Các tập đoàn Trung Quốc - “Ngư ông đắc lợi” sau căng thẳng Nga - Ukraine?
Các Tập đoàn lớn của Trung Quốc có thể là người đầu tiên tận dụng năng lượng và nguyên liệu thô của Nga theo quyết định cấm nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và than của Mỹ.
Các quan chức ở Bắc Kinh được cho là đã nói chuyện với đại diện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc, Tập đoàn Nhôm Trung Quốc và Tập đoàn Minmetals Trung Quốc về các cơ hội đầu tư vào các công ty Nga, mặc dù vẫn chưa có thông tin gì cụ thể.
Có thể nói, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đồng rúp đã rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại và cổ phiếu của nước này trên thị trường nước ngoài đã giảm mạnh xuống gần bằng không. Trong khi đó, Sàn giao dịch Moscow vẫn đóng, mất một phần ba giá trị sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.
Trong bối cảnh đó, một số các tập đoàn lớn trong khu vực tư nhân đã quyết định rút khỏi thị trường Nga, bao gồm các gã khổng lồ năng lượng BP, Shell và ExxonMobil, tất cả đều đã công bố kế hoạch rút khỏi các doanh nghiệp Nga trị giá hàng tỷ đô la. Và cho đến nay, hơn 200 công ty Mỹ và châu Âu, trong đó có nhiều công ty tên tuổi, đã rút khỏi Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc gần như “không phản ứng” gì với các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Nga ngay từ ngày đầu tiên. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ tiếp tục giao dịch bình thường với Moscow, khi cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt có thể gây hại cho các nước thứ ba bị mắc kẹt trong chuỗi cung ứng phức tạp của thế giới.
Các nhà quan sát đang cho rằng, Trung Quốc đang “lửng lơ” trong việc hỗ trợ nền kinh tế Nga và chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây, và họ còn “thừa nước đục thả câu” khi nắm bắt các cơ hội để gia tăng sự phụ thuộc, vốn đã rất lớn của Moscow vào Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện tại đang là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Nga. Trong số các khoản đầu tư năng lượng hiện tại của Trung Quốc vào Nga, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc có 20% cổ phần trong dự án Yamal LNG và 10% cổ phần tại Bắc Cực LNG 2, trong khi Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc cũng sở hữu 10% Bắc Cực LNG 2.
Hai nước đã và đang tăng cường quan hệ, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin vào tháng trước đã ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ cũng như lúa mì của Nga. Gazprom và Rosneft là một trong những người khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng của Nga đã ký kết thỏa thuận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Bắc Kinh trước thềm Thế vận hội mùa đông.
Và một khoản đầu tư của Trung Quốc thời điểm này có thể giúp củng cố nỗ lực của Moscow trong việc đẩy nhanh cái gọi là “Xoay vòng sang châu Á” với các thỏa thuận cung cấp dầu và khí đốt. Trung Quốc đã tăng gấp đôi mua các sản phẩm năng lượng của Nga lên gần 60 tỷ USD trong 5 năm qua.
Đường ống Power of Siberia bắt đầu gửi khí đốt đến Trung Quốc vào năm 2019 và Gazprom hiện đang đàm phán với Trung Quốc về một tuyến đường khác có thể được ký kết trong năm nay, cuối cùng cho phép nó vận chuyển nhiên liệu từ các mỏ khí đốt cung cấp cho châu Âu.
Mặc dù các chuyên gia phân tích phương Tây đều cho rằng, bất kỳ khoản đầu tư nào vào Nga thời điểm này đều tiềm ẩn những rủi ro vượt ra ngoài hành động cân bằng địa chính trị mà Bắc Kinh phải đối mặt. Nhưng, rất có thể các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã chủ quan vì ai cũng biết, Trung Quốc là những người tận dụng cơ hội tốt như thế nào…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận