Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hơn 26.600 tỷ được loạt doanh nghiệp lớn 'để mắt' sẽ sớm khởi công
Hàng loạt "ông lớn" như Vingroup, Techcombank, SCIC đều "để mắt" tới tuyến cao tốc này...
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh thủ tục và hướng dẫn các nhà đầu tư để sớm khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức PPP, hoàn thành trong năm 2025. Hiện hàng loạt "ông lớn" như Vingroup, Techcombank, SCIC đều "để mắt" tới tuyến cao tốc này...
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 166 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 140 km được quy hoạch với quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100 km/h. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Đắk Nông có tổng chiều dài 37,7 km, chạy qua địa bàn TP Gia Nghĩa và huyện Đắk R'Lấp.
Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Khi đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội giúp kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP HCM, tạo động lực để Đắk Nông và Bình Phước phát triển nhanh, bền vững.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, ngân hàng, nhà đầu tư và các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Giao thông vận tải, Thủ tướng cho rằng, việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) là khả quan, phù hợp với chủ trương đa dạng nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế.
Thủ tướng lưu ý, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự để triển khai dự án nhanh nhất, rẻ nhất, chất lượng tốt nhất.
Về cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông thực hiện xin ý kiến HĐND tỉnh về việc thực hiện dự án, trách nhiệm chi trả từ nguồn ngân sách của địa phương và thống nhất với Bộ Giao thông vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo phương thức PPP theo đúng quy định tại Nghị định số 35 của Chính phủ.
"Bộ Giao thông vận tải có báo cáo chính thức về phương án đầu tư theo chỉ đạo, trình Thủ tướng trước ngày 10/6. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải kịp thời giải quyết kiến nghị và hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm, bảo đảm đẩy nhanh thủ tục để dự án có thể khởi công trong thời gian sớm nhất, hoàn thành trong năm 2025", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. |
Về sơ bộ nguồn vốn triển khai dự án, Thủ tướng đánh giá cao cam kết của tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông trong việc bố trí ngân sách địa phương cho dự án, trong đó, Bình Phước cân đối 3.000 tỷ đồng, Đắk Nông cân đối 1.000 tỷ đồng.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cân đối các nguồn vốn ngân sách trung ương để hỗ trợ, bảo đảm tổng số vốn nhà nước tham gia dự án, gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, không quá 50% tổng mức đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Phần còn lại, nhà đầu tư và ngân hàng chịu trách nhiệm thu xếp theo quy định.
Bên cạnh đó, “UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND TP HCM và UBND tỉnh Bình Phước sớm triển khai dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo đúng tiến độ để bảo đảm thông tuyến từ Đắk Nông đi TP HCM tạo liên kết vùng, làm động lực cho phát triển vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và TP HCM”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ giải quyết nhanh các thủ tục triển khai dự án theo quy định; giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này theo phương thức PPP. Liên danh Tập đoàn Vingroup – ngân hàng Techcombank sẽ nộp đề xuất dự án trước ngày 31/8.
Ngoài Vingroup – Techcombank, hiện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đang bắt tay nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc theo hình thức PPP.
Hiện tỉnh Bình Phước có ý kiến về việc điều chỉnh hướng tuyến, qua đó rút ngắn chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Bình Phước và giảm chi phí đầu tư cho đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Phước từ 14.067 tỷ đồng xuống còn 11.750 tỷ đồng. Theo phương án hướng tuyến do tỉnh Bình Phước đề xuất, tống mức đầu tư toàn dự án giảm 1.917 tỷ đồng xuống còn 26.631 tỷ đồng. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận