Cán cân thanh toán quốc tế: Điểm tựa cho sự ổn định của VND
Việt Nam đang có vị thế cán cân thanh toán quốc tế (BOP) tương đối mạnh và đây là cơ sở tốt cho sự ổn định của VND cũng như khả năng linh hoạt trong điều hành của NHNN trong chống lại các rủi ro bên ngoài.
Nền kinh tế duy nhất ASEAN có tăng trưởng
Giống như mọi quốc gia, Việt Nam đã phải đối mặt với những thách thức kinh tế đang gia tăng do đại dịch Covid-19 gây ra, và nhiều dự báo cho rằng có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.
Những số liệu được công bố gần đây cho thấy, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngày càng rõ ràng hơn. Theo đó, xuất khẩu trong tháng 4 giảm mạnh, tới 13,9% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do sụt giảm 26% so với cùng kỳ của hàng dệt may và giày dép. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi dữ liệu cho thấy một số đơn đặt hàng từ Mỹ và EU - chiếm khoảng 60% xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam - đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Trong khi đó có những dữ liệu trái ngược về hàng điện tử, như trong khi xuất khẩu điện thoại giảm tới 35% so với cùng kỳ thì các lô hàng liên quan đến máy tính đã tăng 18% trong tháng 4. Điều này cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử không phải điện thoại (ví dụ máy tính) vẫn tương đối ổn định.
Khu vực sản xuất đang phải đối mặt với những cơn gió ngày càng tăng. Thể hiện rõ qua việc chỉ số PMI tháng tư sụt giảm với tốc độ nhanh hơn, tụt xuống mức thấp kỷ lục mới là 32,7 điểm, báo hiệu triển vọng trong lĩnh vực sản xuất u ám hơn và cho thấy, cú đánh của Covid-19 vào lĩnh vực sản xuất đang mạnh hơn. Các chỉ số chính, như chỉ số việc làm, đơn đặt hàng mới, đơn hàng xuất khẩu mới… đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi khảo sát PMI được thực hiện vào năm 2011, phản ánh của nhu cầu ngày càng yếu. Đáng báo động là lần đầu tiên, các DN sản xuất đã có một cái nhìn bi quan về triển vọng sản xuất trong năm tới.
Với những cơn gió ngược bên ngoài đang gia tăng và có dấu hiệu suy yếu về nhu cầu trong nước, HSBC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 xuống mức thấp hơn dự báo trước đây. “Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong ASEAN mà chúng tôi dự báo còn tiếp tục có được tăng trưởng dương trong năm 2020”, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC cho biết.
Chống lại rủi ro bên ngoài
Tuy nhiên, tin tốt là: BOP của Việt Nam đang ở một vị thế tương đối mạnh, qua đó giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các rủi ro bên ngoài. Nhờ dòng vốn FDI được duy trì, tài khoản vốn thặng dư đã giúp hỗ trợ để duy trì thặng dư BOP tổng thể. Trong khi đó, thặng dư thương mại tăng nhanh và kiều hối tăng cũng đã giúp chuyển tài khoản vãng lai từ thâm hụt sang thặng dư.
Từ năm 1996, Việt Nam đã duy trì thặng dư BOP trong hầu hết các năm. Đặc biệt là năm 2019, Việt Nam đã có được thặng dư BOP cao kỷ lục là 23 tỷ USD, tương đương khoảng 9% GDP. Nhìn vào sự gia tăng của BOP này, có thể thấy động lực dẫn dắt BOP thặng dư đã phần nào thay đổi. Nếu như giai đoạn trước năm 2011, thặng dư cán cân vốn lớn là đóng góp chính thì ở giai đoạn sau năm 2011, việc cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư là yếu tố đã giúp chuyển BOP sang vị thế có thặng dư lớn.
Sau một vài năm vốn FDI giảm, Việt Nam chứng kiến sự hồi sinh của FDI kể từ năm 2013. Dòng vốn FDI vào các ngành xuất khẩu hiệu quả cũng giúp cán cân vãng lai của Việt Nam chuyển sang một vị thế thuận lợi hơn, từ đó giúp thay đổi cục diện BOP của Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, với việc đang trỗi dậy như một trung tâm lắp ráp điện tử, Việt Nam đã chứng kiến thặng dư thương mại ngày càng tăng. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đã tăng từ 3 tỷ USD (4% tổng kim ngạch xuất khẩu) trong năm 2008 lên 87 tỷ USD (33% tổng kim ngạch xuất khẩu) trong năm 2019. Do đó, đã giúp mức thặng dư thương mại của Việt Nam ở mức cao kỷ lục là 11 tỷ USD, đẩy thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam lên tương đương 5% GDP trong năm ngoái.
Hơn nữa, thặng dư thu nhập thứ cấp gia tăng cũng đã hỗ trợ một vị thế cán cân vãng lai thuận lợi. Một lượng lớn trong đó đến từ việc kiều hối liên tục được chuyển về. Kiều hối tăng trưởng đều đặn trong hai thập kỷ qua, khiến Việt Nam trở thành nước nhận lớn thứ tư ở châu Á, với dòng kiều hối trị giá 16,7 tỷ USD (6,4% GDP) trong năm 2019.
Những nỗ lực của Việt Nam hướng tới vị thế BOP thuận lợi hơn trong vài năm qua đã chuyển thành sự tích lũy nhanh chóng dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt khoảng 84 tỷ USD, tương đương 4 tháng nhập khẩu, tốt hơn rất nhiều giai đoạn trước đây. Dự trữ ngoại hối cao đã góp phần nâng cao uy tín vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời hỗ trợ đồng VND duy trì trạng thái ổn định. Ngay như năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy đồng USD tăng giá khá mạnh, có thời điểm chỉ số đồng USD đã tăng lên tới 102,82 điểm, cao nhất trong 3,5 năm qua. Tuy nhiên thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định, VND chỉ mất giá nhẹ. “Chúng tôi dự báo, VND có thể giảm giá 1,2% so với USD trong năm nay (so với cùng kỳ năm ngoái), dẫn đến dự báo cuối năm của chúng tôi là tỷ giá sẽ ở mức 23.450”, HSBC dự báo.
Đồng tình với dự báo này, nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực đối với lạm phát đã giảm trong tháng 4 vừa qua. Bên cạnh đó, với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, cộng thêm nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, tỷ giá trong nước sẽ được duy trì cơ bản ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận