Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liệu có vượt ngoài tầm kiểm soát?
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1-2020 tưởng chừng đã làm lắng dịu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài suốt hai năm. Thế nhưng, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang liên tục vướng vào những tranh cãi liên quan đến dịch Covid-19, mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang dần căng thẳng trở lại.
Hôm 3-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới lo ngại khi đe dọa sẽ kết thúc thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm 200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Đến hôm 6-5, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục cho biết trong khoảng 1-2 tuần tới, ông sẽ có thể thông báo về việc liệu Trung Quốc có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hay không.
Những lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức đã khiến thị trường cảm thấy lo ngại về nguy cơ tái diễn chiến tranh thương mại. Thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, giá dầu cũng sụt giảm mạnh.
Sự lo ngại chỉ phần nào giảm bớt khi Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh, hội đàm trực tuyến vào sáng 8-5 với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô và sức khỏe cộng đồng, đồng thời sẽ phối hợp để tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm thực hiện thỏa thuận thương mại mà hai bên đạt được hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau cuộc nói chuyện đó, Tổng thống Donald Trump tiếp tục khiến tất cả phải hoang mang khi nói: “Hãy nhìn đi! Tôi đang trong một thời kỳ khó khăn với Trung Quốc. Tôi đã đạt được một thỏa thuận thương mại tuyệt vời vài tháng trước khi toàn bộ chuyện này xảy ra”.
Khi được hỏi liệu ông sẽ chấm dứt thỏa thuận này hay không, Trump cho biết ông đang “rất khó lựa chọn” và “vẫn chưa quyết định”. “Không ai khác từng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vì họ không thể làm điều đó và vì Trung Quốc sẽ không làm điều đó. Trung Quốc đã có con đường một chiều để lấy tiền của Mỹ. Chúng tôi đã mất đi 500 tỉ đô la một năm”, ông Trump phát biểu.
Thỏa thuận đạt được hồi tháng 1 yêu cầu Trung Quốc tăng mua số hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá 200 tỉ đô la trong vòng hai năm tới (so với mức của năm 2017), bao gồm 76,7 tỉ đô la trong năm nay và thêm 123,3 tỉ đô la trong năm 2021. Tuy nhiên, tổng lượng hàng hóa Trung Quốc mua từ Mỹ đã giảm 5,6% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Theo phân tích của Công ty dữ liệu thương mại toàn cầu Panjiva, số hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 3 chỉ bằng 44% mục tiêu đặt ra và tình hình có thể tồi tệ hơn do tác động của đại dịch Covid-19. Nếu xét đến việc lượng nhập khẩu trong năm 2019 còn thấp hơn năm 2017, rõ ràng sức ép đối với việc Trung Quốc có thể hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra là rất lớn.
Phát biểu ngày 8-5, người đứng đầu bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, ông Myron Brilliant nêu rõ khi nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở lại bình thường, phía Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đáng kể hoạt động mua các sản phẩm của Mỹ phù hợp với thỏa thuận, đồng thời tiếp tục đưa ra các biện pháp để mở cửa hơn nữa nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết hiện không rõ Trung Quốc có sẵn sàng hoặc có thể thực hiện các cam kết của mình hay không. Một số đơn hàng lớn đã được thực hiện gần đây, như việc Trung Quốc vừa mua sáu tàu đậu nành và hơn 600.000 tấn bắp. Tuy nhiên, những yếu tố bất ổn và nền kinh tế yếu hơn do sự bùng phát của dịch Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các khả năng đáp ứng mục tiêu mua hàng của nước này. Các yếu tố này bao gồm nhu cầu nội địa thấp hơn, chuỗi cung ứng và hậu cần bị tắc nghẽn, cũng như khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của Mỹ sụt giảm.
Tờ South China Morning Post dẫn lời một cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho biết, bản thỏa thuận này đang rất mong manh. Chuyên gia này đồng thời cũng bày tỏ nghi ngờ về việc liệu các công ty nhà nước của Trung Quốc có đủ khả năng thực hiện các cam kết hay không. “Ai sẽ thực hiện việc mua hàng? Ai sẽ thực hiện việc tích trữ? Chính phủ hay các doanh nghiệp? Và rồi liệu hàng hóa có bị để cho hư hỏng trong kho? Đó không phải là cách thức mà các doanh nghiệp sẽ làm?”, người này nói.
Một cố vấn khác của Chính phủ Trung Quốc khẳng định: “Sẽ là không hợp lý khi rút khỏi thỏa thuận, nhưng cần có sự thương lượng lại. Ví dụ như hiện nay, giá dầu thô đã sụt giảm hơn một nửa. Vậy thì chúng tôi có mua bao nhiêu cũng không thể đáp ứng được các cam kết ban đầu”.
Nhiều chuyên gia tin rằng khả năng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vượt ngoài tầm kiểm soát trong thời gian tới là không nhiều. Với Trung Quốc, sau cú sốc từ đại dịch Covid-19, việc tiếp tục rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ là điều nước này đang cố hết sức né tránh. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump hẳn cũng không muốn thỏa thuận thương mại với Trung Quốc - một trong những thành tựu đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ của ông - đột ngột trở thành chướng ngại lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Nhưng việc áp đặt các mức thuế bổ sung vào thời điểm này, giữa lúc đại dịch đang lây lan tại Mỹ cũng như trên toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 20%, sẽ là không thể biện minh cả về mặt kinh tế lẫn chính trị”, ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định.
Một trong những vị cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump là ông Larry Kudlow vẫn đánh giá tích cực về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Ông Kudlow cho biết Bắc Kinh vẫn thể hiện thiện chí đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận.
Bên cạnh các nỗ lực mua hàng, Chính phủ Trung Quốc ngày 7-5 đã hoàn thiện các quy định loại bỏ chế độ hạn ngạch theo hai chương trình đầu tư then chốt, qua đó cho phép các tổ chức nước ngoài đủ tiêu chuẩn được tiếp cận một cách không hạn chế với chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc.
Đây là bước đi mới nhất nhằm mở cửa ngành tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - điều mà phía Washington luôn mong muốn.
Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung Quốc (USCBC), đại diện cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, cũng nhận định rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá sự tuân thủ của Bắc Kinh đối với thỏa thuận, bởi thỏa thuận này mới chỉ có hiệu lực từ hôm 15-2, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra.
“Sẽ rất bất ổn nếu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc mà không cho họ đủ cơ hội để thực hiện các cam kết”, Chủ tịch USCBC Craig Allen phát biểu với CNBC.
Một cố vấn giấu tên của Chính phủ Trung Quốc nhận định: “Bắc Kinh cần duy trì sự liên lạc thường xuyên với Washington. Sự trì hoãn giải quyết các vấn đề không phải là một lựa chọn mang tính thực tế. Thỏa thuận cần được thực hiện theo một mô hình mang tính liên tục. Chúng tôi cần phải đấu tranh cho lợi ích hợp pháp của mình, nhưng đồng thời cũng cần duy trì mối quan hệ, tránh mọi sự xuống cấp không đáng có”.
Nguồn: Bloomberg, CNBC, Politico, SCMP, Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận