Các “ông lớn” đang nghiên cứu đầu tư vào những vùng đất mới nào?
Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn ở trong và ngoài nước đang nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn tại những khu vực vừa được quy hoạch trở thành động lực phát triển và có lợi thế về hạ tầng sân bay, cao tốc, cảng biển,…
Những vùng đất có động lực phát triển
Những tín hiệu tích cực từ quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt cho đến những dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển… đang hứa hẹn mở ra nhiều vùng đất phát triển mới tại nhiều địa phương trên cả nước.
Tại Khánh Hòa, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định ba vùng động lực phát triển gồm, khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.
Ngày 18/6 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ khánh thành hai dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Việc hoàn thành hai tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận nói riêng, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước nói chung.
Trong cùng ngày, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng đã được tổ chức khởi công đầu tư xây dựng. Giai đoạn 1 của dự án có chiều dài khoảng 117,5km, tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4E, công suất thiết kế dự kiến 25 triệu hành khách/năm, với ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 23.760 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại Khánh Hòa còn có một địa điểm tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh được xác định là cảng hàng không, sân bay tiềm năng.
Tại Hà Tĩnh, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định ba trung tâm phát triển đô thị của tỉnh, gồm trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh; trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Tại tỉnh này còn có trung tâm động lực tăng trưởng Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Về hạ tầng giao thông, tại tỉnh có các tuyến đường cao tốc, đường ven biển, đường thủy,…
Bên cạnh đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh có 1 địa điểm tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên được xác định là cảng hàng không, sân bay tiềm năng.
Riêng tại Quảng Bình, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định hai trung tâm động lực tăng trưởng. Trong đó, Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu Kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh việc đầu tư các dự án đường cao tốc, đường ven biển, theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tại Quảng Bình có cảng hàng không quốc nội Đồng Hới.
Cảng hàng không Đồng Hới có quy mô, cấp sân bay 4C, công suất thiết kế dự kiến 3 triệu hành khách/năm, với ước tính chi phí đầu tư 2.804 tỷ đồng. Trong giai đoạn đến năm 2050, cảng hàng không Đồng Hới được nâng cấp lên 5 triệu hành khách/năm, ước tính chi phí đầu tư khoảng 1.845 tỷ đồng.
Bên cạnh các địa phương nêu trên thì nhiều địa phương khác trên cả nước cũng sắp được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hồi tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tại Quảng Ngãi sẽ hình thành hai trung tâm động lực tăng trưởng. Trong đó, Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Một trung tâm động lực tăng trưởng khác là khu du lịch đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo quốc gia.
Bên cạnh các dự án đường cao tốc, ven biển, tỉnh Quảng Ngãi còn hưởng lợi từ việc cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn 2021 – 2030.
Theo quy hoạch, tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi) sẽ có cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế dự kiến 10 triệu hành khách/năm, với ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 15.968 tỷ đồng.
Trong giai đoạn đến năm 2050, cảng hàng không quốc tế Chu Lai sẽ được nâng cấp lên 30 triệu hành khách/năm, với ước tính chi phí đầu tư khoảng 37.950 tỷ đồng.
Cũng theo quy hoạch, tại Quảng Ngãi có 1 địa điểm tại xã An Hải, huyện Lý Sơn được xác định là cảng hàng không, sân bay tiềm năng.
Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới
Ngay sau khi quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn ở trong và ngoài nước đã đổ về nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn tại nhiều địa phương.
Trong làn sóng đầu tư lần này, phần lớn các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư dự án tại những vùng đất động lực tăng trưởng đã được xác định trong quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mới đây, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 30.000 tỉ đồng. Đồng thời, tỉnh này cũng trao biên bản ghi nhớ phát triển dự án cho nhiều doanh nghiệp với tổng vốn dự kiến khoảng trên 80.000 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ phát triển dự án, có rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn như Tập đoàn Vingroup, Sun Group,…
Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng cho biết kế hoạch triển khai các bước tiếp theo đối với các dự án đã ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2023.
Trong đó, khu vực phía Bắc có các dự án trọng điểm, gồm khu đô thị đa năng cao cấp Đầm Môn; khu đô thị đa năng Cổ Mã – Tu Bông; khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí có sân gôn Hòn Lớn; khu hỗn hợp dịch vụ, du lịch cao cấp và vui chơi giải trí núi Khải Lương;…
Ngày 28/5, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng và ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 210.000 tỷ đồng.
Trong số các dự án nói trên, đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng tổng vốn đầu tư 13.200 tỷ đồng và Khu nhà ở xã hội tại phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh, vốn đầu tư dự kiến 4.840 tỷ đồng,…
Tương tự Khánh Hòa, Hà Tĩnh, dự kiến ngày 25/6 tới đây, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Qua đó, kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình nói chung và những vùng động lực phát triển của tỉnh nói riêng.
Không riêng gì những địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh nêu trên mà nhiều địa phương khác sắp được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang là tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp tên tuổi lớn.
Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Messer SE & Co. KgaA thực hiện dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãivới tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.157 tỷ đồng.
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cũng đang xem xét đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển KCN Phát Đạt về việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất tại khu vực 2 (495 ha), khu vực 4 (310 ha), thuộc phân khu Bình Thanh, Khu kinh tế Dung Quất.
Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai lập quy hoạch hàng loạt phân khu mới tại Khu kinh tế Dung Quất để làm cơ sở xúc tiến thủ tục thu hút dòng vốn đầu tư mới.
Đơn cử, quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất quy mô 7.345ha; quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Dung Quất II có diện tích 1.496ha; quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong có diện tích khoảng 2.481ha; quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn có diện tích khoảng 1.492ha;…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận