy công ty, và quan trọng hơn mình vẫn còn 20% cổ phần. Đó cũng là lý do họ thuyết phục được mình quay lại. Sau 2 năm, doanh số dần hồi phục và bất ngờ đã đến. Đại Gia bí mật đàm phán bán thương hiệu, mình không nhầm nhé, chỉ thương hiệu thôi và cam kết không kinh doanh mặt hàng tương tự tại Ba Lan. Giá bán riêng thương hiệu họ thu về tính theo USD, nhiều hơn giá trị công ty của mình khi họ mua 80% cổ phần. Một phần do tỷ giá đồng Zloty (tiền Ba Lan) so với USD tăng gấp đôi từ khi Ba Lan gia nhập khối thị trường chung EU. Giá trị mua lại thương hiệu được tính bằng tiền Zloty.
Một lần nữa mình rời công ty khi hợp đồng chuyển nhượng thương hiệu được ký kết.
VỚI SỐ TIỀN CÓ TRONG TAY MÌNH QUYẾT ĐỊNH KHỞI NGHIỆP LẦN THỨ BA.
Trong các lần đi công tác tại Nhật Bản, mình thấy trong siêu thị có rất nhiều sản phẩm ready to eat, chỉ cần quay lại trong lò Microwave 1-2 phút hoặc luộc nước sôi 2-3 phút là có bữa ăn ngon bao gồm cơm, thịt, rau. Các sản phẩm ready to eat được đóng gói và bảo quản trong nhiệt độ bình thường, rất tiện lợi. Mình đã tìm hiểu và biết ở Hàn Quốc có sản xuất các máy tiệt trùng, máy đóng gói cho các sản phẩm này, giá cả phải chăng nhưng chất lượng tốt. Vì vậy mình liên hệ với các nhà sản xuất bên Hàn Quốc, sau đó bay sang tận nơi để đàm phán.
Tại Ba Lan, mình bỏ tiền mua 1 bất động sản để chuẩn bị cho sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên sau khi Ba Lan vào EU, các quy định về sản xuất thịt đã bị siết lại. Với một kho cũ, để sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt không hề dễ dàng. Ở Ban Lan lúc đó mình chưa tìm được đối tác gia công các sản phẩm như mình mong muốn. Trong khi đó thời gian và tiền bạc cứ trôi đi.
Năm 2008, khủng hoảng đã bắt đầu xuất hiện ở Mỹ, còn tại Ba Lan thì báo chí bắt đầu nhắc đến nhưng mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Hồi đó mình cũng hay đi thăm các triển lãm thực phẩm lớn như Anuga ở Đức hay Thaifex ở Thái Lan. Trong một lần đến Thaifex, mình đã gặp 1 công ty Thái sản xuất được sản phẩm như mình mong muốn. Sau một thời gian ngắn đàm phán, họ đồng ý gia công sản phẩm theo yêu cầu của mình về chất lượng, bao bì. Mình nhập công hàng đầu tiên với niềm tin mãnh liệt là sẽ thành công hơn mọi lần khởi nghiệp trước. Mình mang hàng đi chào các siêu thị và đưa được lên kệ một số hệ thống ngay do sản phẩm tiện lợi, ngon và thiết kế đẹp.
Mình đặt tiếp công thứ 2, thứ 3...Và chính lúc đó, khủng hoảng kinh tế đã đến Ba Lan.
Đồng tiền Ba Lan mất giá đối với USD và sản phẩm nhập khẩu bỗng trở lên đắt đỏ. Người dân bắt đầu thắt chặt chi tiêu và quan trọng hơn họ không muốn thử nghiệm với các sản phẩm mới. Người tiêu dùng chỉ mua các sản phẩm thiết yếu, quen thuộc. Các bạn có thấy quen quen không?
Thay vì giảm quy mô, tìm các sản phẩm quen thuộc, phù hợp (như mì ăn liền, mặt hàng mình đã kinh doanh bao nhiêu năm, phù hợp với người tiêu đùng thời khủng hoảng…. bây giờ cũng vậy, doanh số mì ăn liền tại VN và bên châu Âu vẫn tăng cao) thì mình lại đầu tư nhiêu hơn cho nhân sự sale và đẩy mạnh kênh GT, mặc dù thương hiệu của mình lúc đó còn mới. Ngoài ra mình mở thêm nhà hàng ở ngay trung tâm thành phố lớn; mua nhà nghỉ trên núi để phát triển mảng du lịch; mua đất ven thành phố… Các bạn đã biết là thời khủng hoảng người tiêu dùng giảm tần suất đi quán, giảm đi du lịch. Hàng trên kệ đột nhiên không bán được ngay cả khi mình khuyến mại giảm dưới giá thành. Đơn giản các sản phẩm đó vẫn lạ so với người tiêu dùng và đắt hơn các sản phẩm cùng loại (vị khác) nhưng sản xuất trong nước.
Và tiền cứ càng ngày càng giảm dần, mình đã phải bán rẻ căn hộ chung cư trong thành phố để đầu tư tiếp tục cho mảng kinh doanh. Và kết cục thất bại chắc các bạn cũng nhìn thấy rõ phải không? Đó là giá phải trả cho sự kiêu căng, ỷ lại mình có nhiều tiền và nhiều kinh nghiệm (nhưng áp dụng máy móc nên sai).
Bây giờ mình luôn nói với các bạn khởi nghiệp, ban đầu hãy thận trọng, hãy tiết kiệm, làm từ từ, đừng vội. Cho dù bạn nhiều tiền hay ít tiền, mình nghĩ khởi nghiệp cũng như nhau hết, vì vậy nếu vội vàng, nếu không tiết kiệm thì khả năng thất bại rất cao và càng nhiều tiền thì thất bại càng nặng. Mình đã gặp trường hợp khởi nghiệp mà thất bại, nợ nần cả vài trăm tỷ.
Vậy nhé, các bạn hãy tính toán thật kỹ khi khởi nghiệp. Đừng mắc lại các sai lầm mà mình đã mắc phải.
Vì khởi nghiệp là hành trình chứ không phải đích đến.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận