menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Thành

Cần chính sách thận trọng với tiền số

Một chuyên gia tài chính nêu quan điểm, cơ quan quản lý là NHNN chắc chắn sẽ phải có nghiên cứu và đánh giá rất thận trọng để có thể phát hành tiền kỹ thuật số dưới dạng đồng tiền điện tử của đồng tiền pháp định hay dưới dạng nào khác.

Nhiều NHTW nghiên cứu CBDC

Tháng 5 vừa qua ghi nhận sự biến động mạnh mẽ về giá của Bitcoin, có thời điểm đã giảm hơn một nửa so với mức cao nhất vào giữa tháng 4. Elon Musk - tỷ phú ủng hộ đồng tiền này và người sáng lập Tesla đã ngừng chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán càng khiến cho giá trị của đồng tiền này lên xuống thất thường. Kể từ khi mới xuất hiện năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, sự ra đời của đồng tiền ảo Bitcoin được tung hô là sẽ sớm trở thành tiền tệ, phương thức thanh toán có khả năng thách thức các đồng tiền pháp định của các quốc gia hay cách mạng thanh toán hiện hành. Bitcoin cũng kéo theo làn sóng của vô số các đồng tiền ảo khác ra đời như Litecoin, Dogecoin, Ethereum…

Hiện chưa có khái niệm, định nghĩa cụ thể về tiền ảo trên thế giới, nhưng tiền ảo không phải là tiền pháp định và không được thừa nhận là phương tiện thanh toán tại nhiều quốc gia. Nó cũng khác biệt với tiền điện tử khi tiền điện tử được hiểu là cách thức thể hiện dưới dạng số của đồng tiền pháp định của một quốc gia, được bảo đảm bởi NHTW quốc gia đó và chịu sự quản lý của NHTW.

Giới chuyên gia nhìn nhận, với ngành công nghiệp Fintech, không gian tài chính truyền thống sẽ nhanh chóng bị thay đổi. Chính điều này đã khiến cho Chính phủ, NHTW tại nhiều quốc gia phải tính toán tới việc quản lý, kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số cũng như nghiên cứu về việc phát hành đồng tiền điện tử của riêng mình (Central bank digital currency - CBDC) - hay còn gọi là định dạng kỹ thuật số của các loại tiền tệ pháp định.

Báo cáo từ Công ty kiểm toán PwC cho biết, hiện có hơn 60 NHTW trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành CBDC. Thống đốc NHTW Nga Elvira Nabiullina mới đây cho biết, cần một hệ thống thanh toán nhanh, rẻ và CBDC sẽ giải quyết được vấn đề này. Vào năm 2020, NHTW Nga cũng cho biết, CBDC sẽ được phát hành và kiểm soát bởi các cơ quan chức năng, giá trị của một đồng Rúp kỹ thuật số sẽ bằng một Rúp tiền mặt.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thì đang đặt mục tiêu trở thành NHTW lớn đầu tiên phát hành tiền số. Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành đợt thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số mới trong tháng 6 tại Bắc Kinh.

Ngày 24/5 vừa qua, NHTW Hàn Quốc (BOK) cũng công bố kế hoạch chi tiết về chương trình thử nghiệm tiền CBDC, hơn một năm sau khi bắt đầu nghiên cứu về CBDC từ tháng 2 năm ngoái. BOK sẽ chọn một nhà điều hành tư nhân để thực hiện thử nghiệm CBDC từ tháng 8 tới với ngân sách 4,4 triệu USD.

Tháng 4 vừa qua, NHTW và Bộ Tài chính Anh đã tuyên bố thành lập tổ công tác nghiên cứu về CBDC. Trong khi ECB dự kiến đến năm 2025 sẽ phát hành CBDC của riêng mình, Fed mới đây cũng phát đi tín hiệu quan tâm tới CBDC…

Chia sẻ với báo giới, TS.Châu Đình Linh nhìn nhận: NHTW tại nhiều quốc gia hiện đang nghiên cứu rất nhiều khung lý thuyết cũng như đưa ra nhiều sự thử nghiệm cần thiết để có thể cho ra đời đồng tiền kỹ thuật số với công nghệ tiên tiến như các đồng tiền mã hoá, song được phát hành bởi NHTW để có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, điều cốt yếu ở đây là ứng dụng thế nào để phù hợp với hệ thống tài chính của từng quốc gia mới là quan trọng. Theo TS. Linh, Việt Nam cũng không là ngoại lệ, phải xem xét tới tính phù hợp trước khi triển khai CBDC và bắt buộc phải có sự kiểm soát chứ không thể để tự phát triển theo thị trường được.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý

Một chuyên gia tài chính nêu quan điểm, cơ quan quản lý là NHNN chắc chắn sẽ phải có nghiên cứu và đánh giá rất thận trọng để có thể phát hành tiền kỹ thuật số dưới dạng đồng tiền điện tử của đồng tiền pháp định hay dưới dạng nào khác. “Phải nghiên cứu kỹ, đưa ra những kịch bản phù hợp cùng giải pháp tương ứng thì mới có những đề xuất, lộ trình cụ thể và sát thực nhất để trình lên Thủ tướng, nhất là khi hiện nay Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào quy định khái niệm tiền điện tử”, ông này chia sẻ.

Theo TS.Cấn Văn Lực, trước khi bàn tới câu chuyện CBDC thì cần chú trọng phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả để tránh những rủi ro có thể xảy tới đối với các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan tới tiền kỹ thuật số… Cùng với đó, tích cực để tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở Việt Nam; ban hành khung khổ pháp lý thử nghiệm cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox), hành lang pháp lý đối với các công nghệ hiện đại ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng (trong đó có blockchain)…

TS.Châu Đình Linh cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự phát triển của blockchain vốn được biết tới là công nghệ nền tảng cho sự vận hành của Bitcoin. Lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng và hiểu sai về công nghệ này, nhưng đây là một công nghệ không thể đảo ngược, nó là nền tảng công nghệ và là xu hướng tiếp theo sẽ được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, và cả trong đời sống. Nếu có khung khổ pháp lý để có thể triển khai và ứng dụng blockchain phù hợp thì giá trị thu nhận được từ công nghệ này là vô cùng lớn.

Trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thống đốc NHNN ký ban hành mới đây, trong năm 2021-2022, NHNN sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP và các thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung về TTKDTM, quản lý giám sát hoạt động thanh toán, thanh toán xuyên biên giới.

Ngay trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 đã thống nhất đưa ra định nghĩa rõ ràng về tiền điện tử: “Tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động”.

Năm 2022, NHNN cũng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về Open API cũng như đưa ra các báo cáo nghiên cứu, rà soát quy định để cho phép ứng dụng các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, blockchain, trí tuệ nhân tạo, học máy… vào hoạt động ngân hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, đây đều là những bước đi phù hợp và cần thiết từ phía cơ quan quản lý để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Để khi có một nền tảng vững chắc sẽ có nhiều thuận lợi hơn đối với những kế hoạch dài hơn như việc phát triển CBDC.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại