menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đức Anh

Các startup thay đổi cuộc chơi trên trường vận chuyển hàng hóa Indonesia

Bằng cách sử dụng các giải pháp công nghệ, giúp tiết kiệm chi phí, các công ty khởi nghiệp (startup) đang thay đổi cuộc chơi trên thị trường vận chuyển hàng hóa ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Tại Indonesia, đất nước có hàng ngàn hòn đảo, chi phí logistics chiếm 25-35% GDP, cao hơn nhiều so với mức 5% GDP ở các nước phát triển.

Với hoạt động gọi vốn đầu tư dồn dập, các startup về logistics ở Indonesia đang gây sự chú ý trong năm nay.

Một trong những startup huy động vốn lớn nhất là Ritase, nền tảng giúp kết nối các chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với các công ty vận tải. Ritase cũng phát triển và cung cấp cho khách hàng một hệ thống phần mềm giúp quản lý vận chuyển, xử lý đơn hàng trực tuyến, tối ưu hóa chặng đường vận chuyển, lên kế hoạch bốc xếp hàng hóa theo thời gian thực. Được thành lập vào năm 2017, Ritase đặt mục tiêu đơn giản hóa chuỗi cung ứng logistics và tạo ra một quy trình vận chuyển hàng hóa đường bộ hiệu quả hơn.

Doanh nhân Iman Kusnadi và kỹ sư phần phần mềm David Samuel, hai người đồng sáng lập Ritase, đã huy động được 3 triệu đô la từ Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Insignia Ventures Partners trong vòng gọi vốn hạt giống vào tháng 9-2018. Ritase tiếp tục huy động thêm 1,6 triệu đô la và 8,5 triệu đô la trong các vòng gọi vốn lần lượt vào tháng 2 và tháng 7-2019.

Kusnadi nói: “Sứ mệnh của chúng tôi là giải quyết khó khăn lớn nhất của logistics và vận chuyển hàng hóa, đó là dữ liệu thiếu chính xác. Các xe tải thường hoạt động mà không dựa vào các tham chiếu dữ liệu rõ ràng nào cả chẳng hạn loại hàng hóa đang chở hay liệu tài xế có bằng lái phù hợp hay không. Vì vậy, chúng tôi xây dựng hạ tầng số hóa để giải quyết các vấn đề này đẻ các bên liên quan trong hệ sinh thái logistics đều được hưởng lợi”

Kusnadi tin rằng tạo ra sự đột phá trong ngành logistics sẽ mang lại tác động khổng lồ trong nền kinh tế Indonesia. Anh nói: “Khi các giải pháp của chúng tôi có thể giảm chi phí logistics cho các chủ hàng, điều này có thể giúp giá cả hàng hóa giảm trong dài hạn. Nếu giá cả giảm, sức mua của người dân cuối cùng sẽ tăng lên”.
Hiện nay, Ritase đang hỗ trợ thực hiện hơn 40.000 chuyến hàng mỗi hàng và đã từng làm việc với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Nestlé, Unilever, Lotte...

Nhà sáng lập này tiết lộ: “Trong quí 1-2018, chúng tôi chỉ có hai khách hàng doanh nghiệp nhưng hiện nay, chúng tôi đang làm việc với 74 công ty lớn bao gồm các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ toàn cầu. Chúng tôi cũng thu hút 600 doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ sở hữu hơn 11.000 xe tải đăng ký sử dụng nền tảng của chúng tôi”.

“Chúng tôi nhận được mức biên lợi nhuận tốt và hợp lý khi chúng tôi giao dịch trực tiếp với các chủ doanh nghiệp vận tải chứ không qua các trung gian”, Kusnadi cho hay. Anh cho biết Ritase đã bắt đầu có lợi nhuận.
Ritase chỉ là một trong các startup đang làm thay đổi cục diện trên thị trường vận chuyển hàng hòa ở Indonesia.

Các startup thay đổi cuộc chơi trên trường vận chuyển hàng hóa Indonesia
Đội ngũ lãnh đạo của của Waresix, nền tảng giúp kết nối các chủ hàng và các doanh nghiệp sở hữu nhà kho và xe tải trên khắp Indonesia. Ảnh: Kr-Asia

Hồi đầu tháng 7, Waresix, một startup trong lĩnh vực logistics, có trụ sở ở Jakarta, huy động được 14,5 triệu đô la từ một nhóm đầu tư do Công ty đầu tư vốn mạo hiểm EV Growth dẫn đầu.

Nền tảng của Waresix giúp kết nối các chủ hàng và các doanh nghiệp sở hữu nhà kho và xe tải trên khắp Indonesia. Waresix cho biết hệ sinh thái của công ty giờ đây bao gồm hơn 20.000 xe tải và 200 nhà kho ở trên cả nước.

Nguồn vốn mới sẽ giúp Waresix mở rộng dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ cũng như đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhằm cải thiện các năng lực phân tích dữ liệu.

Một startup trong lĩnh vực logistics khác ở Indonesia cũng đang gây sự chú ý là Kargo. Công ty này đã huy động được 7,6 triệu đô la trong vòng gọi vốn hạt giống hồi tháng 3 từ một nhóm nhà đầu tư do Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Sequoia Capital India dẫn đầu. Kargo cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để đầu tư cho hạ tầng và công nghệ.

Tiger Fang, Giám đốc điều hành Kargo, không phải là cái tên xa lạ. Ông từng là giám đốc quốc gia của Uber tại Indonesia và giám đốc Uber phụ trách khu vực Tây Trung Quốc.

Theo Kargo, hoạt động vận chuyển hàng hóa ở Indonesia đang có nhiều bất cập. Chẳng hạn, các xe tải giao hàng từ các trung tâm đô thị ở Indonesia thường quay trở về với xe trống hàng và các tài xế xe tải thường phải vất vả tìm khách hàng từ nhiều kênh khác nhau. Các hợp đồng vận chuyển hàng với các tài xế thường viết tay, mất nhiều thời gian và nhiều lúc, tài xế phải chờ nhiều tháng sau khi chở hàng xong mới nhận được thanh toán.

Vì vậy, Kargo đặt mục tiêu xây dựng ngành vận chuyển hàng hóa đường dài trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn bằng cách sử dụng một nền tảng giúp các chủ hàng, các công ty vận tải và các tài xế xe tải kết nối với nhau để giao dịch và theo dõi lộ trình vận chuyển hàng hóa theo thời gian thực.

Hồi giữa tháng 8, Logisly, một nền tảng kết nối các chủ hàng với các nhà cung cấp dịch vụ logistics ở Indonesia, cũng huy động được một khoản vốn đầu tư không tiết lộ gia trị từ một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là SeedPlus của Singapore.

Nền tảng này mới thành lập vào đầu năm nay nhưng đã thu hút được 200 công ty vận tải đăng ký sử dụng dịch vụ và đã làm việc với 100 chủ hàng từ nhiều ngành khác nhau như hàng tiêu dùng nhanh, hóa chất, thương mại điện tử, xây dựng...

Cũng giống như đối thủ khác trong cùng lĩnh vực, Logisly muốn giải quyết vấn đề chi phí cao trong dịch vụ logistics và cải thiện quản lý chuỗi cung ứng logistics ở Indonesia.

Nền tảng của Logisly cung cấp các tính năng như theo dõi lộ trình hàng hóa theo thời gian thực và chứng thực hàng hóa đã được giao. Đối với các công ty xe tải, nền tảng này sẽ giúp họ nhận được thanh toán nhanh hơn và tận dụng tối đa các xe tải nhàn rỗi và xe tải chạy không hàng.

Kusnadi, người đồng sáng lập Ritase, nhận định cuộc cạnh tranh sắp tới sẽ rất thú vị và chắc chắn sẽ giúp nâng cao sáng tạo cho toàn bộ hệ sinh thái logistics ở Indonesia. Tuy nhiên, công ty phát triển công nghệ mới về logistics cũng đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là giấy phép kinh doanh và các quy định quản lý.

Kusnadi nói: “Ban đầu, các cơ quan quản lý cho rằng chúng tôi là một công ty logistics, vì vậy, chúng tôi phải tuân thủ các quy định thông thường về vận chuyển hàng hóa, chẳng hạn chúng tôi phải sở hữu đội xe tải riêng. Tôi đã phải giải thích nhiều lần chúng tôi chỉ là một công ty công nghệ cung cấp giải pháp cho lĩnh vực vận tải hàng hóa”.

Theo Kr-Asia, Tech in Asia

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại