Cân đối nguồn cát phục vụ các công trình trọng điểm
Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã rà soát, báo cáo UBND tỉnh cân đối nguồn cát phục vụ cho các công trình trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm trong và ngoài tỉnh An Giang đang gặp khó về tiến độ do thiếu hụt vật liệu cát san lấp, xây dựng. Trong khi đó, nguồn cát tại An Giang không chỉ cung cấp cho các công trình trên địa bàn mà còn phục vụ các công trình lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã rà soát, báo cáo UBND tỉnh cân đối nguồn cát phục vụ cho các công trình trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã rà soát, báo cáo UBND tỉnh cân đối nguồn cát phục vụ cho Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 800.000 m3; Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên 1,41 triệu m3; Dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Tỉnh lộ 945) là 220.000 m3; tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp là 2 triệu m3.
Trước đó, ngày 19/10/2022, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký Quyết định số 2562/QĐ-UBND điều chỉnh "Giấy phép khai thác khoáng sản" mỏ cát trên sông Tiền (xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác cung cấp cát cho công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên. UBND tỉnh điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác cát tại khu mỏ trên sông Tiền từ 740.000 m3 lên 1.110.000 m3 phục vụ cho việc khai thác; thời gian khai thác trong 6 tháng.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát nguồn cát để cung cấp cho Dự án thành phần 1 Km0+00 thành phố Châu Đốc đến huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ tại Km57+200 (thuộc Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) khoảng 6.350.000 m3 vào năm 2023. Đồng thời, báo cáo xin ý kiến Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh An Giang hai đề án nạo vét gồm: Đề án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở kết hợp thu hồi khoáng sản (cát sông) theo hình thức xã hội hóa đoạn sông Hậu qua địa bàn 4 phường (gồm Mỹ Long, Mỹ Quý, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh thuộc thành phố Long Xuyên) và các xã Hòa Bình, Hòa An (huyện Chợ Mới); Đề án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Tiền hạn chế sạt lở khu vực đầu cù lao Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới) kết hợp thu hồi cát phục vụ công trình vốn ngân sách Nhà nước.
Trong 9 tháng của năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã tham mưu UBND tỉnh cấp phép mới mỏ cát sông xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân và mỏ cát thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân với tổng công suất 850.000 m3/năm. Đồng thời, Sở tham mưu gia hạn hai khu mỏ cát sông thuộc Dự án chỉnh trị Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên.
Tính đến đầu tháng 10/2022, An Giang có 16 khu mỏ và dự án chỉnh trị do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án đóng cửa ba khu mỏ cát sông do các công ty gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiện Nghĩa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng dịch vụ thương mại Hải Toàn và Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang khai thác.
Địa bàn tỉnh hiện có hai khu mỏ đã đấu giá, đang được đơn vị thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản gồm: Mỏ cát trên sông Hậu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) do Công ty Phúc Thành Tân Châu trúng đấu giá và mỏ đá núi Cô Tô (khu II), thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn đá Hóa An trúng đấu giá.
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết: Tất cả các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông trên địa bàn đều đã lắp đặt thiết bị định vị và giám sát hành trình trên các phương tiện được phép khai thác để theo dõi, giám sát việc khai thác theo đúng ranh giới được cấp phép và thời gian quy định. Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự thảo Quyết định ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu giám sát hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xử lý vi phạm theo quy định; đồng thời, tăng cường công tác quản lý về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã thành lập nhiều đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn. Qua đó cho thấy, các đơn vị được cấp phép khai thác cát sông cơ bản đều chấp hành tốt các quy định như: có biển báo công khai khu vực khai thác; khai thác đúng theo bình đồ được cấp phép; phương tiện khai thác đúng số hiệu, số lượng đăng ký và chấp hành thời gian khai thác; có giám đốc điều hành mỏ; đo đạc bản đồ hiện trạng địa hình đáy sông khu vực mỏ định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác cát sông được các đơn vị trên địa bàn thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Với sự quyết liệt, đồng bộ trong triển khai các giải pháp, An Giang đã kiểm soát toàn diện các hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản cát sông, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận