Cần quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ xăng dầu
Trong đơn kiến nghị khẩn gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, 250 chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết: Một số quy định về kinh doanh xăng dầu đang khiến họ lỗ nặng, kiệt quệ. Tối 4/2, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về một số đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Sửa đổi bất cập để tránh việc “kho có hàng mà không dám bán”
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ xăng để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu, tránh tình trạng “kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ”.
Đồng thời, Bộ Công Thương nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua xăng dầu của các công ty phân phối khác về xăng dầu (ngoài nhà cung cấp đại lý), trừ trường hợp có ràng buộc hợp đồng nhưng khi nhà phân phối hết hàng đại lý được phép mua nhà phân phối khác để bán. Quy định chất lượng xăng dầu sản xuất trong nước phù hợp với xăng dầu nhập khẩu để xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu trong nước cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, công ty nhập khẩu xăng dầu không bị thiệt hại.
“Quan điểm của Bộ Tài chính là sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương - cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ xác định giá và định mức chi phí (bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu). Bộ Tài chính chỉ thực hiện việc thanh, kiểm tra theo đúng quy định”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.
Như vậy, Bộ Công Thương sẽ nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm. Vì vậy, cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.
Trước đó, Bộ Công Thương nhận định: Thị trường xăng dầu có nhiều biến động vừa qua là do nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn. Một trong những nguyên nhân do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh. Về nhận định này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác.
Nguyên nhân theo Bộ Tài chính là giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60 đến 80%, tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở), vì vậy với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, việc thay đổi ngay và căn bản cơ chế cần phải có đánh giá cụ thể để xác định thời điểm, lộ trình phù hợp. Để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá, làm rõ thêm những vấn đề sau: Tình hình thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay; tác động của việc thay đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu, đến việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước; đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và điều hành kinh tế vĩ mô…
“Trong bối cảnh quy mô của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không đồng đều, khi được giao quyền chủ động trong quyết định giá bán lẻ của doanh nghiệp thì cần có các phương án cụ thể về kiểm soát và chế tài để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý. Khi chuyển đổi từ giá cơ sở sang việc công bố 4 yếu tố gồm: Chi phí định mức, thuế, quỹ, lợi nhuận định mức, đề nghị nghiên cứu cơ sở để làm căn cứ tính toán trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG); đồng thời nghiên cứu cơ chế kiểm soát chi phí của các doanh nghiệp để bảo đảm công khai minh bạch, tránh lợi dụng để tăng giá bất hợp lý...Đề nghị Bộ Công Thương đánh giá kỹ vấn đề này để đề xuất phương án cho phù hợp”, đại diện Bộ Tài chính nêu.
Kiến nghị sửa đổi các quy định về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu
Trong hàng trăm đơn kiến nghị khẩn cấp về những bất ổn của thị trường vừa được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi tới Thủ tướng, có đề xuất, được lấy hàng từ 3 nguồn khác nhau như thương nhân phân phối để tránh bị khan và thiếu hàng cục bộ.
Ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hồng Thư nhấn mạnh: “Nếu chỉ cho nhập hàng từ một đầu mối sẽ làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”. Ngoài bất cập về nguồn hàng, các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi các quy định về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu... để đảm bảo tính công bằng, sớm chấm dứt tình trạng "mở bán thì thua lỗ, đóng cửa thì bị cơ quan chức năng xử phạt" trong suốt hơn 1 năm qua.
Theo Công ty TNHH một thành viên Huy Phi Long, từ tháng 9/2021 đến nay, doanh nghiệp này liên tục bị thua lỗ do những quy định bất cập về chiết khấu. Trong năm 2022, công ty chỉ nhận được mức chiết khấu từ 100 - 200 đồng/lít xăng, trong khi đó các chi phí đầu vào để phân phối cao khiến doanh nghiệp lỗ tới nửa tỷ đồng. "Thua lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục hoạt động. Tình trạng này còn tiếp diễn công ty sẽ phải giải thể", ông Huy Phi Phong nêu trong đơn kiến nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng: Trên thị trường xăng dầu đang có sự bất công khi thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Họ được hưởng nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng. Do đó, khi thị trường bất ổn “họ giảm chiết khấu, chén ép đơn vị bán lẻ”. Do vậy Trong Nghị định mới cần có tỷ lệ chiết khấu cố định tối thiểu bằng 5% trên giá bán lẻ theo từng thời điểm cho đại lý bán lẻ trong cơ cấu giá thành cơ sở.
Trong thực tế, theo quy định tại công thức tính giá cơ sở có chi phí kinh doanh định mức đối với mỗi lít xăng dầu (1.000 - 1.250 đồng một lít tùy loại) nhưng nhiều thời điểm, theo các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp đầu mối đã giữ lại toàn bộ số tiền trên, chiết khấu 0 đồng khiến nhiều đơn vị phân phối lỗ nặng trong thời gian qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận