'Cần bỏ quy định về tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế'
Các cơ quan nghiên cứu bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Chiều 15/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bộ Y tế, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, đại diện một số bệnh viện về sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Ông Hà nhấn mạnh, nguyên tắc của bảo hiểm y tế là chia sẻ rủi ro, tập trung nguồn lực điều trị cho người không may mắn, yếu thế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cân đối quỹ bảo hiểm y tế, không để kết dư quỹ nhưng thiếu kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các gói bảo hiểm y tế cần đa dạng, phù hợp với mức thu nhập của các nhóm khác nhau. Trường hợp vượt dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cần được cảnh báo, nhưng không cứng nhắc, máy móc.
Theo Phó thủ tướng, ngành y tế cần nâng cao y đức, hướng dẫn chuyên môn, tăng cường đào tạo để đội ngũ cán bộ điều trị bệnh nhân bảo hiểm y tế hiệu quả; có hướng dẫn chuyên môn, phác đồ điều trị khoa học, minh bạch; xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm. "Mục tiêu là vừa kiểm soát chất lượng điều trị bệnh nhân nhưng không lạm dụng kỹ thuật điều trị có chi phí lớn", ông nói.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự thảo nghị định đề xuất Bảo hiểm xã hội kiểm tra, đánh giá, xác định chi phí trước khi điều trị cho bệnh nhân. Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán không được vượt quá tổng mức thanh toán tại các bệnh viện. Bệnh viện cần được thông báo nếu vượt dự toán chi được giao.
Hàng năm, Chính phủ giao tổng dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm xã hội các địa phương. Đơn cử năm 2022, tổng dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc là 110.000 tỷ đồng, trong đó TP HCM được giao nhiều nhất 20.000 tỷ đồng; Hà Nội 19.000 tỷ đồng; Bắc Giang 1.500 tỷ đồng; An Giang 1.400 tỷ đồng.
Nếu vượt dự toán chi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thẩm định, tạm cấp 80% kinh phí cho các địa phương. Đây là một trong những điểm nghẽn khiến chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua bị người dân và đại biểu Quốc hội phàn nàn.
Tháng 10/2022, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn nêu thực trạng nhiều bệnh viện thành con nợ do chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM) phản ánh, nhiều người đến bệnh viện khám, phàn nàn về chất lượng nhất là khi dùng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bệnh viện "lực bất tòng tâm", bởi thiếu rất nhiều thứ, từ nhân lực, thuốc chất lượng đến trang thiết bị.
"Các bệnh viện bị ép giảm chi bảo hiểm y tế từ giá dịch vụ, thuốc, vật tư đến mức không đúng với giá của nó. Ép càng rẻ càng tốt. Nhưng khi thanh toán vẫn không dễ dàng", bà Phong Lan nói và dẫn chứng tại thời điểm đó các bệnh viện tại TP HCM bị Quỹ Bảo hiểm y tế từ chối thanh toán 1.400 tỷ đồng vì tổng mức thanh toán bị vượt quá.
Sau đó, Chính phủ ban hành nghị quyết, tạm thời gỡ điểm nghẽn nêu trên, cho phép thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 bằng mức chi của các bệnh viện, theo báo cáo quyết toán năm và được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận