24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cẩn trọng vay vốn siêu tốc từ mạng xã hội

Gần đây, qua theo dõi thông tin trên mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok… phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phát hiện một số trang web, các ứng dụng (app) và nhiều trang tin, đường link giả mạo được sử dụng nhằm mục đích lừa đảo lấy thông tin định danh của khách hàng...

Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao qua mạng internet cũng diễn ra ngày càng phức tạp với các thủ đoạn hết sức tinh vi như giả danh cán bộ của cơ quan tư pháp, nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu chuyển tiền, hoặc gửi tin nhắn báo nhận quà khuyến mại thông qua các dịch vụ chuyển tiền quốc tế như Western Union, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về tại sân bay.

Đặc biệt, các đối tượng công nghệ cao thiết kế giả mạo các ứng dụng, fanpage, các hình ảnh thông báo chuyển tiền thành công trên ứng dụng E - mobile banking nhằm lừa đảo khách hàng. Hiện tượng này đã và đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự trong hoạt động ngân hàng, an ninh tài chính tiền tệ.

Hình thức phổ biến thông qua các trang mạng chính là giả mạo website, fanpage của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, và các ứng dụng mobile banking để quảng cáo tiếp cận người vay trực tuyến với mục đích mời chào cho vay tín chấp với hình thức siêu nhanh, lãi suất siêu rẻ, nhưng thực chất là tín dụng đen trá hình. Nếu khách hàng, người dân có nhu cầu vay vốn không tỉnh táo, rất dễ sập bẫy trước những hình thức lừa đảo, lợi dụng uy tín, thương hiệu của các ngân hàng có uy tín trên thị trường.

Cẩn trọng vay vốn siêu tốc từ mạng xã hội
Ảnh chụp từ clip quảng cáo vay vốn nhanh trên mạng xã hội giả mạo thương hiệu Techcombank. Techcombank khẳng định, ngân hàng không có dịch vụ cho vay tín chấp qua mạng xã hội

Thủ đoạn của những kẻ giả mạo này là sử dụng hình ảnh, video, clip có cảnh nhân viên tín dụng mặc đồng phục có gắn logo của ngân hàng đang ngồi tại quầy, thực hiện các thao tác nghiệp vụ như thu ngân, giải quyết thủ tục giấy tờ cho vay vốn… gắn liền với nơi làm việc, trụ sở chính của các ngân hàng và những dòng chữ quảng bá cho việc vay vốn khá hấp dẫn như “hỗ trợ vay vốn không thu phí trước”. Đặc biệt tất cả những quảng cáo này đều có một điểm chung là người vay chỉ cần thế chấp… CMND. Kèm theo đó là những lời bình luận kiểu “chim mồi” phía dưới như “Em vừa vay được 50 triệu từ ngân hàng này. Thủ tục dễ dàng, nhanh chóng lắm”, hay “Đang lúc khó khăn, gặp được nhân viên ngân hàng tư vấn cho vay vốn vài chục triệu làm ăn mà lãi suất hấp dẫn lắm”… khiến cho người có nhu cầu vay vốn như rơi vào mê hồn trận.

Liên hệ tìm hiểu vấn đề này đối với một số NHTM mà phóng viên thu thập được video sử dụng hình ảnh của ngân hàng, đại diện các ngân hàng đều khẳng định, video phát tán trên trang mạng với những câu chào mời kiểu như vậy không phải là sản phẩm quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm dịch vụ do ngân hàng tạo ra.

Theo đại diện Agribank cho biết, để đối phó với những tội phạm này, Agribank đã tổ chức tập huấn cho cán bộ trong toàn hệ thống nhằm nâng cao nhận thức, phát hiện và ngăn chặn các trang web, app giả mạo. Thực hiện “đấu tranh” chống thông tin xấu độc bằng cách report các nick ảo, app cho vay, trang giả mạo. Thường xuyên đưa ra thông tin cảnh báo cho khách hàng nâng cao khả năng nhận biết và cảnh giác với các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội và các hình thức khác để khách hàng, cộng đồng biết và phòng tránh. Đồng thời, Agribank gửi văn bản đến Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an (A04); Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ thông tin và Truyền thông hỗ trợ, xử lý thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Trong 2 năm qua, Agribank phát hiện và xử lý hơn 3.000 trang Fanpage giả mạo thương hiệu Agribank.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thiết kế maket cảnh báo các hình thức lừa đảo, đăng tải trên website Agribank, Fanpage Agribank, màn hình LCD chân đứng tại sảnh giao dịch và gửi tới các chi nhánh triển khai cảnh báo khách hàng. Phối hợp với các chi nhánh thường xuyên thực hiện cảnh báo trên Fanpage Agribank và Fanpage của Chi nhánh, hướng dẫn các giao dịch viên luôn cảnh giác trước mọi phương thức, hành vi để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo khách hàng như trường hợp giả mạo Agribank E-Mobile Banking đưa ra các chương trình khuyến mại lừa đảo khách hàng trên mạng xã hội…”.

“Nhận thấy những khó khăn mà người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực thành thị gặp phải do đại dịch Covid-19 gây ra, nhằm hỗ trợ người dân giải quyết những vấn đề trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại, đồng thời hạn chế nạn “tín dụng đen”, Agribank dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị. Lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5%/năm đến 7%/năm với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 12 tháng kể từ ngày giải ngân”, đại diện Agribank thông tin thêm.

Trong khi theo thông tin chính thức của Techcombank, ngân hàng cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo đối với khách hàng về hành vi giả mạo, lừa đảo cung cấp khoản vay. Techcombank khẳng định, ngân hàng không có dịch vụ cho vay tín chấp qua mạng xã hội, thực chất đây là quảng cáo giả mạo. Quy trình vay vốn luôn được Techcombank thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với nhân viên để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng để được giải ngân theo quy định.

Trước vấn đề thương hiệu, hình ảnh, uy tín của một số TCTD bị kẻ xấu lợi dụng, giả mạo nhằm mục đích lôi kéo khách hàng vay vốn LS. Bùi Quang Nghiêm, Phó Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng, đây là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm trọng, khi kẻ xấu lợi dụng hình ảnh, uy tín thương hiệu, logo của tổ chức pháp nhân có uy tín để thực hiện mục đích không phù hợp. Theo Điều 226 của Bộ Luật Hình sự, vi phạm này ngoài mức xử phạt lên đến hàng tỷ đồng, còn có thể phạt tù lên đến 3 năm và nếu là tổ chức có thể tước giấy phép hoạt động trong thời hạn 3 năm… Vì vậy, các ngân hàng khi bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh, ngoài việc cảnh báo khách hàng của mình tránh bị mắc lừa, khi phát hiện thấy hành vi vi phạm cần nhanh chóng tố cáo đến các cơ quan hữu quan để sớm ngăn chặn và phòng ngừa hậu quả có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Phụ trách NHNN chi nhánh TP.HCM

Thứ nhất người dân, khách hàng cần lưu ý, chỉ tiếp cận các nguồn thông tin chính thống từ các TCTD. Thường các TCTD có quảng cáo, thông tin chính thống về sản phẩm dịch vụ trên các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc trên các trang web của ngân hàng để thông tin, tư vấn về sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Thứ hai việc cho vay của các TCTD là hoạt động được cấp phép và tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật. Vì vậy hoạt động chuyên nghiệp, cho vay và giải ngân cần tuân thủ theo quy định của pháp luật và đảm bảo quy trình thủ tục về cho vay. Trong đó có áp dụng công nghệ để rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng vay ở một số khâu của quy trình cho vay. Vì vậy, không có chuyện giải ngân nhanh, thần tốc và trong ngày như các clip quảng cáo trên tiktok hay các nền tảng mạng xã hội.

Vì vậy người dân, khách hàng cần cẩn trọng để hạn chế rủi ro.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
21.70 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả