Cần cụ thể, nhất quán, đơn giản trong hỗ trợ tín dụng
Ngày 13-3-2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Có thể nói, đây là một hành động kịp thời của NHNN nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về khó khăn khi yêu cầu TCTD áp dụng các quy định của thông tư này, dẫn đến sự hỗ trợ cần thiết đã không đến được tay khách hàng gặp khó khăn một cách kịp thời.
Quả thật, từ những quy định có trong thông tư có thể thấy khó khăn mà khách hàng phải đối mặt đầu tiên và quan trọng nhất là sự thiếu vắng một định nghĩa và (hoặc) hướng dẫn rõ ràng về “khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”.
Vì đây là tiền đề để khách hàng vay vốn được TCTD xét duyệt và thực thi các giải pháp hỗ trợ như trong thông tư, sự thiếu vắng một định nghĩa, hướng dẫn rõ ràng như vậy sẽ gây ra nhiều tình huống không mong muốn, gồm:
- TCTD dù thực tâm muốn đồng hành cùng khách hàng vay vốn nhưng không rõ khách hàng có thực sự bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay không, và có đến mức độ phải hỗ trợ như quy định hay không. Để ra quyết định, TCTD buộc phải dựa vào sự tự chứng minh của khách hàng về những thiệt hại do dịch Covid-19.
Sự thể này có thể dẫn đến tình trạng kéo dài trong việc xét duyệt hỗ trợ trong khi khách hàng thì có thể đang “ngắc ngoải”;
- TCTD “tham lam”, lấy cớ là khách hàng không hoặc chưa chứng minh được mình là nạn nhân của dịch Covid-19 để từ chối hỗ trợ theo yêu cầu của NHNN;
- Khách hàng dù bị thiệt hại thật sự bởi dịch Covid-19 nhưng không biết cách, không có điều kiện (về giấy tờ, tài liệu...) để chứng minh thiệt hại nên không được TCTD hỗ trợ;
- Khách hàng của TCTD lợi dụng dịch Covid-19 để khai rằng mình bị thiệt hại để trục lợi chính sách...
Những tình huống như trên sẽ làm cho một chính sách cần thiết và có ý nghĩa như Thông tư 01 trở nên kém hiệu quả. Do đó, điều cần làm hiện nay là nhanh chóng bổ sung sự khiếm khuyết này.
Khó khăn khác liên quan đến quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo Thông tư 01, trong số các điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ có điều kiện khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn gốc và (hoặc) lãi theo thỏa thuận do ảnh hưởng của dịch. Tương tự như trên, nếu không sửa đổi, bổ sung quy định thì khách hàng thực sự khó khăn vì dịch có thể không được TCTD hỗ trợ.
Do đó, cần quy định lại khách hàng trong các ngành bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch thì sẽ tự động được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu có yêu cầu, và TCTD không được phép từ chối.
Để tăng thêm phần thực chất, minh bạch và nhất quán, cũng cần xem xét quy định thêm rằng thời hạn cơ cấu lại nợ là đến ngày cụ thể x/y/202z (tất nhiên là không nên dài quá một năm), tùy thuộc yêu cầu của khách hàng, để tránh tình trạng TCTD tuy có cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng chỉ làm cho có, ví dụ gia hạn thêm chỉ một tháng, vì Thông tư 01 không có quy định nào ngăn ngừa tình trạng này xảy ra.
Về phần TCTD, do họ cũng là một doanh nghiệp nên việc dồn trách nhiệm và gánh nặng hỗ trợ về cho TCTD là điều không thỏa đáng. Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng cần có những động thái hỗ trợ cho những TCTD có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch. Một trong những động thái đó là NHNN cho vay ưu đãi đối với các TCTD như vậy.
Tuy nhiên, qua tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, ví dụ Singapore, NHNN cần bổ sung yêu cầu rằng TCTD có thể vay vốn ưu đãi từ NHNN nhưng phải chuyển toàn bộ sự ưu đãi về lãi suất này cho doanh nghiệp vay vốn từ TCTD.
Nhân đây xin nói thêm về quy định miễn, giảm lãi, phí, theo đó, TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ. Hiểu theo quy định này thì TCTD có quyền không miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng. Đây là một quy định hợp lý, vì như đã nói, TCTD cũng là một doanh nghiệp, phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh trước cổ đông.
Trừ khi được NHNN hỗ trợ bằng những hình thức như cho vay ưu đãi nói ở trên, TCTD có quyền từ chối không miễn, giảm lãi, phí cho (nhiều) khách hàng nếu xét thấy cần thiết. Do vậy, các khách hàng vay vốn của TCTD cần hiểu rõ điều này để không quá kỳ vọng, tin chắc rằng mình sẽ được miễn, giảm lãi, phí nếu yêu cầu; hoặc thắc mắc, khiếu nại một cách không cần thiết rằng tại sao nhà nước đã ra quy định hỗ trợ doanh nghiệp, và doanh nghiệp A, B, C được miễn, giảm lãi, phí mà doanh nghiệp mình lại không được...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận