Cẩn trọng khi “ôm” nhà tập thể cũ
Mặc dù tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua mới đạt mức 1%, nhưng giao dịch của bất động sản phân khúc này vẫn luôn sôi động với mức giá cao. Nhiều người đã coi đây là một kênh đầu tư để hy vọng khi cải tạo hoặc xây mới, có thể đổi được sang căn hộ đẹp hơn mà vẫn ở vị trí này.
Lập nghiệp ở Hà Nội được một thời gian, vợ chồng anh Luân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để dành được một số vốn khoảng hơn 1 tỷ đồng. Với số tiền này, chắc hẳn anh không thể kiếm được một căn nhà hay căn hộ ở khu vực trung tâm sầm uất. Vì thế, đối tượng anh nhắm đến là căn hộ ở những chung cư cũ hoặc những căn hộ tập thể cũ.
Anh Luân chia sẻ: “Đúng là tôi có thể lựa chọn mua một căn chung cư giá rẻ còn mới, trông sẽ khang trang và sạch sẽ hơn. Nhưng ở chung cư nhìn vậy chứ cũng ẩn chưa nhiều bất tiện như giờ giấc, thời gian bị quản lý, kém thoải mái. Hơn nữa, hàng tháng còn phải phát sinh thêm những khoản phí dịch vụ đi kèm, về lâu dài tính ra lại rất tốn kém. Tôi lựa chọn ở nhà tập thể vì rẻ hơn là một, hai là thoải mái, chủ động trong giờ giấc, ba là với số tiền còn dư, tôi có thể tu sửa lại căn hộ của mình theo ý thích dễ dàng”.
Anh Luân là một trong số nhiều người có mức thu nhập trung bình đã lựa chọn mua nhà ở tập thể cũ. Có thể nói, hiện nay, khi thị trường bất động sản trong nước ngày càng đa dạng, việc giao dịch mua nhà với nhiều nhu cầu khác nhau là điều tất yếu. Bên cạnh những giao dịch mua bán căn hộ chung cư mới, nhà phố, nhà xây lô, biệt thự, nhà dân sinh... thì những căn nhà tập thể vẫn được rao bán khi người dân có nhu cầu nâng cấp hay thay đổi chỗ ở.
Bên cạnh đó, nhiều người mua căn hộ tập thể cho biết ở đây họ không phải mất các khoản phí dịch vụ. Ngoài ra, nhiều người kỳ vọng việc mua căn hộ tập thể cũ sau này sẽ được hưởng mức đền bù hấp dẫn khi có chương trình cải tạo của Nhà nước.
Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hầu hết các khu tập thể có tuổi đời 40 - 50 năm trở lên như Thành Công, Nghĩa Tân, Thanh Xuân… đều nằm ở lõi đô thị, được hưởng sẵn các hạ tầng xã hội, văn hóa, dịch vụ lâu đời của đô thị. Mặt khác, về chủ trương của Nhà nước, đến một ngày nào đó các khu tập thể này sẽ được cải tạo, đập đi xây lại và những cư dân ở đây sẽ được ở nhà mới với hệ số từ 1,5 đến 2 lần diện tích căn hộ cũ.
Cũng chính vì những yếu tố trên, hiện nay vẫn có một nhóm nhỏ nhà đầu tư tham gia thị trường "ôm hàng chung cư cũ" với mục đích chờ đền bù nhà mới, sau đó chờ đợi bán lại hoặc cho thuê với giá trị cao.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo, do vướng mắc trong vấn đề thỏa thuận đền bù với người dân, nên các dự án xây dựng chung cư mới gần như vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 10 năm, mới chỉ có 20 khu tập thể được giải tỏa, chiếm 1% tổng số dự án. Như vậy, Hà Nội cần rất nhiều thời gian để giải quyết 99% dự án còn lại (khoảng 1.500 nhà tập thể cũ).
Do đó, nhà đầu tư khi “lướt sóng” phân khúc nhà tập thể cũ chắc chắn sẽ sống trong cảnh chật vật, chờ đợi đến lượt khu nhà mình được giải tỏa. Đó là chưa kể tới các yếu tố khách quan khác, như quy hoạch thay đổi, cơ chế, chính sách có sự chỉnh sửa. Vì vậy, các chuyên gia bất động sản khuyến cáo, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi quyết định “ôm” nhà tập thể để chờ giải tỏa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận