24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cân bằng cung ứng vốn với kiểm soát rủi ro

Hiện vay tiêu dùng chủ yếu là thông qua tín chấp, vì vậy các ngân hàng phải cân bằng được giữa việc đẩy mạnh cung ứng vốn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân với câu chuyện kiểm soát chặt chẽ rủi ro về tín dụng.

Giới chuyên gia nhìn nhận, việc tái khởi động nền kinh tế thông qua kích cầu thị trường nội địa rất cần sự tham gia của tín dụng tiêu dùng. Trong trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cũng cho rằng, dịch bệnh đã khiến cho nhiều người dân lâm vào cảnh mất việc làm, mất thu nhập nên nhu cầu vay ở những đối tượng này tăng lên tương đối. Tuy nhiên cần phải cân bằng giữa cung ứng vốn với kiểm soát rủi ro.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hiện không cao do dịch bệnh làm giảm nhu cầu tín dụng. Vậy ông nhìn nhận thế nào về khả năng tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng?

Đúng là tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại trong tháng 8 và được dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục trong tháng 9 do ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch Covid-19. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn Ngành mà NHNN xây dựng từ đầu năm 2021 khoảng 12% (có điều chỉnh với tình hình thực tế) là khả thi. Mặc dù nền kinh tế đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, nhưng nhu cầu về vốn cũng tăng nhanh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng của cá nhân.

Hiện trên thị trường cũng ghi nhận sự nỗ lực của nhiều NHTM cũng như các công ty tài chính trong việc đưa ra các gói tín dụng kích cầu tiêu dùng, đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại để giải ngân online mà không cần phải gặp mặt khách hàng, giúp khách hàng hàng thuận tiện hơn trong giao dịch.

Vai trò của tài chính tiêu dùng đối với nền kinh tế là không phải bàn cãi, kể cả trong giai đoạn bình thường hay trong bối cảnh dịch bệnh. Khi có dịch, nhiều người dựa vào tín dụng tiêu dùng để có thể trang trải sinh hoạt trong đời sống như mua sắm, giáo dục, viện phí… Tín dụng tiêu dùng sẽ phục hồi tốt trong tương lai, nhất là sau khi chúng ta kiểm soát được dịch.

Vì vậy, các TCTD cần đưa ra được những chính sách đáp ứng được với nhu cầu, môi trường tiêu dùng mới của người dân, việc này sẽ đồng thời làm giảm đi đáng kể tín dụng đen.

Ở thời điểm này, làm sao để vừa hỗ trợ được nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, song vẫn đảm bảo an toàn cho ngân hàng, thưa ông?

Hỗ trợ khách hàng cá nhân là điều mà các ngân hàng cần làm. Tuy nhiên, rủi ro tín dụng là điều tôi muốn lưu ý. Hiện vay tiêu dùng chủ yếu là thông qua tín chấp, vì vậy các ngân hàng phải cân bằng được giữa việc đẩy mạnh cung ứng vốn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân với câu chuyện kiểm soát chặt chẽ rủi ro về tín dụng. Muốn vậy cần chú trọng vào xét duyệt hồ sơ vay vốn và công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay…

Đối với một số đối tượng khách hàng lâu năm, có lịch sử trả nợ tốt nhưng vì dịch bệnh mà thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Nếu các ngân hàng đánh giá tình hình tài chính của khách hàng đó có khả năng cải thiện trong tương lai nếu kinh tế phục hồi thì có thể xem xét để điều chỉnh điều kiện vay hạ xuống một chút để hỗ trợ những đối tượng này. Đương nhiên, điều này sẽ phải đi cùng với việc ngân hàng tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; đồng thời bố trí nguồn vốn triển khai các gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu đời sống của khách hàng.

Thị trường gần đây ghi nhận một số thương vụ ngân hàng bán vốn các công ty tài chính cho đối tác nước ngoài. Quan điểm của ông về động thái này?

Hai thương vụ khá nổi bật là VPBank bán 49% cổ phần của FE Credit - con gà đẻ trứng vàng của ngân hàng - cho Sumitomo Mitsui và mới gần đây là SHB ký thoả thuận chuyển nhượng 50% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – một thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản), 50% vốn còn lại tiếp tục được chuyển nhượng sau ba năm.

Việc chuyển nhượng vốn công ty tài chính của một số nhà băng cho nhà đầu tư ngoại thời gian gần đây cho thấy, đối tác ngoại khá quan tâm tới thị trường Việt Nam. Rõ ràng Việt Nam là một thị trường mà lĩnh vực tiêu dùng còn rất giàu tiềm năng, khi có dân số lớn và tín dụng tiêu dùng qua kênh chính thống vẫn còn khá hạn chế.

Các ngân hàng bán vốn công ty tài chính cho đối tác ngoại giúp mở rộng quy mô cũng như nâng cao tiềm lực tài chính để khai thác tốt hơn mảnh đất màu mỡ này trong tương lai. Thống kê cho thấy dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng - chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.

Tiềm năng là có, song tôi cũng cho rằng các nhà đầu tư ngoại sẽ càng thận trọng trong năm tới trước diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, lựa chọn kỹ lưỡng những đối tác ngân hàng Việt Nam thật sự uy tín, có năng lực tài chính và quản trị rủi ro hiệu quả để khai thác tối đa tiềm năng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả