Cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc gia tăng do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc
Trong Báo cáo đánh giá triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cho biết, dự báo xu hướng thế giới trong thời gian tới là: tiêu dùng, thương mại và xu thế phát triển mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số.
Sự thay đổi về trật tự, vai trò, vị trí của các quốc gia trong quan hệ đối ngoại và thay đổi khoảng cách phát triển giữa các nước, từ đó ảnh hưởng tới dòng đầu tư, thương mại giữa các quốc gia; thay đổi khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.
Đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến các quan điểm giữa toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập với chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ, biệt lập; vấn đề biên giới và chủ quyền sẽ được chú trọng hơn trong quan hệ kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các quốc gia sẽ tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, làm thay đổi thương mại toàn cầu. Các chuyên gia quốc tế nhận định COVID-19 sẽ không làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào Trung Quốc do nước này vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh đáng kể trong nhiều lĩnh vực như sản xuất điện tử, máy móc và thiết bị.
Niềm tin người dân, cộng đồng, doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn, sức khỏe cộng đồng được đặt lên trước, cao hơn quyền tự do cá nhân. Sự thay đổi, nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất, kinh doanh và tình hình mới.
Báo cáo cũng đưa ra dự báo một số xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch COVID-19 và đã được đánh giá cao; quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng như: nhiều mặt hàng của Việt Nam gồm trang thiết bị y tế, gạo, nông sản... đã tìm được cơ hội để thâm nhập vào các thị trường mới; Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn,...
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng có tác động gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác chính trong thời gian tới, đặc biệt là những nước đang chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19 như Mỹ và châu Âu.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam và căng thẳng biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên biển Đông.
Tăng trưởng GDP năm 2020 cao nhất là 5,4%
Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020.
Kịch bản 1: Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020, các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng kiểm soát dịch trong quý 3/2020, GDP Việt Nam dự kiến tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.
Kịch bản 2: Các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam kiểm soát dịch trong quý 4/2020, GDP dự kiến tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.
Chính phủ cho rằng yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận