Các toan tính bị “phá sản”, Tasco “dính đòn đau” vì BOT và BT
Tasco cho biết, việc 3 trên 5 trạm thu phí BOT của doanh nghiệp này không thu được phí đã ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền và hiệu quả hoạt động, phá vỡ các dự tính và dự báo của công ty này trong năm 2018.
Vào ngày 22/5 tới đây, Công ty CP Tasco (mã chứng khoán HUT) sẽ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Tại tài liệu cung cấp cho cổ đông, Tổng giám đốc Tasco Nguyễn Văn Dưỡng cho biết, năm 2018 là một năm đầy khó khăn đối với doanh nghiệp này. Mặc dù đã nhận định trước các rủi ro có thể gặp phải và có biện pháp phòng ngừa, nhưng tình huống thực tế diễn biến phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với dự kiến. Điều này ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và kết quả sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2018.
3 trong số 5 trạm thu phí không thu được phí
Cụ thể, dự án BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng hoàn thành thi công xây dựng vào tháng 12/2017 và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 3/2018. Theo hợp đồng BOT thì dự án sẽ được thu phí từ thời điểm đó.
Tuy nhiên, Tasco cho biết, để triển khai thu phí, hàng loạt các thủ tục có liên quan phải được thực hiện và cần sự chấp thuận của rất nhiều sở, ban, ngành nên mặc dù đã rất nỗ lực và bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng đến ngày 4/1/2019, dự án mới bắt đầu được thu phí, tức là chậm 1 năm so với thời điểm dự án có thể đưa vào khai thác và chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch năm 2018.
Bên cạnh đó, liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7 năm 2018, hai trạm thu phí BOT Tân Đệ và BOT Mỹ Lộc không thu được phí do làn sóng các tài xế phản đối các BOT lan rộng trên toàn quốc. Theo Tasco, đây là một trong những rủi ro không lường trước được của công ty trong năm 2018.
Trước bối cảnh đó, công ty này cho biết đã phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tìm các biện pháp giải quyết phù hợp một cách nhanh nhất. Cho đến nay, trạm BOT Mỹ Lộc đã được thu phí trở lại từ 20/3/2019 sau 9 tháng không thu được phí và trạm BOT Đông Hưng (trạm Tân Đệ cũ) dự kiến được thu phí trở lại từ tháng 7/2019 sau 12 tháng không thu được phí.
Nhìn chung, việc 3 trên 5 trạm thu phí của không thu được phí đã ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền và hiệu quả hoạt động của Tasco, phá vỡ các dự tính và dự báo của công ty này trong năm 2018.
Một khó khăn khác của Tasco là dự án VETC chậm tiến độ so với kế hoạch. Theo hợp đồng và phương án tài chính của dự án đã ký với Bộ GTVT, dự án VETC được hưởng mức phí 7-8% trên doanh thu, tương đương với mức chi phí quản lý thu của các dự án BOT.
Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn từ chính sách cũng như các nhà đầu tư BOT, mức phí mà VETC được hưởng chỉ khoảng 5-10% mức phí đã ký trong hợp đồng BOO. Vì vậy, doanh thu của dự án VETC thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch.
Điều này dẫn tới ngân hàng tài trợ vốn cho dự án yêu cầu Tasco phải làm việc với các cơ quan chức năng để có các giải pháp tăng doanh thu thì mới tiếp tục giải ngân cho dự án. Trong khi đó, chi phí vận hành của dự án giai đoạn này lại rất lớn vì vừa phải vận hành làn thu phí tự động không dừng, vừa phải vận hành làn thu phí một dừng.
Tình hình triển khai dự án VETC như trên cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền và kết quả hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2018.
Tháng 10/2018, Tasco đã đề xuất phương án và được Chính phủ chấp thuận cho Bộ GTVT được phép trích trực tiếp doanh thu từ các trạm BOT để hoàn vốn đầu tư và bù đắp chi phí vận hành của dự án BOO. Đến tháng 4 năm 2019, doanh nghiệp này ký phụ lục điều chỉnh với Bộ GTVT về phương án trích doanh thu và cách thức cũng như tiến độ triển khai dự án.
Tạm dừng thanh toán các dự án theo hợp đồng BT
Chưa hết, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”.
Đến ngày 28/12/2018, Chính phủ mới ban hành nghị quyết số 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Theo đó, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết, bảo đảm đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng BT.
Việc này khiến cho việc quyết toán tuyến đường BT Lê Đức Thọ mà công ty này đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017 gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến ban đầu, ảnh hưởng lớn tới tiến độ các dự án bất động sản được thanh toán theo hợp đồng BT này.
Những nguyên nhân kể trên đã khiến doanh thu và lợi nhuận của Tasco trong năm 2018 vừa rồi chỉ đạt lần lượt 1.147 tỷ và hơn 77 tỷ đồng trong năm 2018, chỉ thực hiện được chưa tới 55% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận mà ĐHĐCĐ giao phó. Con số này cũng giảm gần 48% và 75% so với kết quả thực hiện của năm trước.
Bước vào năm 2019, lãnh đạo Tasco cho biết, đã xuất hiện những dấu hiệu thuận lợi như trạm BOT Hải Phòng bắt đầu thu phí, trạm BOT Mỹ Lộc đã thu phí trở lại, dự án VETC đã được giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai bằng việc ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT...
Dự kiến hết quý II năm 2019, các dự án BOT của công ty sẽ đi vào vận hành ổn định, mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt hơn năm 2018.
Đối với dự án VETC, những năm đầu triển khai có chi phí khấu hao, chi phí vận hành và chi phí tài chính rất lớn, vì vậy kết quả kinh doanh của công ty này sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi dự án VETC. Dự kiến dự án vẫn lỗ trong năm 2019-2020 mặc dù được hưởng lợi nhuận cố định là 12%/vốn chủ sở hữu/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận