Cảng biển Quảng Nam sẽ có đột phá trong thời gian tới
Với tốc độ phát triển sản xuất và lượng hàng hóa trong thời gian vừa qua, đặc biệt là lượng hàng hóa xuất, nhập qua các cảng biển khu kinh tế mở Chu Lai tăng nhanh....
Ông Trương Hoàn Lạc, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, những năm qua cảng biển khu vực Quảng Nam có sự phát triển vượt bậc về sản lượng hàng hóa. Năm 2021 mặc dù gặp khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng sản lượng hàng hóa khu vực cảng biển Quảng Nam vẫn đạt chỉ tiêu đề ra với hơn 2,5 triệu tấn hàng hóa, bao gồm cả hàng tổng hợp và hàng container. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, cảng biển Quảng Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt với sản lượng đạt trên 702.820 tấn; trong đó: hàng xuất khẩu: 144.050 tấn; hàng nhập khẩu: 86.847 tấn, hàng nội địa: 471.923 tấn.
Cũng theo ông Trương Hoàn Lạc, với tốc độ phát triển sản xuất và lượng hàng hóa trong thời gian vừa qua, đặc biệt là lượng hàng hóa xuất, nhập qua các cảng biển khu kinh tế mở Chu Lai tăng nhanh, nhiều nhất là thiết bị máy móc, linh kiện và các thiết bị phục vụ cho các dự án, các công trình của khu kinh tế. Vì thế, năm 2022, dự báo lượng hàng hóa qua cảng khu vực Quảng Nam sẽ đạt trên 4 triệu tấn, đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa qua khu vưc Quảng Nam sẽ đạt 13-16 triệu tấn.
"Lý do đưa ra dự báo lượng hàng hóa qua khu vực cảng biển Quảng Nam sẽ tăng trưởng bứt phá là do thời gian tới sẽ có nhiều dự án được các doanh nghiệp khai thác cảng đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cầu cảng, để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào các bến cảng ở Chu Lai. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đang xây dựng đề án kêu gọi đầu tư Dự án tuyến luồng Cửa Lở 5 vạn tấn gắn với Khu phi thuế quan Tam Hòa và bến cảng container 5 vạn tấn Tam Hiệp", ông Trương Hoàn Lạc cho hay.
Đánh giá về khả năng kết nối với các phương thức vận tải, ông Trương Hoàn Lạc khẳng định, Quảng Nam với nhiều lợi thế khi có đầy đủ các loại hình giao thông (sân bay, đường bộ cao tốc, đường sắt, đường biển). Hạ tầng giao thông kết nối là khá đồng bộ, nhiệm vụ hiện nay là khơi thông tiềm năng của địa phương để phát triển cảng biển tương xứng.
Liên quan đến Dự án tuyến luồng Cửa Lở 5 vạn tấn gắn với khu phi thuế quan Tam Hòa và bến cảng container 5 vạn tấn Tam Hiệp, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong thông báo số 76/TB-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương để Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) hỗ trợ đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án này.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép lập Báo cáo đề xuất đầu tư dự án Đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác luồng tàu 5 vạn tấn gắn với khu cảng 5 vạn tấn Tam Hiệp và khu phi thuế quan, cảng Tam Hòa.
Chia sẻ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải tại địa bàn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam Trương Hoàn Lạc cho hay, hiện đơn đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại vùng nước cảng biển Kỳ Hà; trong đó có bến cảng Chu Lai.
Trong những năm qua, cảng vụ đã thực hiện tốt chức năng tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch ngành với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh.
Song song với đó, tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc khai thác cơ chế một cửa quốc gia, ứng dụng công nghệ, thực hiện ký số giấy phép điện tử cho tàu thuyền cập hoặc rời cảng.
Hiện nay Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam đang triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với hầu hết thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng biển.
Theo đó, thời gian giải quyết thủ tục rút từ 1 h trước đây xuống còn 15-30 phút. Tỷ lệ giải quyết thủ tục điện tử đạt 98%, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của doanh nghiệp. Điều này tạo đà cho hoạt động hàng hải tại khu vực phát triển, phù hợp với yêu cầu của Công ước quốc tế; được các đại lý hàng hải, hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hải đánh giá cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Quảng Nam.
Đặc biệt, Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam cho biết, đơn vị luôn xác định đổi mới, tạo môi trường làm việc thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Từ đó, đã có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương, Cục Hàng hải Việt Nam và tỉnh Quảng Nam; kiện toàn bộ máy tổ chức, đổi mới quản lý và điều hành.
Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, với lợi thế sở hữu hơn 100km đường bờ biển, Quảng Nam được Bộ Giao thông Vận tải xác định là trung tâm cảng biển quan trọng tại khu vực miền Trung. Mặc dù mới được thành lập từ năm 2011, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển, Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành; tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động cảng biển Quảng Nam trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế dịch vụ.
Về đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam chia sẻ, xác định việc phát triển kinh tế biển phải gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Do vậy, việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường luôn được đơn vị hết sức chú trọng. Theo đó, cảng vụ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tập trung vào nâng cao chất lượng kiểm tra tàu biển đến cảng.
Thông tin về triển khai quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Trương Hoàn Lạc cho biết, tại quy hoạch này đã xác định cảng biển Quảng Nam (Cảng Chu Lai) thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (Thilogi) là một trong 15 cảng biển của cả nước được quy hoạch từ cảng biển loại 2 (cảng tổng hợp địa phương) thành cảng biển loại I (cảng quốc gia, đầu mối khu vực).
Để phát triển cảng Chu Lai tương xứng với quy mô, sản lượng khai thác hàng hóa của cảng biển loại I, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán khảo sát, lập quy hoạch phát triển cảng biển Chu Lai định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai trở thành một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương trong nước và quốc tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; là cửa ngõ kết nối ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Ông Trương Hoàn Lạc, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Nam thông tin thêm, trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành nâng cấp tuyến luồng vào cảng Chu Lai từ độ sâu -8.1m lên -10m, đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng lớn. Điều này sẽ góp phần phát triển hài hòa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy…; kết hợp giữa phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện và các loại hình vận tải một cách hiệu quả./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận