'Cần chuẩn bị nguồn lực cải cách tiền lương sau năm 2022'
Sau hai năm liên tiếp lùi cải cách tiền lương, Chính phủ cần chuẩn bị nguồn lực để năm 2023 thực hiện vào đầu hoặc giữa năm, theo chuyên gia Phạm Minh Huân.
Kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra đã đồng ý lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương; đồng thời, chưa nâng lương cho người thu nhập thấp, mới đi làm trong năm 2022; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Chủ trương cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lao động trong doanh nghiệp được Trung ương đề ra tại Nghị quyết 27, từ năm 2018; thời gian dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch kéo dài, chủ trương này đã phải lùi lại hai năm liên tiếp. Ban đầu Trung ương dự kiến lùi thời điểm cải cách tiền lương một năm so với mục tiêu ban đầu, tức là từ 1/7/2022 thay vì 1/7/2021. Sau đó các cấp có thẩm quyền tiếp tục quyết định chưa thực hiện trong năm 2022.
Theo nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, có hai khả năng xảy ra sau thời điểm 2022. Nếu đại dịch được khống chế và kinh tế phục hồi, Trung ương nên chuẩn bị nguồn lực để năm 2023 bắt đầu cải cách vào thời điểm đầu hoặc giữa năm.
Với kịch bản không mong muốn là kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, thời điểm cải cách tiền lương vẫn có thể lùi tiếp, song "nên tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức vì thời gian tạm dừng điều chỉnh đã quá lâu".
Nhiều năm phụ trách chính sách tiền lương của ngành Lao động, ông Huân nhìn nhận thực chất cải cách tiền lương là động lực của cải cách bộ máy hành chính. Mục tiêu và lộ trình cải cách đều đã có, các khâu kỹ thuật cũng không phải vấn đề lớn. "Song cần chuẩn bị nguồn lực và sự quyết tâm của cả hệ thống", ông nói và nhận định khi đủ nguồn lực để thực hiện cải cách, bức tranh tiền lương cả khu vực công lẫn khu vực doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi.
Nghịch lý lương không đủ sống mà phụ cấp quá nhiều, được cho xuất phát từ sự quản lý không cân đối, áp lực lương thấp đè nặng buộc các ngành phải tìm cách bổ sung phụ cấp. .
Chủ trương cải cách đề ra mục tiêu áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Lộ trình dự kiến từ 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Như vậy có thể hiểu lộ trình này sẽ được thực hiện sau năm 2022.
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới khu vực công gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm 30%); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Đối với khu vực công sẽ không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề.
Để có thể cải cách tiền lương sau năm 2022, theo ông Huân, có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, cần xem lại "biên chế tinh gọn thực chất hay chưa". "Chỉ cần tinh giản được 10% biên chế, sẽ có khoản đáng kể để tăng lương. Các khu vực sự nghiệp như giáo dục, y tế, Nhà nước chỉ bao cấp một phần còn lại để các đơn vị tự chủ", ông nói.
Thứ hai, cần chuẩn bị nguồn lực vì việc cải cách đang phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách "nếu sản xuất tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến thu ngân sách thì rất khó thực hiện, do vậy chúng ta phải chủ động chuẩn bị nguồn lực ngay từ bây giờ".
Trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay các cơ quan đang thí điểm cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp ở 3 tập đoàn để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên quy mô cả nước.
Theo ông Dung, lương của doanh nghiệp thời gian tới sẽ có thay đổi rất căn bản. Lương được xác định chính là giá cả của sức lao động, theo nguyên tắc thị trường, có sự can thiệp nhất định của Nhà nước. Người lao động được tăng lương dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân phân tích, lương trong khu vực doanh nghiệp những năm qua cơ bản vẫn do thị trường quyết định. Nhà nước can thiệp vào lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu để người lao động không bị bần cùng hóa hay nghèo đi. Phần còn lại thị trường tự điều phối, song phụ thuộc vào hai bên: Sức khỏe của doanh nghiệp và khả năng thương lượng của người lao động.
Với lao động chuyên môn cao, những năm qua cũng đã tự thương lượng được với giới chủ. Bằng chứng là thị trường cần trình độ nào thì thuê lao động ở trình độ đó, không đáp ứng được sẽ bị đào thải. Điều này bắt buộc đào tạo những năm tới phải đổi mới, gắn với nhu cầu của thị trường, tránh lãng phí.
Với lao động chuyên môn thấp, cần thiết phải có tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động đứng ra thương lượng với giới chủ. Tổ chức này nằm trong doanh nghiệp, do người lao động tự thành lập, tham gia, như quy định của Bộ luật Lao động 2019. "Từ trước đến nay, người lao động luôn ở trong thế yếu, nên nếu trả lương theo sức lao động, vai trò của tổ chức đại diện cho người lao động thương lượng với giới chủ về tiền lương là cực kỳ quan trọng", ông Huân nói.
Theo ông, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nhận thức trách nhiệm xã hội qua vấn đề lương, phúc lợi xã hội để giữ chân lao động. Việc các cơ quan nhà nước cần làm là tăng cường kiểm tra, giám sát và cung cấp thông tin thị trường, giúp người lao động có cơ sở thương lượng với giới chủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận