Cập nhật 14h ngày 29/3: Hơn 5.000 ca mắc Covid-19 tại Hàn Quốc đã khỏi, Mỹ có ca tử vong đầu tiên dưới 1 tuổi, Campuchia thắt chặt nhập cảnh
Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh tại Hàn Quốc tăng đều từng ngày trong khi số ca nhiễm từ nước ngoài vẫn đang tăng.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới 0h ngày 29/3, với 105 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã lên 9.583 người (gồm 5.784 nữ và 3.799 nam). Số ca tử vong là 155 (thêm 11 trường hợp mới), chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 80) và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 222, nâng tổng số lên 5.033 người, chiếm 52,5%.
Tính đến ngày 29/3 Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 369.530 người (kể từ ngày 20/1) tăng 7.647 trường hợp; hiện có 4.398 ca đang được cách ly điều trị (giảm 125 người) và 15.028 người tiếp tục phải theo dõi (giảm 1.536 ca). Số ca nhiễm mới phát hiện qua công tác kiểm dịch tại sân bay tăng thêm 21 ca (chiếm 13,8%) nâng tổng số thành 189 ca.
Thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang vẫn có số ca nhiễm bệnh chiếm 82,4% số ca nhiễm trên cả nước. Trong số 105 ca nhiễm mới, thành phố Daegu đứng đầu với 23 ca (nâng tổng số ca nhiễm ở thành phố này lên 6.610 người), thành phố Seoul đứng thứ hai với 20 ca mới nâng tổng số ca nhiễm lên 410; tỉnh Gyeonggi đứng thứ ba với 15 ca mới (lên 448). Riêng 20 ca nhiễm mới phát hiện ở thủ đô Seoul (quận Guro) chủ yếu là mục sư và tín đồ của Nhà thờ Tin lành Manmin (một trong những nhà thờ lớn nhất của Hàn Quốc) và cũng là một ổ dịch mới phát hiện ở khu vực này trong ngày 28/3 vừa qua.
Trong nỗ lực quyết tâm dập dịch Covid-19 trước thềm lễ khai giảng năm học mới (dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới) Chính phủ Hàn Quốc tăng cường biện pháp “giãn cách xã hội”, hạn chế tối đa các hoạt động tập thể, sinh hoạt tôn giáo, các dịch vụ vui chơi giải trí... cho đến ngày 5/4.
* Ngày 29/3, Campuchia ghi nhận thêm một ca nhiễm mới virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 103 người, trong khi Campuchia chuẩn bị thắt chặt yêu cầu nhập cảnh cho công dân nước ngoài nhằm tránh virus lây lan.
Theo Bộ Y tế Campuchia, ca nhiễm mới SARS-CoV-2 là một phụ nữ 30 tuổi, làm việc trong một quán karaoke tại tỉnh Banteay Meanchey ở Tây Bắc nước này. Hiện có tổng cộng 21 bệnh nhân đã hồi phục kể từ tháng 1.
Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 28/3 cho biết đã hủy dịch vụ cấp thị thực tại chỗ cho công dân nước ngoài trong vòng một tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3 nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Các công dân nước ngoài muốn tới Campuchia cần phải xin cấp thị thực trước ở nước ngoài và phải có giấy chứng nhận y tế không dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, những người này cũng phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá ít nhất 50.000 USD.
* Giới chức Mỹ ngày 28/3 thông báo về một ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp Ccovid-19 hiếm gặp, đó là một bệnh nhi dưới 1 tuổi, có kết quả dương với với virus SARS-CoV-2. Đây cũng là ca bệnh tử vong ở độ tuổi nhũ nhi đầu tiên tại Mỹ.
Theo Thống đốc bang Illinois, JB Pritzker, ca tử vong này nằm trong số ca tử vong liên quan đến những ca mới nhiễm trong 24 giờ qua. Bộ Y tế bang Illinois cho biết bệnh nhi tử vong tại Chicago, dưới 1 tuổi. Hiện cơ quan chức năng nước này đang điều tra xác định nguyên nhân tử vong của nhũ nhi này.
Hiện chưa rõ đây có phải là tử vong do Covid-19 nhỏ tuổi nhất trên thế giới hay không bởi tuổi của ca tử vong nói trên chưa được công bố. Ngày 18/3, tạp chí y học ở New England đưa tin một nhũ nhi 10 tháng tuổi tại Trung Quốc đã tử vong do mắc Covid-19. Thông tin cho biết em bé này đã tử vong sau 4 tuần nhập viện điều trị tại thành phố Vũ Hán - tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc.
Tuần trước, Mỹ cũng đã ghi nhận 1 ca tử vong ở độ tuổi thiếu niên, trong khi Pháp thông báo về ca tử vong do virus SARS-CoV-2 là một bé gái 16 tuổi.
Các số liệu báo cáo y tế cho đến nay đều cho thấy phần lớn các ca tử vong là Covid-19 đều là người cao tuổi, có bệnh nền.
* Ngày 28/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỷ Euro (5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Conte nêu rõ chính phủ sẽ dành 4,3 tỷ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Italy Il Sole 24 Ore, ông Conte hối thúc Liên minh châu Âu (EU) triển khai một loại “trái phiếu phục hồi” nhằm hỗ trợ đối phó với dịch bệnh Covid-19. Ông Conte cho rằng EU cần có một công cụ nợ chung để thúc đẩy kế hoạch phục hồi và tái đầu tư nhằm hỗ trợ nền kinh tế của toàn khu vực.
Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5/3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3/4 tới.
Những thông báo trên được đưa ra sau khi giới chức y tế Italy thông báo thêm 889 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên tới 10.023 người kể từ khi dịch bùng phát tại đây ngày 21/2. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh tại Italy đã tăng thêm 6.000 ca lên 92.472 ca, chỉ xếp sau Mỹ - nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới.
* Tại Tây Ban Nha - ổ dịch lớn thứ hai của châu Âu sau Italy, Thủ tướng nước này Pedro Sanchez cùng ngày 28/3 thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Biện pháp trên dự kiến được thông qua tại cuộc họp nội các Tây Ban Nha trong ngày 29/3, và sẽ có hiệu lực từ ngày 30/3 - 9/4.
* Tại Czech, kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 12/3 để ứng phó với Covid-19, song song với việc triển khai các biện pháp để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Czech cũng triển khai các biện pháp nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Để đảm bảo tăng chi cho công tác khống chế dịch bệnh Covid-19 song vẫn đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính trong nước, Chính phủ Czech điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo hướng tăng thâm hụt ngân sách nhà nước và giảm lãi suất ngân hàng.
Để đảm bảo tự chủ về an ninh lương thực, Chính phủ nước này cũng thông qua Chương trình phát triển nông thôn, với tổng số vốn 3,3 tỷ Korun để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, lâm nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận