24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cân đối ngân sách sẽ rất chật vật

Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách nhà nước

Nhiều yếu tố làm giảm thu, tăng chi

Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ Tài chính dự báo, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay sẽ giảm do tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu; hàng loạt chính sách thu NSNN đang được điều chỉnh với mức thu giảm sâu để tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này đang dự kiến với kịch bản tích cực nhất là dịch kết thúc trong quý II/2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, thì thu NSNN ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Trong đó thu ngân sách Trung ương (NSTW) giảm khoảng 100.000-110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng. Trong khi đó, gánh nặng đặt lên NSTW trong năm nay là rất lớn, bởi trong việc bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, NSTW sẽ hỗ trợ những địa phương khó khăn theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. Trường hợp tăng trưởng GDP đạt dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế, thu NSNN sẽ giảm lớn hơn.

Trong điều kiện phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho DN và người dân, thì khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6% GDP (tức là ở mức 5-5,1% GDP). Bộ Tài chính nhấn mạnh, kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi NSNN năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP không đạt mức kế hoạch.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, chi ngân sách năm nay sẽ tăng nhiều hơn, một phần do các khoản chi để phòng, chống dịch bệnh; mặt khác, Chính phủ phải tăng cường đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, cơ quan này dự báo thâm hụt ngân sách năm 2020 sẽ cao hơn so với giai đoạn 2016-2019.

TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) bình luận, con số bội chi ngân sách mà Bộ Tài chính ước tính là rất cao, tương đương với mức của năm 2008-2009 khi nền kinh tế suy giảm. Đặc biệt con số thâm hụt này được tính toán theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 nên vẫn chưa bao gồm chi trả nợ gốc. Trường hợp tính thêm cả chi trả nợ gốc thì bội chi ngân sách sẽ lên tới 6,5-7% GDP, áp lực đối với vấn đề cân đối ngân sách năm 2020 là rất lớn.

Thực tế cho thấy, 20 năm trở lại đây, chưa năm nào NSNN có thặng dư, mà chỉ có thâm hụt ít hay nhiều, do vậy chưa có đủ bộ đệm tài khoá để chi tiêu hay kích thích tăng trưởng mạnh mẽ trong các thời kỳ xảy ra các cú sốc. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ công dù giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, gánh nặng trả lãi vay còn rất lớn. Do những hạn chế và ràng buộc của chính sách tài khoá, nên Việt Nam càng khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vực dậy sau dịch như các nước phát triển đang thực hiện.

Chính sách phải đúng trọng tâm, hỗ trợ sản xuất

Trong bối cảnh dự báo thu NSNN có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi NSNN.

Yêu cầu đầu tiên là các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Với giải pháp này, riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỷ đồng). Với các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý.

Một phương án khác đang được Bộ Tài chính tính toán là vay thêm từ các tổ chức quốc tế. Vừa qua, một số tổ chức quốc tế cho biết sẽ cho Việt Nam vay hỗ trợ ngân sách, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Bộ Tài chính đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất, dự kiến có thể vay với chi phí thấp từ các tổ chức này khoảng 1 tỷ USD.

Do số bội chi và tỷ lệ bội chi NSNN, tổng mức vay nợ hàng năm của NSNN do Quốc hội quyết định, nên trong khi tiếp tục theo dõi đánh giá thêm về tác động của dịch bệnh đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nói chung và tài chính - NSNN nói riêng, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trường hợp thực hiện vay thêm từ các tổ chức quốc tế thì trước mắt giảm tương ứng phần vay trong nước để đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2020. Tuy nhiên hiện nay đã có đề xuất, nếu cần thiết thì có thể tính toán xin ý kiến Quốc hội để nới trần nợ công, tăng tỷ lệ bội chi nhằm thúc đẩy đầu tư, đưa nền kinh tế sớm bật lên sau dịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra đã bám khá sát với tình hình hiện nay và đều nằm trong tầm tay của các cơ quan từ trung ương tới địa phương. Các nhóm chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế đang được thực hiện khá bài bản và bao quát nhiều lĩnh vực. Vì vậy, thời điểm hiện tại, không cần thiết phải có thêm chính sách hỗ trợ, thay vào đó quá trình thực thi phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu mà không kích thích được nền kinh tế một cách hiệu quả. Chẳng hạn, việc đồng loạt giảm giá điện, tiền thuê đất… sẽ kém hiệu quả so với xác định đúng đối tượng khó khăn và cần được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản khác nhau với các cấp độ bệnh dịch khác nhau. Phòng chống bệnh dịch phải đặt ngang với phát triển kinh tế, nếu không sẽ kéo theo hậu quả xã hội nặng nề. Có thể xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho các DN còn có khả năng hoạt động, có phương án thích ứng, tránh ngăn sông cấm chợ. Trong bối cảnh hiện nay DN còn hoạt động là rất quý, nếu có biện pháp quá cứng nhắc với các DN thì sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với tăng trưởng nói chung và nguồn thu ngân sách năm 2020 nói riêng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả