Cần kiểm soát độc quyền tư nhân về nước
Đang có khoảng trống pháp lý về cung cấp nước, về quản lý nguồn nước. Điều này có thể sẽ là mầm mống của những bất ổn xã hội.
Quên trách nhiệm quản lý
Những sự cố nước ở Nhà máy nước sông Đà, hay việc đầu tư của Nhà máy nước sông Đuống là những tiếng chuông báo động tình trạng quản lý hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nói riêng và quản lý nước của Việt Nam nói chung. Tại tọa đàm với chủ đề “An ninh nguồn nước và thị trường nước cạnh tranh”, các chuyên gia cho rằng, nếu không có những thay đổi kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng bởi tăng trưởng sẽ bị kìm hãm do tình trạng thiếu nước; lũ lụt và hạn hán phá hủy sinh kế, môi trường và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nước.
Việt Nam có tới 3.500 dòng sông và có nhiều hồ, nhưng tài nguyên nước ở Việt Nam cũng tiềm tàng các rủi ro. Từ hơn 20 năm trước, Liên hiệp quốc đã cảnh báo về tình trạng nước ngầm đang cạn dần. Hơn thế, hai phần ba tổng lượng nước trên các dòng sông của Việt Nam chảy vào từ bên ngoài lãnh thổ và nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của quốc gia, khiến cho nước trên các dòng sông không chỉ bị ảnh hưởng bởi khí hậu mà sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động của các quốc gia phía thượng nguồn, trung nguồn.
Nghiên cứu về quản trị nước ở Việt Nam do Ban Nước Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhóm Tài nguyên Nước 2030 thực hiện và được công bố mới đây đã cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng “căng thẳng về nước” vào mùa khô năm 2030. “Các thách thức liên quan đến nước sẽ tiếp tục nhân lên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, nghiên cứu này cho biết. Song song với đó, WB cũng đã thực hiện nghiên cứu kinh tế lượng hoá các “chi phí do không hành động” có tên gọi “Những mối đe dọa có liên quan đến nước đối với nền kinh tế Việt Nam”.
Hai nghiên cứu này đã nhấn mạnh: “Việt Nam đang nhanh chóng tiến tới một nước thu nhập trung bình. Để phát triển nhanh chóng nền kinh tế quốc gia thì ngành nước cần phải vượt qua ba thách thức quan trọng: Nâng cao hiệu quả sử dụng nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đồng thời, nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị nước sử dụng; Giảm các mối đe dọa do nước “quá ít, quá nhiều và quá bẩn”; Cải thiện quản trị nước bao gồm cả chính sách, thể chế và tài chính.
Trở lại buổi tọa đàm nói trên, các chuyên gia tỏ ra khá bất bình vì “không có bất cứ cơ quan nào lên tiếng, chịu trách nhiệm về sự cố ô nhiễm nước sông Đà và câu chuyện cạnh tranh giữa nước sông Đà, sông Đuống vừa qua”. Có thể khẳng định nước là hàng hoá không thể thiếu trong cuộc sống người dân, là hạ tầng thiết yếu quốc gia. Thế nhưng điều mà các chuyên gia băn khoăn là ở Việt Nam hiện nay, kinh doanh nước sạch lại nắm trong tay khu vực tư nhân, trong khi quản lý nhà nước đang bị buông lỏng, không kiểm soát được độc quyền tư nhân.
“Trong khi các quốc gia rất coi trọng vấn đề an ninh nguồn nước thì chúng ta đang thả lỏng toàn bộ. Từ lúc giải tán Bộ Thủy lợi, quản lý nguồn nước bị bỏ ngỏ, chỉ quan tâm thu phí. Chúng tôi không biết là đơn vị nào của Chính phủ quản lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Xây dựng? Bộ Nông nghiệp có tham gia không cũng không thể biết”, TS. Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR) phát biểu. Chính vì sự buông lỏng nên mới sinh ra sự cố nước sông Đà như vừa qua.
Người dân bị bắt làm con tin?
Thậm chí theo ông Nguyễn Hoàng Hà - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do tư nhân độc quyền nắm giữ nên giá nước sinh hoạt ở Việt Nam thuộc nhóm các nước đắt đỏ, chỉ sau nhóm ít nước có giá nước đắt đỏ nhất thế giới. Trong khi dù phải trả giá cao, nhưng do độc quyền nên người tiêu dùng phải chấp nhận sử dụng nước không bảo đảm chất lượng và không có quyền lựa chọn nhà cung cấp khác.
TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) cũng bức xúc cho rằng: “Ông” sông Đà báo lãi nhiều quá, một công ty cung cấp hàng hóa thiết yếu mà lãi cao như vậy thì có hợp lý không, chính quyền có phải kiểm soát để hạ giá nước xuống không? Quyền lợi của người dân ở đâu? Vai trò quản lý nhà nước như thế nào? Ai quản?
Mặc dù thừa nhận tình trạng nhiều ao hồ, sông suối bị ô nhiễm đã khiến chi phí xử lý nước bị đẩy lên, thế nhưng nhiều chuyên gia cũng tỏ ra bức xúc khi giá nước phải gánh khá nhiều chi phí bất hợp lý khác. Đơn cử như dư luận gần đây xôn xao việc Nhà máy nước sông Đuống sử dụng đường ống Trung Quốc với chi phí xây dựng cao gấp ba so với nhà máy nước sông Đà.
“Tại sao sông Đuống có chi phí cao mà thành phố vẫn cho họ làm? Mỗi doanh nghiệp sản xuất với một chi phí khác nhau, nhưng tại sao lại chọn đơn vị này mà không phải đơn vị khác? Có doanh nghiệp nào làm tốt hơn không? Tại thời điểm đó, UBND thành phố Hà Nội chọn nhà đầu tư thế nào?”, TS. Nguyễn Đình Cung – thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ băn khoăn đặt vấn đề.
Trong khi TS. Hà Đăng Sơn nhấn mạnh rằng, việc phân phối nước phải theo nguyên tắc cạnh tranh, đấu thầu, nhưng người dân không có thông tin về đấu thầu, mạng lưới quy hoạch thế nào, ai quản lý cái đó? Không có cạnh tranh thì người dân “bị bắt làm con tin”, bởi có sự cố người dân phải hứng chịu, không thể chọn nhà cung cấp khác.
Các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, Nhà nước phải đứng ra quản lý việc cung cấp nước sạch trên nguyên tắc hiệu quả và đảm bảo lợi ích cơ bản giữa các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; phải tính toán như thế nào để các nhà đầu tư bỏ vốn làm, để thu hút tư nhân làm nhưng không phương hại lợi ích Nhà nước và người dân… Đồng thời, cần phải siết chặt quản lý giá nước, chất lượng nước, kiểm soát độc quyền để bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn và trật tự xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận