Các quỹ ETF rút ròng hơn 21.000 tỷ đồng trong 10 tháng liên tiếp
Trong báo cáo chiến lược tháng 11/2024, Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, xu hướng rút vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 vừa qua đã hạ nhiệt đáng kể. Cụ thể, các quỹ ETF chỉ rút ròng 300 tỷ đồng, mức thấp nhất từ đầu năm, phản ánh giao dịch khá cân bằng.
Đây là tháng thứ 10 liên tiếp các quỹ này rút ròng, đưa tổng giá trị rút từ đầu năm lên 21.200 tỷ đồng, tương đương giảm 28% tổng tài sản vào cuối năm 2023, giảm tổng tài sản quỹ ETF xuống còn 58.700 tỷ đồng.
Áp lực rút vốn tập trung chủ yếu vào quỹ Fubon (-246 tỷ đồng), tuy nhiên, quy mô này đã giảm so với 5 tháng trước. Ngược lại, các quỹ như Xtrackers FTSE Vietnam ETF (-199 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (-141 tỷ đồng) và VanEck (-92 tỷ đồng) vẫn duy trì mức rút ròng đáng kể.
Ở chiều ngược lại, DCVFM VNDiamond tiếp tục ghi nhận dòng vốn vào tích cực, với +368 tỷ đồng trong tháng, đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp dòng vốn này tăng. Quỹ KIM Growth VN30 (+82 tỷ đồng) và DCVFM VN30 (+18 tỷ đồng) cũng đảo chiều với dòng vốn vào sau hai tháng rút ròng.
Mặc dù các quỹ ETF ngoại vẫn duy trì trạng thái rút ròng, nhiều ETF nội đã có tín hiệu tích cực hơn giúp cân bằng lại dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, SSI Research vẫn có cái nhìn thận trọng đối với dòng vốn ETF và chỉ kỳ vọng dòng tiền có thể sẽ tích cực hơn trong năm 2025.
Về dòng tiền đầu tư vào các quỹ chủ động, trái ngược với các tín hiệu tích cực từ tháng 9, dòng tiền của các quỹ chủ động lại đẩy mạnh rút ròng trong tháng 10 với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng, từ cả các quỹ đầu tư vào Việt Nam và nhóm quỹ đa quốc gia, ngoại trừ nhóm quỹ từ Thái Lan.
Điều này cũng tương đồng với khối ngoại khi họ bán ròng 4.400 tỷ đồng qua giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Sức ép từ tỷ giá và sự giảm nhiệt của các thị trường mới nổi khiến dòng tiền từ các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam kém tích cực trong tháng 10 và suốt năm 2024.
Trong tháng 11, Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền ký quỹ đã đi vào hiệu lực, và đã có một số giao dịch theo chính sách mới này.
Với Thông tư 68 cùng các sửa đổi sắp tới của Luật Chứng khoán, kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ chủ động sẽ có xu hướng phân bổ rõ nét hơn vào Việt Nam trong năm 2025.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích nhận định thị trường tháng 11 có thể biến động trong ngắn hạn, định giá thị trường đang trở về mức hấp dẫn hơn trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục xu hướng hồi phục. Đây cũng là cơ hội để mua vào các cổ phiếu tiềm năng với giá hợp lý để xây dựng danh mục đầu tư dài hạn.
Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh và bền vững, vì đây được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và năm 2025.
Cùng với đó, nhóm chuyên gia dự báo dệt may, thủy sản (cá tra), cảng và vận tải biển sẽ là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ nên đây cũng là những lĩnh vực đáng cân nhắc bổ sung vào danh mục cho giai đoạn tới.
Tuy nhiên, SSI Research lưu ý, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục để hạn chế tác động từ các biến động khó lường. Cùng với các biến động chính sách từ Mỹ, lãi suất và biến động tỷ giá trong nước là 2 yếu tố vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận