Cần sử dụng công cụ thuế để ngăn sốt đất
Các chính sách tín dụng ưu ái cho bất động sản thời gian qua là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sốt đất khắp nơi.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy tại hội thảo "Tỉnh táo trong cơn sốt đất", do báo Người Lao Động tổ chức ngày 8-4.
Theo ông Trần Khánh Quang - tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, ngoài các yếu tố như nguồn cung BĐS tại TP.HCM khan hiếm do vướng thủ tục pháp lý, truyền thông "thổi giá", nhà đầu tư có dấu hiệu hưng phấn thái quá..., việc các ngân hàng thương mại ưu tiên rót một lượng vốn lớn vào lĩnh vực BĐS là nguyên nhân chính gây ra các cơn sốt tại nhiều địa phương trong cả nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng nguồn tiền đổ vào BĐS quá lớn, trong đó chủ yếu là nguồn vốn từ các ngân hàng, đã gây ra tình trạng tăng giá, sốt đất khắp các địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nợ xấu bất động sản.
"NH Nhà nước phải siết tín dụng vào bất động sản, chặn cơn sốt đất bằng cơ chế chính sách. Chẳng hạn, có thể giảm tỉ lệ cho vay với mua nhà, mua đất từ 70% giá trị xuống 50% hay thậm chí thấp hơn nữa" - ông Hiển kiến nghị.
Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, có nhiều chính sách mạnh mẽ có thể dập tắt các cơn sốt đất và lành mạnh hóa thị trường bất động sản nhưng lâu nay không được áp dụng. Hệ quả là thị trường bất động sản trở nên nóng, rủi ro và ảnh hưởng không tốt đến các nhà phát triển dự án làm ăn bài bản, lâu dài.
Chẳng hạn, với việc lãi suất được hạ xuống quá thấp, các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao trong bất động sản tạo các cơn sốt, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể ra quy định giảm tiền cho vay xuống 50% giá trị đất, căn hộ. Nếu vẫn còn sốt đất, có thể tiếp tục hạ tỉ lệ này xuống còn 35%.
"Và chính sách đánh thuế tài sản cứ đưa ra bàn rồi lại thôi hàng chục năm rồi, trong khi đây là một công cụ mạnh mẽ và hiệu quả làm ổn định thị trường bất động sản. Đánh thuế căn nhà hay tài sản bất động sảnthứ hai, mua bán trong thời gian càng ngắn thì thuế càng cao và đánh thuế những bất động sản cao khi không đưa vào sử dụng là những giải pháp cần triển khai. Thế nhưng muốn thực hiện các giải pháp này phải đợi Quốc hội làm việc, tốn rất nhiều thời gian" - ông Châu cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận