menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thố Tử Ngọc

Cái kết đắng của kẻ mộng mơ lướt sóng bất động sản

Trong cơn sốt nóng của thị trường nhà đất, chỉ một vài giao dịch lướt sóng là nhiều người đã có thể kiếm hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỉ đồng. Có người không muốn bỏ lỡ cơ hội đã dồn toàn bộ gia sản, thậm chí vay mượn để đầu tư đất đai. Thế rồi, cơn sốt đất hạ nhiệt đột ngột đã làm họ khánh kiệt, rơi vào vòng xoáy nợ nần

Vỡ nợ vì sóng đất

Gia đình anh Quỳnh (TP. Thủ Đức) từng có một cuộc sống thoải mái khi có căn hộ, xe hơi và một cửa hàng kinh doanh quần áo. Nhưng hiện nay, anh Quỳnh đang là kẻ trắng tay vì còn không nhà, không còn xe và cũng không còn cửa hàng. Cả gia đình phải đi ở trọ, cuộc sống chật vật mỗi ngày.

Đây là cái giá quá đắt khi anh Quỳnh gom hết gia sản, vay nợ để lao vào cơn sốt đất ở Bảo Lộc giai đoạn 2020-2022. Anh Quỳnh nhớ lại, thời đó đang kinh doanh cửa hàng quần áo thuận lợi, có chút của ăn của để, anh được bạn bè rủ lập nhóm, hùn hạp để gom mua đất Bảo Lộc lướt sóng. Năm đầu việc buôn đất vô cùng thuận lợi. Có những lô chỉ mới đặt cọc vài ngày là đã có thể sang tay. Mỗi thương vụ lời từ 20-30%.

“Thời điểm thị trường tốt bán rất nhanh, giá cả tăng mỗi ngày. Mua một lô giá 700 triệu, chỉ vài ngày sau đã bán ra được 1 tỉ, mình lời 300 triệu. Tiền nhiều nên càng ham, càng muốn mua thêm”, Quỳnh cho biết.

Cuối năm 2021, nhờ buôn đất, tài sản tích luỹ của anh Quỳnh đã lên 4 tỉ đồng. Nhưng không dừng lại, anh tiếp tục dùng toàn bộ số vốn này và vay thêm ngân hàng 5 tỉ để tiếp tục “chơi lớn”.

Bước sang năm 2022, thị trường đột ngột xấu đi. Ngân hàng bắt đầu siết tín dụng và trái phiếu, còn chính quyền địa phương thì tăng cường quản lý chặt tình trạng phân lô bán nền. Cả chục lô đất đang nằm trong tay anh Quỳnh “đóng băng” giao dịch.

Đúng lúc này việc kinh doanh quần áo cũng gặp khó khăn do người dùng thắt chặt chi tiêu. Thu không đủ bù chi, anh phải trả lại mặt bằng, tạm thời ngừng kinh doanh. Mất nguồn thu nhập, lại phải gồng gánh khoản lãi ngân hàng lớn khiến anh vô cùng áp lực. Anh Quỳnh quyết định rao bán những lô đất của mình với giá chỉ bằng 2/3, thậm chí là một nửa hi vọng bán được để có tiền trang trải. Tuy nhiên, nhiều tháng trời anh không bán được mảnh nào.

Hết cách, anh phải bán xe hơi và căn hộ đang ở để thoát áp lực. Hiện cả hai vợ chồng phải làm nhiều công việc lặt vặt để kiếm tiền sống qua ngày. Anh Quỳnh hi vọng thị trường sớm tốt lên để có thể bán những lô đất còn lại ở Bảo Lộc. Nhưng anh không chắc là khi nào và số tiền thu lại có bằng như lúc bỏ ra vì hiện nay giá khu vực rớt thê thảm.

Anh Quỳnh kể thêm, trong nhóm đầu tư chung với anh có nhiều người cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Thậm chí, có người trước đây vốn là đại gia nhưng nay đang phải gánh khoản nợ lên đến 30 tỉ đồng. Có người phải trốn chui, trốn nhủi vì mỗi ngày đều có giang hồ đến nhà đòi nợ.

Cũng ôm mộng giàu nhanh, vợ chồng chị Linh (Bình Dương) sau khi lướt sóng được vài lô đất ở Bình Phước thấy kiếm tiền dễ nên đã rủ cả gia đình, dòng họ tham gia. Nhiều người tin tưởng góp ít thì vài trăm triệu, nhiều lên đến vài tỉ để chị Linh đứng ra đầu tư.

Tuy nhiên, thị trường lao dốc nhanh chóng khiến chị Linh không còn lời mà toàn thua lỗ. Nhiều lô mua xong là chôn vốn không thể nào bán lại được. Áp lực nợ nần, lại thường xuyên bị người thân họ hàng xì xầm khiến hai vợ chồng chị Linh thường cãi vã. Hôn nhân 10 năm tưởng như đã bền vững đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Kể từ đầu năm 2023, người dân một huyện miền núi Tây Nguyên liên tục nghe thông tin rúng động khi nhiều đại lý nông sản lớn trong vùng lần lượt bể nợ. Ở vùng này, đại lý nông sản cũng giống như ngân hàng. Người dân sau mỗi vụ cà phê, tiêu hay điều thì sẽ mang ký gửi ở đại lý để hưởng lãi suất. Cách này thuận tiện, không phải thủ tục này nọ như ngân hàng, thích rút ra lúc nào cũng được.

Vì đã làm ăn với nhau lâu năm, chủ đại lý cũng là người địa phương nên mọi giao dịch chỉ ghi vào cuốn sổ nhỏ, tin tưởng nhau là chủ yếu. Tuy nhiên, thông tin các đại lý vỡ nợ khiến nhiều hộ dân “chết đứng”. Số nông sản sau nhiều vụ mùa tích luỹ họ để dành để xây nhà, mua xe, lo cưới xin cho con cái… nay có nguy cơ mất trắng.

Một chủ đại lý nông sản cho biết, năm 2020-2021 cơn sốt đất tràn về vùng đất này. Mỗi ngày đều có nhiều ô tô, người thành phố về săn lùng đất. Thậm chí đất rẫy, đất gần khu vực sông, suối càng bán đắt như tôm tươi. Giá đất tăng nhanh, chỉ cần mua đi bán lại là kiếm được nhiều tiền.

Không ít đại lý đang sẵn tiền và số lượng nông sản lớn người dân gửi trong kho đã mua gom đất với hi vọng lướt sóng. Tuy nhiên, cơn sốt nhanh chóng lụi tàn đã kéo theo toàn bộ gia sản của họ và nhiều người.

“Hiện nay, nhiều đại lý vỡ nợ vẫn đang nắm trong tay hàng chục lô đất. Tuy nhiên, tất cả đều mất giá. Họ mua 10 đồng thì nay chỉ bán được 4 hoặc 5 đồng mà bán cũng không ai mua vì người dân địa phương không có nhu cầu, trong khi khách ở thành phố chỉ như con cò, kiếm ăn no rồi thì bay đi”, vị này cho biết.

Bình mới rượu cũ

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, anh Trường (Bình Dương) cho biết bản thân anh cũng từng là nạn nhân của những cơn sóng đất. Đầu tư lướt sóng bất động sản vô cùng rủi ro nhưng lại cuốn theo rất nhiều nhà đầu tư bởi nó đánh trúng tâm lý muốn giàu nhanh của số đông. Hình thức này được ví như là “mồ chôn” với những nhà đầu tư F0.

Anh Trường phân tích, các cơn sốt đất thường diễn ra theo một “mô típ” rất quen thuộc. Lợi dụng những thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hạ tầng, đô thị, khu công nghiệp… một nhóm nhỏ nhà đầu tư tiếp cận được sớm thông tin, có tài chính mạnh và đội nhóm “cò lái” ngay lập tức tạo sóng ảo.

Đầu năm 2020, ngay sau thông tin một tập đoàn bất động sản lớn đề xuất thực hiện đầu tư hai dự án tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng diện tích 800ha thì giá đất khu vực này bắt đầu tăng dựng đứng.

Dọc quốc lộ 56 khu vực nơi được cho là sẽ quy hoạch xây dựng dự án, trước nay đất đai vẫn chỉ dùng để trồng cao su, khoai mì, cư dân sinh sống thưa thớt nhưng chỉ sau hai tuần giá đất đã tăng gấp 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, cơn sốt đất chỉ kéo dài chưa đến một tháng thì nguội lạnh khi nhóm đầu cơ, cò đất rút đi.

Đến đầu năm 2021, một cơn sốt đất với quy mô dữ dội hơn bùng lên ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Nguồn cơn của cơn sốt này xuất phát từ thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch sân bay lưỡng dụng có quy mô 500ha tại đây.

Chỉ sau vài ngày, giá đất mặt tiền các tuyến đường nhựa tại các xã An Khương, Tân Lợi liên tục được đẩy giá, thậm chí tăng theo từng giờ. Những lô đất có giá từ 100 triệu đồng một mét ngang trong vài ngày đã tăng lên 300-400 triệu đồng. Nhiều người bỏ hàng chục tỉ đồng để thâu tóm các khu đất lớn rồi nhanh chóng cho máy móc san ủi để phân thành nhiều lô nhỏ hơn.

Cũng như nhiều cơn sốt ảo khác, sóng đất ở Bình Phước lập tức lao dốc chỉ sau một thời gian ngắn. Rất nhiều người dân ôm đất lúc đỉnh sóng phải khóc ròng vì bán không được, cho thuê cũng chẳng ai thèm.

Theo anh Trường, có hai sai lầm lớn nhất khiến nhiều người phải trả giá khi lao vào lướt sóng bất động sản. Thứ nhất là họ không xác định được giá trị thật của bất động sản. Mua vào lúc đỉnh sóng nên trở thành con thiêu thân cho những người thoát ra trước.

Thứ hai là sử dụng đòn bẩy tài chính vô tội vạ. Chỉ một hoặc hai lần có lời, không ít người đã thế chấp toàn bộ tài sản, vay ngân hàng, vay cả xã hội đen với lãi suất cắt cổ để bỏ vào mua bất động sản. Hệ luỵ là nợ nần chồng chất, gia đình đổ vỡ, rơi vào vòng xoáy của các nhóm cho vay nặng lãi.

“Chỉ cần có chút quan sát tìm hiểu và tỉnh táo là một người bình thường vẫn có thể nhận ra ngay đâu là cơn sốt đất thật, đâu là sốt ảo để né tránh. Tuy nhiên, lòng tham và tâm lý fomo là những thứ không phải ai cũng kiểm soát được”, anh Trường nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại