Cân đối cung cầu gắn với quản lý thị trường
Bên cạnh việc chuẩn bị đủ nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng “sốt giá” trong dịp cuối năm, nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm dịp cuối năm trên địa bàn.
Không để “sốt giá” dịp cuối năm
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 thành phố. Trong đó, Sở Công thương thành phố chủ trì, phối hợp các ban, ngành liên quan chuẩn bị công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Từ trước đó, thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp cung ứng gia súc gia cầm trên địa bàn; đồng thời có văn bản gửi các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các chợ trên địa bàn thành phố cung cấp kế hoạch sản xuất, cung ứng nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022, vận động các đơn vị chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây tăng giá cục bộ trong dịp cao điểm phục vụ tết... Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, sở đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng cũng tích cực phối hợp các địa phương đưa nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác vào địa bàn để vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, vừa đa dạng nguồn cung cho thị trường...
Trên thực tế thị trường, cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng tăng cao. Bởi vậy, các hợp tác xã, đơn vị đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất… trên địa bàn thành phố đã và đang tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng cung ứng bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân...
Theo đại diện siêu thị Vinmart, đơn vị đã chuẩn bị hơn 1 nghìn tấn hàng hóa với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, các loại thịt, cá cùng nhóm hàng bánh, kẹo, mứt, nước giải khát, bia… được dự báo sẽ tiêu thụ cao nhất. Tương tự, tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, ngay từ đầu tháng 12/2021, siêu thị đã chuẩn bị gần 4 nghìn tấn hàng hóa với tổng trị giá hơn 90 tỷ đồng để phục vụ Tết Nguyên đán.
Ông Phan Thống - Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm 2021, đơn vị đã có kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu. Trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng các mặt hàng truyền thống. Ngoài ra, đơn vị cũng đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển, phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh. Điều này giúp bảo đảm số lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân với giá tốt nhất và không bị thiếu hàng, “sốt giá” trong dịp tết cổ truyền...
Tăng cường quản lý thị trường
Bên cạnh, việc chuẩn bị đủ nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng “sốt giá” trong dịp cuối năm, nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng, Sở Công thương thành phố đã và đang chuẩn bị triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm dịp cuối năm trên địa bàn. Trong đó, có thể kể đến như, tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021; Chương trình quảng bá hàng Việt - Đà Nẵng 2021; Hội chợ Xuân 2022...
Thông thường, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh rầm rộ “bung” hàng hóa ra thị trường. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái tuồn ra thị trường để tiêu thụ. Bởi vậy, các lực lượng chức năng ở Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp “mạnh tay” hơn nữa nhằm siết chặt kỷ cương để giữ vững việc ổn định thị trường.
Trong văn bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị thành viên của ban chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về tác hại của các hành vi kinh doanh trái pháp luật, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi gian lận thương mại nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của người dân. Công an thành phố chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống nhập lậu, gian lận thương mại các mặt hàng chủ yếu như, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm...; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả... trên các phương tiện vận tải. Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp các cơ quan thành viên xây dựng các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu; tham mưu xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 11 tháng đầu năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng, hàng cấm (cần sa thực vật, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc lá), hàng lậu (chủ yếu là rượu), hàng giả, hàng nhái (quần áo, giày dép, rượu, bánh kẹo, hàng tiêu dùng)… đang là những mặt hàng được các đối tượng vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ đường bộ, đường thủy, hàng không... Những hành vi này làm ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trước tình hình trên, ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan chức năng, phải chủ động đánh giá đúng tình hình, quản lý chặt địa bàn, triển khai sớm các phương án cụ thể trong công tác đấu tranh, ngăn chặn; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng mới nổi để kịp thời đấu tranh, xử lý. Trong đó, tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Một số mặt hàng cần quan tâm từ nay đến cuối năm, như, xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, hàng điện tử, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận