Cảng hàng không Vần Đồn là cửa ngõ cho nhà đầu tư quốc tế vào Quảng Ninh
Cảng HKQT Vân Đồn là sân bay quốc tế đầu tiên do Sun Group- một tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tư và hoàn thành “thần tốc” sau hơn hai năm thi công xây dựng.
Gần một năm sau khi đưa vào hoạt động, sân bay này được Giải thưởng Du lịch quốc tế 2019 khu vực Châu Á vinh danh là “Sân mới hàng đầu Châu Á”.
Từ hiện tượng Cảng HKQT Vân Đồn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã có những phân tích bài học thành công của đầu tư tư nhân vào các hạng mục công.
Thưa ông, gần đây, nước Mỹ bắt đầu cho phép doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư các dự án sân bay mới. Nhưng từ trước đó, Việt Nam đã có Cảng HKQT Vân Đồn do Sun Group đầu tư. Ông đánh giá thế nào về tầm nhìn của chính quyền Quảng Ninh trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực đầu tư công?
Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo Quảng Ninh có một tư duy rất mới, đó là dám chấp nhận đầu tư của tư nhân vào các hạng mục công cộng. Theo tôi biết, đây là sân bay đầu tiên của vốn của tư nhân. Theo mô hình này, nếu thành công nó sẽ là tấm gương cho nhiều địa phương khác ở Việt Nam đi theo. Việc hợp tác này sẽ bắt buộc hai bên phải có sự đóng góp về năng lực, quản lý, tài chính.
Tôi đã nhìn thấy nhiều trường hợp trong quá khứ thất bại do chính quyền ở địa phương không chấp nhận những đề xuất từ phía kinh tế tư nhân. Trong khi sáng kiến tư nhân thường nhanh nhẹn, linh hoạt, họ không bị gò bó bất kỳ điều gì trong tư duy sáng tạo.
Ở trường hợp của Cảng HKQT Vân Đồn, tôi thấy có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và địa phương và kết quả đạt được bước đầu rất đáng ghi nhận. Nếu trước đây, lãnh đạo địa phương thường có suy nghĩ “phải có quyền ăn quyền nói” thì tư duy này đã được thay đổi. Họ trân trọng thật sự các doanh nghiệp tư nhân, tạo nhiều điều kiện tốt để mời doanh nghiệp đến đầu tư và chấp nhận sự hợp tác bình đẳng giữa chính quyền và tư nhân.
Sự bắt tay giữa tỉnh Quảng Ninh và Sun Group trong việc phát triển kinh tế đem lại những nguồn lợi nào cho địa phương, thưa ông?
Hiện nay, tư duy “ở đâu có tư nhân nhúng tay vào thì ở đó sẽ làm ăn tốt hơn” đang rất phổ biến. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao sự hợp tác giữa công - tư nếu có lợi cho người dân địa phương và bản thân người dân cảm thấy những sự đầu tư ấy có lợi cho mình thì họ cũng sẽ ủng hộ hết mình.
Như Quảng Ninh, khi thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng Cảng HKQT Vân Đồn sẽ có tác động lan tỏa cho người dân địa phương. Không những đem lại một nguồn lợi về du lịch, mà cảng hàng không còn là cửa ngõ giao thông thuận lợi cho những nhà đầu tư quốc tế muốn đầu tư vào Quảng Ninh.
Họ sẽ rút ngắn được thời gian và thuận lợi về giao thông khi tới địa phương này. Điều này sẽ đóng góp nhiều GDP cho tỉnh, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người ở địa phương này.
Chúng ta biết rằng, phát triển hạ tầng giao thông là cột trụ để phát triển kinh tế. Một nền kinh tế không thể phát triển được nếu hệ thống giao thông lỗi thời, không đầy đủ. Việc đầu tư Cảng HKQT Vân Đồn là điều rất cần thiết, tôi nghĩ rằng lãnh đạo địa phương nên có những kế hoạch cho sự hợp tác công - tư sâu rộng hơn nữa để nâng cấp hạ tầng cơ sở.
Trong tương lai, việc phát triển hạ tầng giao thông cần mạnh mẽ hơn, bởi nếu có chiến lược sẽ thu hút được một lượng lớn du khách, phát triển ngành công nghiệp không khói của địa phương này.
Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đã có những chiến lược đầu tư sâu rộng vào nhiều lĩnh vực như xây dựng hạ tầng giao thông của Quảng Ninh. Ông nhìn nhận thế nào về sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân này?
Có thể nói việc bắt tay giữa tỉnh Quảng Ninh với các doanh nghiệp tư nhân, điển hình như tập đoàn Sun Group để xây dựng Cảng HKQT Vân Đồn là mô hình đáng để các địa phương khác học tập. Sự đồng thuận của lãnh đạo địa phương trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân là một tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược trong sự phát triển kinh tế chung của địa phương.
Rõ ràng, lãnh đạo Quảng Ninh cũng cần sự hỗ trợ từ tiềm lực, từ sáng kiến của các doanh nghiệp tư nhân. Sự hợp tác công - tư này khơi dậy cho sự phát triển dồi dào về kinh tế địa phương trong thời gian tới.
Sở dĩ Quảng Ninh có sự hợp tác công - tư mạnh mẽ hơn so với tỉnh thành khác bởi sự thuận lợi về giao thông. Tiếp nữa, Quảng Ninh có nguồn lực về khoáng sản, kinh tế biển, du lịch... Vì vậy, cần có kế hoạch cụ thể về Cảng HKQT Vân Đồn để nhằm thu hút hơn nữa sự khai thác của các hãng hàng không và hệ sinh thái sân bay.
Mới đây, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được Giải thưởng du lịch thế giới -World Travel Awards khu vực châu Á- châu Đại Dương vinh danh “Sân bay mới hàng đầu châu Á”. Theo ông, giải thưởng có ý nghĩa thế nào trong sự phát triển của kinh tế tư nhân tại địa phương và lĩnh vực hàng không Việt Nam?
Tôi nghĩ chẳng cần nói nhiều chúng ta cũng biết, với một giải thưởng uy tín thế giới trao thì công trình này sẽ được biết nhiều hơn trong lĩnh vực hàng không của Thế giới, tạo điều kiện cho du lịch Quảng Ninh có nhiều bứt phá trong tương lai.
Công trình này sẽ phục vụ cho nhiều chức năng cả dân sự và quân sự và đặc biệt, việc có nhiều đường bay có nghĩa hệ thống hàng không Việt Nam rất phát triển, nó sẽ thu hút nhiều hơn những đầu tư từ nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận