Cạnh tranh dịch vụ chứng khoán sẽ khác
Bức tranh thị phần chuyển dịch mạnh mẽ vào những công ty có nguồn lực tài chính, chi phí vốn thấp, tiện ích công nghệ hiện đại, sản phẩm và tư vấn chất lượng…
Bức tranh thị phần môi giới có sự thay đổi rõ rệt trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, khi xuất hiện những tên tuổi là công ty chứng khoán (CTCK) ngoại nhiều hơn như Mirae Asset Việt Nam, KIS Việt Nam, MBKE, KBSV…
Miếng bánh thị phần cũng được phân chia nhiều hơn, thay vì tập trung vào các ông lớn trong ngành như cả thập niên trước.
Tính đến cuối năm 2019, Top 10 thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE chiếm 62,6% thị phần giá trị giao dịch toàn ngành, tỷ trọng này giảm mạnh so với con số 70% năm 2018. Xu hướng này được định hình rõ hơn trong nửa đầu năm 2020.
Trong mô hình hoạt động của các CTCK trên thế giới, môi giới (luôn song hành là mảng cho vay giao dịch ký quỹ - margin) là mảng cốt lõi, trụ cột của nhiều công ty, đặc biệt là các thị trường như Việt Nam - tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm đến hơn 80%.
Mặt khác, ở các mô hình lấy mảng ngân hàng đầu tư (IB) làm trọng tâm, hoặc ở mô hình “nâng cấp” của hoạt động tư vấn khách hàng cá nhân thì lại có những rào cản không dễ để tham gia, đặc biệt vấn đề đội ngũ chất lượng, chi phí duy trì đội ngũ và công việc cho đội ngũ, tiềm lực tài chính và tổng hòa thêm nhiều yếu tố khác như mạng lưới đối tác, khách hàng cả trong và ngoài nước.
Hay nói cách khác, ở mô hình này, cần có thời gian xây dựng và cải tiến hàng năm, từ đó tích lũy được lợi thế cạnh tranh. Ðó cũng là lý do chính mà các công ty đầu ngành như SSI, HSC, VCSC vẫn định vị được vị thế hàng đầu trong suốt lịch sử hoạt động.
Trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của CTCK, môi giới - margin chiếm đến 60 - 70% nên sức nóng cạnh tranh trên mặt này luôn khốc liệt. Sự gia nhập của các công ty ngoại đến từ Hàn Quốc, Ðài Loan, Nhật Bản… trong vài năm gần đây với dòng vốn giá rẻ dồi dào đã làm “chao đảo” khối CTCK nội, đặc biệt ở những công ty quy mô vừa và nhỏ không có động lực đổi mới bị tác động tiêu cực hơn.
Ðó là chưa kể đến việc từ năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam bỏ giới hạn sàn phí giao dịch, nên câu chuyện cạnh tranh trong ngành chứng khoán không chỉ đến từ cạnh tranh trong hoạt động cho vay margin, mà còn đối mặt với cuộc đua giảm phí giao dịch.
Trước bối cảnh đó, nhiều CTCK tỏ rõ định hướng chiến lược dựa trên lợi thế cạnh tranh liên tục được củng cố, đồng thời chia sẻ quan điểm trong xu hướng cạnh tranh là không chạy đua cạnh tranh về giá bằng mọi giá, mà tập trung cung cấp thêm tiện ích thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng từ môi giới đến phân tích, tư vấn… để tạo giá trị gia tăng và mang nhiều cơ hội đầu tư sinh lời hơn đến với khách hàng.
Trước đây, vai trò, nhiệm vụ của CTCK chủ yếu là hiểu tâm lý nhà đầu tư, hiểu nhu cầu doanh nghiệp, hiểu cách vận hành của thị trường chứng khoán, phải làm gì, được gì khi tham gia thị trường.
Còn hiện nay, theo ông Bùi Thế Tân, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán - Khách hàng cá nhân, CTCK SSI, khi thị trường chứng khoán phát triển, trở thành kênh huy động vốn, nơi nhà đầu tư giao dịch hàng ngày với thanh khoản lớn, thì vai trò CTCK lại khác, đó là phục vụ nhà đầu tư tốt nhất, kết nối vốn với những cơ hội đầu tư, hay đúng hơn là kết nối nhà đầu tư với các tổ chức phát hành.
Ông Tân cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự tham gia của rất nhiều CTCK, trong đó có không ít công ty ngoại, sự cạnh tranh giữa các công ty rất lớn.
Cạnh tranh về nguồn nhân lực, hệ thống, nền tảng công nghệ, sản phẩm, quy mô vốn…, nhưng tất cả đều nhằm xây dựng lòng tin với nhà đầu tư.
Cạnh tranh về nguồn nhân lực, hệ thống, nền tảng công nghệ, các loại sản phẩm, quy mô vốn…, nhưng tất cả đều nhằm xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư.
Lòng tin ấy trong mỗi giai đoạn có thể được xây dựng dựa trên những tiêu chí khác nhau và tùy khẩu vị đầu tư mà nhà đầu tư lựa chọn những tiêu chí có tính lâu dài hoặc đơn thuần ngắn hạn.
Song, cuối cùng đọng lại phải là những CTCK uy tín, được xây dựng trên những giá trị bền vững mới có thể tạo được sức cạnh tranh lâu dài, đem lại sự an tâm lâu dài cho các nhà đầu tư, mang đến sự thành công cho các thành viên thị trường.
Tại HSC, công ty này đã hình thành định hướng chiến lược, mô hình kinh doanh trong tương lai sau khi nhận thấy mô hình kinh doanh chung đến cuối năm 2018, tạm gọi là phong cách kinh doanh truyền thống, đã bão hoà, cạnh trạnh khốc liệt.
Theo chiến lược 5 năm của HSC, 2 mũi nhọn kinh doanh chính là IB và quản lý tài sản (WM). IB có thể tận dụng thế mạnh của Công ty qua dịch vụ phân phối, phân tích, có nguồn vốn để bao tiêu, bảo lãnh phát hành, tạo lập thị trường và tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Về vốn, HSC không có ngân hàng thương mại sau lưng, nhưng có thể tận dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường bởi khả năng tiếp cận nguồn vốn nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tổ chức trên thế giới và có mạng lưới phân phối sâu rộng để đưa vốn về TTCK Việt Nam, bên cạnh đó là khả năng tiếp cận doanh nghiệp cần vốn cổ phần, vốn vay và tạo các sản phẩm để đáp ứng.
Còn WM không phải quản lý quỹ, mà là sự tiến hoá của hoạt động tư vấn khách hàng cá nhân lên mức độ là tư vấn để quản lý và nhân lên tài sản của nhà đầu tư hiệu quả.
Từ năm 2019, HSC vừa tư vấn phát hành trái phiếu, vừa bảo lãnh phát hành trái phiếu và phân phối lại cho các nhà đầu tư, thiết kế các sản phẩm phù hợp với khẩu vị của từng nhà đầu tư.
Trong khi đó, VCSC định vị vẫn là CTCK có dịch vụ IB số 1 Việt Nam cho giai đoạn phát triển tiếp theo, mô hình kinh doanh tiếp tục tập trung vào giá trị bền vững với ba trụ cột: IB, tự doanh, môi giới, trong đó IB là nền tảng, các mảng khác hoạt động xoay quanh trục chính này.
Về môi giới, VCSC không theo xu hướng cạnh tranh bằng lãi suất margin, phí giao dịch, mà thông qua hoạt động IB (tư vấn niêm yết, thoái vốn, IPO…) tìm các doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư cho chính mình cũng như chia sẻ các cơ hội đầu tư này với khách hàng, tùy theo khẩu vị rủi ro của từng khách hàng, giúp Công ty xây dựng và phát triển được tệp khách hàng bền vững.
Ở khối CTCK ngoại, nhiều công ty đang cho thấy sự chuẩn bị về việc chiếm lĩnh thị phần, xây dựng đội ngũ nhân sự, mở rộng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch và đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phục vụ nhà đầu tư.
Cụ thể, Yuanta Việt Nam sắp tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng, chiêu mộ nhân tài và có được đội ngũ nhân sự ổn định, với các báo cáo phân tích, khuyến nghị nhanh chóng, đưa ra các ứng dụng hữu ích cho nhà đầu tư.
Tương tự, Mirae Asset được biết đến là công ty tiềm lực về tài chính, dư nợ cho vay margin lớn nhất trên thị trường và đang hút nhân tài với chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Với MAS, công ty này đang xây dựng các hoạt động, chính sách để định vị rõ nét hơn thương hiệu trong lòng khách hàng, cũng như từng bước tiến hành các kế hoạch phát triển mảng IB (bao gồm tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp) và mảng tự doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận