24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cách ly toàn xã hội: Người dân có cần tích trữ hàng hóa?

Bộ Công thương khẳng định đã sẵn sàng các phương án cung cấp nguồn hàng hoá thiết yếu cho người dân trong bối dịch bệnh diễn biến phức tạp và lệnh "cách ly toàn xã hội" được đưa ra từ 0 giờ ngày 1-4.

Cách ly toàn xã hội: Người dân có cần tích trữ hàng hóa?
Ông Trần Duy Đông khẳng định nguồn hàng dự trữ sẵn sàng và có kế hoạch điều phối khi cần thiết - Ảnh: N.AN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa ngày 31-3, ngay sau khi Thủ tướng có Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1-4, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương - cho biết đã sẵn sàng các phương án.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể các kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của Bộ Công thương hiện nay?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và bộ trưởng Bộ Công thương, Vụ Thị trường trong nước - đơn vị có nhiệm vụ điều phối cung cầu hàng hoá tại thị trường trong nước - đã trực tiếp yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch COVDI-19 theo 5 cấp độ.

Những phương án này được xây dựng theo đúng sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các địa phương gửi phương án về Bộ Công thương và trong đó, mỗi phương án được yêu cầu đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thuỷ hải sản, rau củ quả…

Đồng thời các địa phương phải tính được nhu cầu hàng hoá thực phẩm với 13 loại mặt hàng trên như thế nào, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt là nhu cầu dịch bệnh tăng từ 10-20% hay thậm chí cao hơn, thì số lượng nguồn cung cần đáp ứng thế nào. Các địa phương phải có con số cụ thể, để sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng.

- Vậy vai trò của các doanh nghiệp cung ứng sản xuất và phân phối tham gia như thế nào, thưa ông?

Với các doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hoá thiết yếu, Bộ Công thương cũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp có số lượng dự trữ và cung ứng hàng hoá thiết yếu, với kế hoạch triển khai thực hiện theo 5 cấp độ của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Bộ Công thương đã chỉ đạo tất cả hệ thống phân phối luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn cung, phục vụ nguồn cung và phục vụ tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Đối với Bộ Công thương, chúng tôi tính toán cụ thể nhu cầu cả nước, nguồn cung cả nước. Đến nay mọi phương án đã cơ bản sẵn sàng. Chúng tôi đã có phương án trên phạm vi cả nước, với số lượng nguồn dự trữ, doanh nghiệp tham gia cung ứng và phân phối.

Chúng tôi cũng xây dựng bản đồ hàng hoá gồm tổng kho, nguồn hàng, hàng ở đâu, doanh nghiệp nào cung cấp, cung cấp như thế nào cho 13 mặt hàng thiết yếu như vậy với từng phương án.

- Với việc Thủ tướng yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, Bộ Công thương có kế hoạch ra sao để lưu thông hàng hoá được thông suốt?

Hiện nay thì Chính phủ ban hành lệnh cách ly toàn xã hội, người dân vẫn được ra khỏi nhà mua hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống.

Chúng tôi cũng đã báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia đối với phương án cao nhất, trường hợp cao nhất, thì sẽ phối hợp với quân đội và công an vận chuyển hàng hoá đến người dân.

Chúng tôi đảm bảo là bất kỳ địa phương nào khi cần hỗ trợ, khi nào cần nguồn hàng, mặt hàng nào thì Vụ Thị trường trong nước sẽ điều phối ngay hàng hoá từ nơi khác về.

Phương án triển khai là sử dụng doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp lớn dự trữ hàng hoá nắm được kho nào, tỉnh nào đang thừa nguồn hàng đó, sẽ điều chuyển cho địa phương đang cần.

Đồng thời có phương án doanh nghiệp phân phối lớn nếu có vấn đề, ca nhiễm lây lan thì sẽ có điểm bán hàng dã chiến, điểm bán hàng lưu động.

- Với tất cả các phương án và sự chuẩn bị trên, ông có khẳng định nguồn cung hàng hoá đảm bảo nhu cầu hiện nay?

Tôi khẳng định nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân là đáp ứng đủ cho người dân dùng. Các hệ thống phân phối, cung ứng đã được yêu cầu nguồn hàng, sự chuẩn bị của địa phương, thì khẳng định người dân không cần thiết phải tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết.

Khuyến cáo người dân không nên mua xăng dầu tích trữ

Hiện nay, tại một số địa phương, có hiện tượng người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ do giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm mạnh.

Bộ Công thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các Sở Công thương, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối xăng dầu trên phạm vi cả nước có các phương án cần thiết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Bộ Công thương cũng đang phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng không bán hàng mà không có lý do chính đáng,...

Theo Bộ Công thương, việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người mua tích trữ và cộng đồng dân cư và nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu tập trung đông người.

Hà Nội: Nguồn cung đủ người dân đến 3 tháng

Báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội - khẳng định các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng đủ cho người dân từ 60-90 ngày. Sở đã làm việc với các doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp 3 lần, nên người dân không cần tích trữ.

Bà Lan cho biết, ban đầu do chưa hiểu hết nên có việc một số nơi yêu cầu đóng cửa cả những cơ sở kinh doanh thương mại, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm, vì thế trong ngày 26-3 có người mua sắm có tăng gấp đôi ngày thường.

Theo bà Lan, sau khi thành phố công bố chi tiết danh mục các cửa hàng được mở cửa, việc mua sắm đã trở lại bình thường. Còn ngay thời điểm lượng mua tăng, do các siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã có sự chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ mặt hàng thiết yếu từ rất sớm nên dù nhu cầu có tăng nhưng hàng hóa được đáp ứng kịp thời, đầy đủ, giá cả giữ ổn định.

Và để chủ động nguồn hàng đưa về các siêu thị, cửa hàng cung ứng thực phẩm, thành phố đã quyết định cho phép các phương tiện vận tải được vận chuyển hàng hoá 24/24, không theo giờ cố định như trước đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả