menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Huy Hoàng

Cảnh báo tiếp về rủi ro lạm phát

Dù hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, song nguy cơ lạm phát quay trở lại vẫn có thể xảy ra.

Số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, CPI tháng 4/2021 tiếp tục xu hướng giảm của tháng 3, với mức giảm 0,04% so với tháng trước. Như vậy, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 mới tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Do đây là chỉ số được lấy để tính lạm phát của Việt Nam, nên có thể nói, lạm phát của Việt Nam sau 4 tháng đang ở mức 0,89%, còn cách khá xa so với mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay của Việt Nam.

Đây là mức tăng thấp, nếu so với CPI bình quân 4 tháng những năm gần đây. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2021, CPI bình quân 4 tháng tăng lần lượt là 1,41%; 4,8%; 2,8%; 2,71%; 4,9% và 0,89%.

Tuy vậy, những cảnh báo về rủi ro lạm phát vẫn đang tiếp tục được đưa ra. Dễ thấy nhất là mới đây, Liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định tăng giá xăng dầu. Tuy mức tăng không quá cao, như xăng RON 92 tăng 182 đồng/lít, lên mức 17.988 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 191 đồng/lít, tối đa 19.161 đồng/lít; diesel 0.05S tăng thêm 187 đồng/lít, lên mức 14.328 đồng/lít…, song vẫn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với CPI tháng 5/2021.

“Năm nay, xu hướng là CPI sẽ tăng dần vào dịp cuối năm, chứ không phải giảm dần như năm trước”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.

Quý I/2021, CPI bình quân chỉ tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chỉ sau 1 tháng, con số này đã tăng lên 0,89%.

“Ở thời điểm hiện tại, dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, nhưng rủi ro từ vấn đề này đang tiếp tục tích lũy. Đặc biệt, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh doanh”, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã nói như vậy.

Thực tế, có nhiều yếu tố được cho là sẽ tác động tới giá cả thị trường, tới lạm phát của Việt Nam và toàn cầu. Sự hồi phục của các nền kinh tế, cộng thêm xu hướng cung tiền mạnh ra thị trường thông qua việc triển khai các gói kích thích kinh tế sẽ tác động tới giá cả hàng hóa nói chung. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng này.

Trong khi đó, ở trong nước, việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nới lỏng các chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng được cho là sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường.

Chưa kể, các thông tin gần đây cho biết, giá cả nhiều nguyên vật liệu đầu vào đều tăng giá khá mạnh. Chẳng hạn, giá sắt thép, xi măng tăng 35 - 40%; giá ngô, đậu, cám gạo tăng 20 - 70%; giá học phí đang được nhiều trường đại học xem xét điều chỉnh và tăng mạnh. Đó là còn chưa kể, sức nóng của thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường.

“Giá dầu thế giới và tiêu dùng nội địa cùng gia tăng, dự kiến đẩy tỷ lệ lạm phát lên 3,8% trong năm nay và 4,0% trong năm 2022”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo.

Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tháng 4/2021 đã tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.

Giá các loại mặt hàng trên tăng cao không chỉ ảnh hưởng tới lạm phát, mà còn ảnh hưởng tới sản xuất nói chung của doanh nghiệp. Giá đầu vào tăng sẽ khiến hiệu quả sản xuất - kinh doanh giảm và đây cũng là điều rất đáng lưu tâm.

Thêm vào đó, còn một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới lạm phát năm nay. Đó là “tranh thủ” lúc lạm phát đang thấp, rất có thể, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tranh thủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, như điện, nước, dịch vụ y tế… để tiệm cận với thị trường. Nếu việc này xảy ra, thì khả năng CPI bị đẩy lên cao là có thể.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế quý I/2021, Tổng cục Thống kê cũng đã đưa ra cảnh báo rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là “không đơn giản”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả