Cập nhật 19h ngày 23/4: 35.000 người nhiễm Covid-19 ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Nga, Australia có động thái mới với WHO
Trung Quốc thông báo sẽ quyên góp thêm 30 triệu USD cho WHO chống dịch Covid-19, chỉ vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố tạm ngừng tài trợ cho WHO.
Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, Trung Quốc đã quyết định tài trợ thêm 30 triệu USD tiền mặt, ngoài khoản 20 triệu USD trước đó, cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ chống dịch Covid-19 và củng cố hệ thống y tế của các nước đang phát triển.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho Chính phủ tạm ngừng tài trợ cho WHO do cái mà ông gọi là "sự bất hợp lý" trong cách thức giải quyết đại dịch của tổ chức này. Tổng thống Trump cho biết, WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm". Ông Trump cũng cáo buộc WHO che giấu tính nghiêm trọng của dịch bệnh khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc trước khi dịch bệnh lây lan rộng hơn.
Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tổng thống Trump cho biết, Washington đã cung cấp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này khoảng 400-500 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO, trong khi Trung Quốc đóng góp khoảng 40 triệu USD mỗi năm hoặc thậm chí ít hơn.
Trong một diễn biến khác, ngày 23/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi nên để WHO có quyền tương tự như các quan sát viên vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ), cho phép các chuyên gia của WHO đến các quốc gia có dịch bệnh để hỗ trợ ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Theo Thủ tướng Morrison, các quốc gia thành viên WHO nên được yêu cầu cho phép các quan sát viên y tế độc lập đến để điều tra về các đợt bùng phát dịch bệnh mới như một điều kiện của quốc gia thành viên. Ông Morrison cho rằng, việc cho phép các quan chức của WHO được huy động nhanh chóng và thực hiện các đánh giá như các quan sát viên vũ khí có thể giúp cứu sống nhiều người. Ông Morrison nhấn mạnh thêm rằng, quốc gia nào muốn trở thành thành viên của một tổ chức như WHO, nước đó cần phải có nghĩa vụ và trách nhiệm kèm theo là cho phép quan sát viên y tế đến điều tra.
Trong khi đó, ngày hôm nay, Vụ phó Vụ phát triển chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Pavel Knyazev tuyên bố, định dạng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang bị suy yếu đáng kể do những bất đồng về phản ứng của WHO trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, khi mà một số nhà lãnh đạo ban đầu cam kết hỗ trợ đầy đủ cho WHO, song sau đó lại đưa ra những tuyên bố trái ngược.
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói: "Tôi nghĩ khái niệm G7 như một diễn đàn và định dạng đang bị suy yếu đáng kể do cuộc thảo luận xoay quanh WHO. Quyết định đã được 7 nhà lãnh đạo tuyên bố 'hỗ trợ đầy đủ cho WHO' phối hợp, chấp thuận, thông qua và tái khẳng định. Tuy nhiên, sau đó, những nhà lãnh đạo đó lại liên lạc với truyền thông và nói những lời trái ngược. Một số ủng hộ, một vài người lại tránh né câu hỏi một cách thận trọng, trong khi một số người lại chỉ trích mạnh mẽ".
* Điểm lại tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày hôm nay, Reuters cho biết, Đông Nam Á ghi nhận 35.000 ca nhiễm, trong đó 1.271 người tử vong, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất khu vực.
Hôm nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt Indonesia (DJBC) Heru Pambudi cho biết, tính đến ngày 19/4, các cơ quan chức năng đã nhập khẩu các loại hàng hóa để xử lý đại dịch Covid-19 lên tới 777,59 tỷ Rupiah (khoảng 52 triệu USD). Phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Heru Pambudi, các mặt hàng được nhập khẩu chủ yếu qua đường hàng không, bao gồm khẩu trang y tế, bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, bộ bảo vệ cá nhân (PPE), thuốc… Khoảng 63,17% hàng hóa này đến từ Trung Quốc; 8,18% từ Hong Kong (Trung Quốc); 4,69% từ Singapore; 4,79% từ Nhật Bản và 1,64% từ các quốc gia khác.
Có đến 98,08% tổng giá trị hàng nhập khẩu thiết bị y tế và thuốc đã được nới lỏng thuế nhập khẩu và các khoản khác theo yêu cầu của Chính phủ như miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh thu đối với hàng xa xỉ… Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng đã miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho khoảng 52 triệu lít cồn ethyl để sử dụng sản xuất nước rửa tay, thuốc sát trùng.
* Ngày 23/4, Malaysia ghi nhận thêm 71 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 5.603 người. Bộ Y tế Malaysia cũng thông báo thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 tại nước này lên 95 người.
* Tại châu Âu, Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 23/4 thông báo có thêm 440 ca tử vong do mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 22.157 người. Đây là mức tăng nhẹ so với con số tử vong 435 của 1 ngày trước.
Theo con số thống kê của Bộ trên, tính đến thời điểm này, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha đã tăng lên 213.024 người, từ mức 208.389 của 1 ngày trước.
* Sáng 23/4 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu đầu tiên của Chính phủ về cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, mô tả cuộc khủng hoảng này là ‘thử thách lớn nhất” kể từ khi thành lập Cộng hòa LB. Đức.
Trong phát biểu, Thủ tướng Đức cũng đã đề cập tới những hạn chế trong đời sống xã hội, những tác động của vấn đề này đối với sức khỏe của người dân và sự gắn kết xã hội ở châu Âu. Đồng thời, Thủ tướng Merkel cảnh báo Đức hiện đang ở “giai đoạn đầu” của dịch bệnh và tình hình sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài. Người dân vẫn cần duy trì sự thận trọng và hạn chế tiếp xúc xã hội lâu dài để đề phòng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, cần cẩn trọng thực hiện việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để tránh nguy cơ đại dịch tái bùng phát.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác tại châu Âu và LHQ trong phòng chống dịch bệnh. Bà khẳng định, cho dù Mỹ quyết định cắt giảm tài trợ cho WHO, nhưng Đức vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ tổ chức này thực hiện các nhiệm vụ của họ, do "WHO là đối tác không thể thiếu”.
Cùng ngày, giới chức thành phố Rostock thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern thông báo, thành phố miền Bắc nước Đức này có thể là thành phố đầu tiên trên cả nước không còn bệnh nhân mắc Covid-19. Theo đó, bệnh nhân cuối cùng nhiễm Covid-19 trong tổng số 75 ca mắc bệnh tại thành phố 200.000 dân này đã bình phục và được rời khỏi khu cách ly.
* Chính phủ Romania ngày 23/4 thông báo, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã lên tới 10.096 người, sau khi xác nhận có thêm 386 ca mắc bệnh mới. Thông báo cho biết thêm Romania cũng ghi nhận tổng cộng 527 ca tử vong và 2.478 bệnh nhân bình phục.
Quốc gia thuộc Liên minh châu Âu này đã ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp hôm 16/3 và kéo dài hiệu lực của lệnh này tới ngày 15/5. Trong thời gian đó, người dân Romania chỉ được đi làm và ra ngoài mua lương thực, thuốc men ở gần nhà và đều phải có giấy phép.
* Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 23/4, quốc gia Hồi giáo đã ghi nhận thêm 1.030 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 87.026 người.
Người đứng đầu Trung tâm các mối quan hệ công và thông tin thuộc Bộ Y tế cho biết, Iran xác nhận thêm 90 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 5.481.
* Trong khi đó, cùng ngày, Israel thông báo thêm 94 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 14.592 người, trong đó số ca tử vong tăng từ 189 lên 191 người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận